Một số bác bảo “Bỏ học vẫn thành công!”

Một số bác lại bảo “Phải học mạnh vào mới thành công!”

Để phản bác bác thứ nhất rất dễ.

Có thể dẫn ra vô vàn trường hợp bỏ học nhưng chẳng thành công, thậm chí người bỏ học đó còn trở thành tội phạm hoặc kẻ ăn bám cả đời.

Phản đối bác thứ hai cũng cực dễ. Ta cũng có thể dễ dàng dẫn ra vô vàn trường hợp học rõ lắm, lấy đầy bằng cấp mà cũng vô dụng như thường, thậm chí chẳng còn nuôi nổi thân!

Thế thì ai đúng, ai sai?

Trong thế giới này, đã là người chẳng có ai nắm chân lý tuyệt đối hoặc trọn vẹn chân lý. Cả hai bác trên đều có lý và có thể đúng trong nhiều trường hợp (và tất nhiên cũng sẽ sai trong nhiều trường hợp khác).

Vấn đề ở bạn sẽ là “dù bỏ học” (tức là không học ở trường) hay “tiếp tục đi học ở trường” bạn cũng phải hiểu một điều với con người sống độc lập trong cuộc đời này hoàn toàn không phải việc dễ dàng.

Bạn có thể bỏ không học ở trường vẫn có thể thành công nhưng nếu bạn không có nghị lực và tư duy để học ở tất cả những nơi khác ngoài trường học thì bạn sẽ… tạch sớm!

Những bạn đi học ở trường cũng thế. Trường học đem lại rất nhiều thứ cơ bản và lợi thế nhưng nếu học làng nhàng, vô thưởng, vô phạt, thụ động và vô trách nhiệm thì cũng chẳng học được gì, thậm chí trường học còn gây hại cho bản thân khi tạo ra thói kiêu căng hợm hĩnh dựa trên bằng cấp hoặc danh tiếng của ngôi trường đã học. Nó cũng có thể đổ khuôn tư duy và làm nghèo năng lực sinh tồn thực tế.

Tóm lại, cho dù là trường hợp nào thì cuộc đời rồi cũng cho cá nhân vỡ mặt cả. Ai có nghị lực, ý chí học hỏi và tư duy sắc bén, mềm dẻo thì sẽ vượt qua và tìm được đường đi. Không có miếng bánh nào ăn sẵn. Bánh có sẵn chỉ là bánh vẽ mà thôi.

Đừng ảo tưởng với cuộc đời các cháu ạ.

Khi mình đi học mà mình học dốt thì việc đầu tiên phải xem xét lại mình.

Khi bỏ học thì phải tự xác định cho mình tâm thế học gấp 10 lần khi còn học ở trường mới ổn.

Tất nhiên, thành công không có nghĩa là phải kiếm thật nhiều tiền. Tiêu chuẩn tối thiểu về vật chất là cá nhân phải sống được tự lập – độc lập không phiền lụy ai. Sau đó thì tùy. Người này có thể ham làm giàu. Người kia có thể say mê theo đuổi các giá trị khác. Xã hội cần tất cả những kiểu người đó như khu rừng có nhiều cây. Mỗi loại có giá trị riêng.

Nhiều bác cứ thích tô hồng nhưng trải nghiệm cá nhân cho tôi thấy rất nhiều thanh thiếu niên ôm cả “combo” này: học ở trường thì tốt, sống với bố mẹ thì hư, ra đời thì lười làm hay ăn, chơi với bạn thì lêu lổng…

Và quan trọng nhất là các bạn này không hề thấy bản thân mình có vấn đề gì cả. Mọi thứ đều ngon lành và “very good”, chỉ có người xung quanh không chịu hiểu mình mà thôi.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: