Trí tuệ cổ nhân: Biết hổ thẹn là một loại mỹ đức
- An Hòa
- •
Khổng Tử giảng: “Tri sỉ cận hồ dũng”, người biết hổ thẹn thì cũng được xem là người gan dạ, dũng cảm. Một người biết giữ mình, biết hổ thẹn, thì đó là người có “sỉ”. Người biết hổ thẹn thì gặp của cải tài vật mà không tham, lâm vào khó khăn mà không bị khuất phục. Cho nên, vô luận là tu dưỡng cá nhân hay là khí tiết của dân tộc thì “biết hổ thẹn” (sỉ) đều là “người dẫn đường” của lương tri.
Mạnh Tử giảng: “Nhân bất khả vô sỉ”, làm người là không thể không biết hổ thẹn. Một người không biết hổ thẹn thì không thể được tính là người. Người biết hổ thẹn thì mới có thể thực hành đạo đức tốt đẹp, không bị hấp dẫn bởi danh và lợi mà làm việc trái lương tâm.
Phạm Thuần Nhân và Tư Mã Quang đều là hai vị đại thần của triều đình nhà Tống. Nhưng về cách nhìn nhận việc chính sự thì họ lại thường có ý kiến trái ngược nhau, thường biện luận với nhau mãi không thôi.
Về sau này, Tư Mã Quang bởi vì kiên trì ý kiến mà bị Hoàng đế trị tội. Đồng thời bị trị tội cùng với ông còn có một số người khác có cùng quan điểm. Có một người tên là Hàn Duy nguyên ban đầu rất đồng tình với ý kiến của Tư Mã Quang nhưng về sau tỏ ra xa lánh nên đã thoát khỏi cơn giận của Hoàng đế.
Lần này Phạm Thuần Nhân về cơ bản lại có cùng quan điểm với Tư Mã Quang nên cũng bị trị tội. Có người thấy vậy liền khuyên Phạm Thuần Nhân học theo Hàn Duy, nên đến gặp Hoàng đế để giãi bày phản đối.
Phạm Thuần Nhân nghe xong liền nói:
“Ta và Tư Mã Quang chỉ là ở việc xử lý chính sự thì có bất đồng chứ không hề có tư thù, sao có thể lấy đó làm lý do để trốn tránh trách nhiệm được. Người khác làm như thế nào thì ta không quản, nhưng ta có nguyên tắc của bản thân. Làm việc trái với lương tâm là điều đáng hổ thẹn.”
Phạm Thuần Nhân từng nói với mọi người rằng cả đời ông, bài học mà ông tâm đắc nhất chính là hai từ “trung” và “thứ”, trung thành với triều đình, trung thành với lương tri, biết bao dung và tha thứ cho người khác. Ông khuyên bảo con cháu rằng:
“Con người ta dẫu ngu xuẩn cực điểm thì đối với thói hư tật xấu của người khác vẫn có thể kể ra rất rõ ràng, mà đối với bản thân thì lại mờ mịt. Người trí tuệ cần lấy tâm trách người để tự trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ cho người khác.”
Lấy tâm trách người để tự trách mình chính là biết hổ thẹn. Cả đời Phạm Thuần Nhân chính là sống làm sao để không hổ thẹn với lương tâm. Gia huấn của họ Phạm để lại cho con cháu đời sau cũng là như thế.
Thời Chiến Quốc, Tề Trang Công bị quan đại phu nước Tề là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho quan chép sử lúc đó là Thái Sử Bá viết vào sách sử rằng Tề Trang Công chết do bệnh. Thái Sử Bá không chịu, kiên quyết viết rằng “Thôi Trữ giết vua”.
Thôi Trữ nổi giận, giết chết Thái Sử Bá. Thái Sử Bá có ba người em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng viết vào sách sử câu chữ đúng như vậy, Thôi Trữ giết chết Trọng. Đến lượt Thúc vẫn viết đúng sự thật, cũng bị Thôi Trữ giết chết. Còn lại Quý cầm lấy thẻ tre viết, cũng lại y nguyên câu của ba người anh.
Thôi Trữ cầm thẻ tre lên hỏi Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không biết quý tiếc mạng sống của mình hay sao? Nếu như ngươi viết lại câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”
Quý ung dung đáp lại rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Nếu vì muốn sống mà làm chuyện sai trái, vậy thần thà chết còn hơn! Cho dù hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định cũng sẽ có người viết lại sự thật này.”
Thôi Trữ đành phải trả lại thẻ tre và không giết ông nữa.
Thời xưa, các vị quan chép sử đời này nối tiếp đời kia, không chỉ truyền cho nhau chức trách, nhiệm vụ, mà còn truyền cho nhau tinh thần khẳng khái, có thể vì “chính nghĩa” mà không tiếc hy sinh cả tính mạng bản thân. Đây chính là sự “biết hổ thẹn” cao quý nhất, cũng là tinh thần bất khuất, nghĩa khí chính trực của người xưa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời nghe radio: Có một loại đức hạnh trong hôn nhân gọi là “Nhẫn”
Từ khóa lương tâm Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay Nho giáo Mạnh Tử Khổng Tử thanh liêm