Bao Thanh Thiên đất Việt: Dùng đức cảm hóa dân, xử án thần kỳ
- Trần Hưng
- •
Quận công Nguyễn Mại là bậc văn võ song toàn, những kỳ tích xử án của ông còn được sử sách và dân gian lưu truyền lại, người dân kính nể xem ông như Bao Thanh Thiên của đất Việt.
Nguyễn Mại sinh năm 1655, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương. Năm 1691 ông đỗ hoàng giáp (chỉ sau trạng nguyên) và làm quan ở bộ Lễ dưới triều vua Lê Hy Tông.
Sau đó Nguyễn Mại được thăng chức làm tả thị lang, giữ trọng trách thủy quân, rồi làm đốc trấn Cao Bằng, đốc trấn Sơn Tây. Ông mất năm 1720 vào thời vua Lê Dụ Tông và được tặng chức lễ bộ thượng thư, tước quận công.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả rằng Nguyễn Mại “có sức khỏe, có mưu lược, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”.
Còn sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì viết rằng: “Mại là người khỏe mạnh, có mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa”.
Các quan cùng thời đánh giá Nguyễn Mại là bậc thần giáng Hải Đông, là quý nhân Nam quốc. Nguyễn Hoàn là một vị quan cùng thời với Nguyễn Mại, tính nóng nảy và không phục ai, nhưng đã viết về Nguyễn Mại như sau:
Văn kinh luân, võ tài lược, trong là cốt cán, ngoài là cánh vây. Chốn vương phủ sung tri thủy tri binh, đức vọng vòi vọi tựa Thái sơn Tung nhạc. Về địa phương là đốc lãnh đốc trấn, uy phong lẫm lẫm như nắng rực sương thu. Thanh danh vang vọng như chuông vàng nam lữ, tài nghệ sắc nét như thuyền thả Động Đình. Phép tắc nơi ba quân rành trong lòng bàn tay, lưu truyền tựa trí thần Tử Phòng tính toán. Cơ mưu chốn bát trận đầy sẵn trong bụng, tựa như tướng Gia Cát định quốc an dân… Tài đủ tiến lui, phong độ vững vàng, triều đình trông cậy.
Dùng nhân nghĩa cảm hóa được giặc cướp, tù nhân
Khi còn là đốc trấn Cao Bằng, Nguyễn Mại phải đối phó với nạn cướp từ Quảng Tây (Trung Quốc) tràn sang. Qua tìm hiểu ông thấy rằng đám giặc phỉ này chỉ là những nông dân nghèo vì quá đói khổ, túng quẫn cùng đường mới phải tràn qua biên giới đến Cao Bằng để cướp.
Ông cho quân bắt lại rồi thả ra chứ không xét xử, cũng không làm công văn báo với quan lại vùng Quảng Tây, có nhiều lúc còn cung cấp lương thực cho họ để họ trở về. Ông cứ cho quân vây bắt rồi thả về nhiều lần như vậy. Cuối cùng đám giặc cướp nơi phương Bắc này cảm động trước ân đức của Nguyễn Mại mà không còn sang quấy nhiễu nữa.
Trong cuộc đời làm quan, nơi ông gắn bó lâu nhất chính là xứ Đoài (tức trấn Sơn Tây). Một lần phủ làm việc của ông bị cháy, đám cháy lan vào nhà tù nơi giam giữ toàn những kẻ đầu trộm đuôi cướp ở xứ Đoài. Ông không chần chừ sai người mở ngay cổng nhà ngục thả hết các tù nhân để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ.
Lúc này mặc dù có cơ hội chạy trốn, nhưng các tù nhân như bừng tỉnh ngộ, họ cùng binh lính và người trong phủ dập tắt ngọn lửa. Sau đó bọ họ đều bảo nhau cùng trở lại trại giam không sót một ai cả.
Bạo lực, hình phạt, nhà tù chỉ có thể làm người khuất phục vì sợ hãi chứ không thay đổi được tâm của con người, Nhưng Nguyễn Mại đã dùng nhân nghĩa để thay đổi lòng người, khiến dù giặc cướp ở Cao Bằng, hay đầu trộm đuôi cướp ở xứ Đoài đều cảm động mà thay đổi cả.
Chính vì sự thanh liêm, chính trực, lại xử án như thần của ông khiến người dân xứ Đoài coi ông như Bao Thanh Thiên của đất Việt. Trong sử sách cũng như dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện xử án thần kỳ của ông.
Xử án thần kỳ
Sách “Đăng khoa lực sưu giảng” có viết rằng khi làm quan ở Sơn Tây, Nguyễn Mại hay đi vi hành xuống các làng để xem xét cuộc sống của người dân. Một lần ông đến chợ Bảo Khám, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì thấy một người đàn bà chửi tục, cứ nhè ba họ tên trộm nào đó mà chửi, ông hỏi thì biết người đàn bà này bị mất trộm một chiếc màn.
Ông cho người đến trói bà này lại trị tội nói tục ồn ào chốn đông người. Ông cho già trẻ gái trai trong làng đều đến để vả vào mặt bà này để cho chừa thói chửi tục, người dân thương kẻ bị mất trộm nên chỉ vả nhẹ, riêng một phụ nữ lại ra tay rất mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho bắt người phụ này nói: “Ngươi chính là kẻ ăn trộm nên mới đánh người ta đau như thế”. Sau khi tra xét người này phải nhận tội đã lấy trộm, vì căm tức người đàn bà kia chửi mình nên mới ra tay đánh rất mạnh.
Nguyễn Mại không chỉ bắt được kẻ trộm mà cũng trị tội cả người bị mất trộm vì hay chửi. Từ đó tiếng tăm của Nguyễn Mại bay đi rất xa, người dân đều coi ông như Bao Thanh Thiên.
Lần khác khi đang vi hành ở chợ Sơn Tây, ông thấy hai người đàn bà đang giành nhau một tấm lụa, ai cũng khẳng định tấm lụa là của mình. Ông liền vào phân xử, ông nói rằng ai nói cũng có lý nên để công bằng thì cho xé đôi tấm lụa chia cho hai người.
Sau đó một người cầm mảnh lụa vui vẻ rời đi, người còn lại khóc lóc kêu than. Ông lập tức cho giữ hai người lại rồi nói: “Phàm chỉ có người làm ra tấm lụa mới biết trân trọng, tiếc công sức của mình. Còn chỉ biết hưởng công sức người khác thì mới hí hửng nhường ấy”.
Sau khi tra xét người vốn cầm nửa tấm lụa hí hửng rời đi phải nhận tội, tấm lụa được đưa lại cho chủ của nó. Người dân nơi đây vẫn gọi đây là vụ án “xẻ đôi tấm lụa” vô cùng nổi tiếng lúc đó.
Một lần Nguyễn Mại đến Đông Ngạc ở Từ Liêm (Hà Nội), ông gặp người đàn bà kêu mất buồng chuối. Qua quan sát ông phát hiện rằng buống chuối này chỉ mới bị chặt và kẻ trộm không thể ở nơi xa.
Ông liền gọi Lý Trưởng đến bảo cho dân làng ra vét ao đình, rồi rửa tay sạch để nhận trầu cau. Qua quan sát ông phát hiện trên tay một người vẫn dính bùn dù đã rửa, liền cho bắt ngay người đó. Qua điều tra quả nhiên đó là thủ phạm chặt buồng chuối, vì tay dính nhựa chuối nên khi dính bùn thì không sao rửa sạch được. Kẻ lấy trộm phải trả lại buồng chuối và nộp phạt trước mặt dân làng.
Tài năng và cách phá án của Nguyễn Mại thần kỳ, được xem là Bao Thanh Thiên của người Việt.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử Bao Thanh Thiên