Bảng nhãn Đào Công Chính: “Đức thánh thuốc nam”
- Trần Hưng
- •
Làng Hội Am (tên nôm là làng Cõi) thuộc tổng Đông Am, phủ Hạ Hồng, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng) là một làng có nghề canh cửi và nuôi cá giống. Họ Đào ở đây nhiều đời theo khoa bảng, nổi tiếng nhất là Bảng nhãn Đào Công Chính, một danh y thời Lê Trung Hưng.
Đỗ đạt từ nhỏ
Cụ tổ họ Đào làng Cõi là Đào Trực Tiết, được phong tước Vĩnh Nhân Công. Khi về hưu cụ mở trường dạy học, sĩ tử theo khá đông, dân chúng gọi là “Cối Kê tiên sinh”.
Đến thế kỷ 17, họ Đào sinh được Đào Dĩnh Đạt, thuở nhỏ đã thông minh, được xem là thần đồng.
Năm 13 tuổi, Đào Dĩnh Đạt đi thi Hương, vì trùng tên với Nguyễn Văn Đạt (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) nên đổi tên là Đào Công Chính. Dù chỉ 13 tuổi nhưng ông đã đỗ kỳ thi Hương tức Hương cống, vì thế người thời đó có câu: “Ông Cõi 13, Thanh Hà 14” để chỉ làng Cõi có thần đồng đỗ đạt khi mới 13 tuổi, và một vị quan ở huyện Thanh Hà đỗ đạt khi còn trẻ.
Năm 1661, Đào Công Chính 23 tuổi dự thi, vượt qua kỳ thi Hội và vào kỳ thi Đình. Bài làm của ông xuất sắc và được chấm đỗ Bảng nhãn, dân chúng gọi ông là “Bảng Cõi” tức Bảng nhãn của làng Cõi.
Làm quan tận tụy
Đào Công Chính làm quan tận tụy với công việc nên được Vua và Chúa yêu quý. Sau 15 năm làm quan, ông được thăng làm Phủ doãn Phụng Thiên, chức quan đứng đầu Kinh thành Thăng Long
Năm 1673, Đào Công Chính được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Thời gian này ông sáng tác rất nhiều tác phẩm về thơ văn. Nhờ hoàn thành tốt nhiệm vụ ông được thăng lên làm Nhập thị kinh diên giảng quan (Người giảng sách cho Vua), rồi Bồi tụng.
Đào Công Chính cũng tham gia biên soạn cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” phần Bản kỷ, hoàn thành vào năm 1665. Trong thời gian làm Nhập thị kinh diên giảng quan, ông cũng đồng thời làm Sử quan Tổng tài (tức chủ biên) hai cuốn sử là “Trùng san Lam Sơn thực lục”, “Trung hưng thực lục”.
“Đức thánh thuốc nam”
Đào Công Chính rất giỏi về y thuật, vì vậy mà năm 1676, vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Căn chỉ dụ cho ông viết sách về y thuật. Ông viết cuốn “Bảo sinh diên thọ toản yếu”, được xem là cuốn sách về y lý sớm nhất trong nước.
Nội dung cuốn sách nói về dưỡng sinh toàn diện từ lý luận đến thực tiễn. Sách gồm 5 quyển, được các thầy thuốc sau này kế thừa áp dụng. Sách có tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học xưa như “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân, kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của người theo Đạo như Hy Di Trần Đoàn, Lã Động Tân trong bát tiên.
Vì cống hiến này, Đào Công Chính được tôn vinh là “Đức thánh thuốc nam”, là danh y có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc. Ông cùng với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Dược học Tuệ Tĩnh tạo thành thế vạc ba chân vững chắc cho nền y học trong nước.
Qua đời
Đào Công Chính dù làm quan lớn nhưng sống thanh liêm, luôn lo cho sức khỏe và đời sống dân chúng. Khi nghỉ hưu, ông mở trường dạy học và chữa bệnh cứu người. Ông mất tháng 3/1709 trong sự thương tiếc của người dân.
Sau này đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng cho rằng sử dưới thời Lê – Trịnh là viết theo ý của Chúa, không khách quan, vì thế vua Minh Mạng cấm không cho lưu hành sử sách thời Lê – Trịnh. Chính vì thế mà từ thời kỳ này công lao của Đào Công Chính không được nhắc đến.
Nhưng nền đông y nước nhà vẫn kế thừa và ghi nhận y thuật của ông. Trong lịch sử, người đỗ đến Tam khôi lại giỏi cả y thuật như Bảng nhãn Đào Công Chính là hiếm có. Cuốn “Hải Dương phong vật khúc khảo thích” có bài thơ ca ngợi về ông như sau:
Hội Am có thần đồng đĩnh ngộ,
Tuổi mười ba đã đỗ thu vi.
Bảng xuân sớm dự long trì,
Ra ngoài sứ tiết vào thì giảng duyên.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện Lê Quý Đôn bỏ tính kiêu ngạo, trở thành nhà bác học lớn
- Danh y thời xưa chữa bệnh không bị cuộc hạn vào thuốc
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử khoa bảng danh y nhà Lê Trịnh