Bốn triết lý nhân sinh trong cuốn sách cổ Tăng Quảng Hiền Văn
- An Hòa
- •
“Tăng Quảng Hiền Văn” là một áng văn cổ tập hợp lại tất cả những thành ngữ tục ngữ, những câu nói trong dân gian xen lẫn với các lời dạy của bậc thánh hiền, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh và đạo lý cao thâm. Trong sách, có rất nhiều câu ngắn gọn chỉ với vài từ nhưng lại là học vấn mà mỗi người đều nên biết trong cuộc sống hàng ngày.
Người ở vào cảnh thất thế thì nên kín tiếng
“Tăng Quảng Hiền Văn” có câu: “Nhân cùng biệt thuyết thoại”, ý tứ chính là một người khi bị vây hãm ở khốn cảnh, lúc bần cùng hoặc khi thất thế thì đừng tùy tiện nói, hoặc nói quá nhiều. Trong sách cũng viết rằng: “Người nghèo khó ở nơi chợ náo nhiệt cũng chẳng có ai hỏi đến, nhưng kẻ giàu có ở chốn núi sâu cũng sẽ có bà con xa đến thăm”. Có thể thấy, người nghèo khó chẳng những không có người hỏi thăm mà ngay cả lời nói cũng có ít người tin tưởng.
Quẻ Khốn trong “Kinh Dịch” viết: “Hữu ngôn bất tín”, nghĩa là ở vào thời điểm cùng khốn thì có nói điều gì cũng khó được người tin. Một người ở vào nghịch cảnh, việc ăn mặc của bản thân mình đều không giải quyết được thì cho dù lời nói của người ấy có chứa đựng đạo lý lớn hay học vấn cao xa đi nữa cũng sẽ khó được mọi người tin tưởng. Cho nên lúc này người ấy nên sửa đức, ít nói là tốt hơn cả.
Nhà Dịch học đời Ngụy là Vương Bật có chú giải: “Ở vào thời khốn, không phải lúc nói mà được tin”. Học giả Khổng Dĩnh Đạt thời nhà Đường cũng có cách chú giải rằng: “Ở cảnh khốn mà muốn cầu điều thông thì phải tu đức, không thể dùng lời nói để thoát khỏi cảnh khốn được. Nếu chỉ thích dùng miệng nói để thoát khỏi khốn cảnh thì lại càng khốn cùng, cho nên nói ‘chuộng miệng nói thì cùng’ là như vậy”.
Vì thế, khi một người rơi vào cảnh cùng khốn, thất thế thì nên tận lực nói ít, phải lắng nghe nhiều hơn, cố gắng thông hiểu nhiều hơn, không nên bàn luận viển vông, nói những lời khoa trương khoác lác, nên nói một cách đĩnh đạc chậm rãi, như vậy mới có thể lưu lại cảm tình tốt cho người khác.
Người có địa vị thấp kém thì không nên khuyên nhiều
“Vị ti mạc khuyến nhân”, nghĩa là người có địa vị thấp kém, lời nói không có sức thuyết phục, không được coi trọng thì không nên nói nhiều lời khuyên nhủ người khác. Bởi vì lời người ấy nói ra sẽ ít có người tin tưởng, thậm chí còn chuốc họa vào thân. Khi ở địa vị thấp kém, nên tận lực cố gắng, hết thảy những việc mà chúng ta làm đều sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá. Sau khi đã có chút thành tựu, chúng ta sẽ có kinh nghiệm và sự tự tin. Khi ấy, lời nói sẽ có sức thuyết phục và người khác sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.
Thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, trước khi Tô Tần thành danh thì có cuộc sống rất bần cùng. Ông đi du thuyết đều thất bại nên bị người nhà coi thường. Tô Tần đã ở trong hoàn cảnh khốn cùng ấy mà nỗ lực cố gắng không ngừng. Kết quả ông làm cho sáu nước hợp tung và cùng chung sức chống nước Tần, là người cầm đầu minh ước, là Tể tướng sáu nước.
Sức yếu chớ gánh vác nặng
“Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Lực vi hưu phụ trọng”, ý tứ rằng nếu một người có khí lực yếu mỏng thì đừng phô trương thanh thế bằng cách cố mang vật nặng. Người như vậy, không chỉ không làm thành được việc mà còn dễ dàng bị tổn thương.
Trong cuộc sống, một số người năng lực thực sự không đủ nhưng lại dùng mọi cách để chiếm cứ được địa vị cao. Cái tâm danh lợi của họ là rất lớn. Nhưng địa vị cao luôn đi cùng với trách nhiệm lớn và năng lực gánh vác phải tương xứng. Kết quả, họ làm không được tốt và khiến bản thân lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Cho nên khi đảm nhận một công việc gì cũng phải suy xét xem bản thân có đủ năng lực để gánh vác hay không.
“Đạo Đức Kinh” viết: “Người tự biết mình là người minh”, người biết mình mới là người sáng suốt. Người biết điều chỉnh được tâm thái của bản thân, có thể an trí được dục vọng và mong muốn của mình, biết lượng sức để tiến lên hay lùi lại thì mới có thể từng bước đi trên đường đời của mình một cách thong dong tự tại.
Ít làm phiền đến người thân
“Tăng Quảng Hiền Văn” có câu: “Tao nan mạc tầm thân”, gặp việc khó chớ làm phiền nhiều đến người thân. Xưa nay người ta thường nghĩ rằng người thân thích trong gia đình hay bạn bè tốt giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn là đạo lý truyền thống. Nó xuất phát từ lòng nhân ái, sự bao dung đùm bọc giữa người và người.
Nhưng có sự khác nhau lớn giữa việc thấy người thân gặp nạn thì giúp, và việc bản thân gặp nạn lập tức nghĩ tới người thân. Bởi vì lẽ đời, một người đối với người ngoài và đối với người thân của mình thường có sự khác biệt rất lớn. Tâm lý luôn có sự ỷ lại, phóng túng hoặc buông lơi hơn. Vì thế gặp khó khăn mà cứ tìm tới người thân thì rất có thể sẽ hình thành thói quen “bắt nạt” người thân.
Trong cuộc sống, ai ai cũng sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn, hoạn nạn. Muốn tránh những khó khăn cùng quẫn trong cuộc sống thì bình thường chúng ta nên chăm chỉ và thận trọng làm việc, chớ làm những việc xấu đến mức không thể vãn hồi. Khi thực sự khó khăn, chúng ta trước tiên nên dựa vào chính mình, tự tìm cách giải quyết, càng ít làm phiền đến người khác càng tốt. Và chỉ bằng cách nghĩ nhiều hơn đến người khác và thực sự dựa vào chính mình thì chúng ta mới có thể được người khác tôn trọng,
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đối nhân xử thế của người xưa đạo lý nhân sinh