Cổ nhân giảng rằng con người sinh một niệm, trời đất đều biết tường tận, nếu không có quả báo thiện ác, càn khôn ắt có tư tâm. Thiện niệm và ác niệm, chỉ sai khác một chữ nhưng vận mệnh của con người ta lại theo đó mà khác biệt như trời với đất. 

Cảnh tùy tâm chuyển: Thiện niệm có thể biến hung thành cát
(Ảnh minh họa: Subin Pumsom, Shutterstock)

Trong lịch sử, mỗi một lần dị tượng xuất hiện đều là để cảnh báo con người thế gian suy xét lại đạo đức của mình. Trước đại nạn nếu như con người có thể xuất ra được thiện niệm ắt sẽ gặp hung hóa cát, giải trừ được tai ương.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép về lời Lại bộ hữu thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng lên Bình An vương Trịnh Tùng như thế này: “Trộm nghĩ, trời giáng tai dị hay ban điềm lành là do có đức hay không. Làm điều thiện thì hiện ra điềm lành, làm điều ác thì răn bằng tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không tổn hại gì. Cho nên người xưa lấy trời để tự xử mà kính cẩn đối với mệnh trời. Hán Văn Đế biết thuận lòng trời mà biến dị đều hết, Tống Cảnh Công nói một câu lành mà sao xấu lui đi.”

Lời tấu này có nhắc đến chuyện Tống Cảnh Công sửa đức kéo dài dương thọ, đây là một sự việc khá nổi tiếng được ghi chép rộng rãi thời xưa. “Tân tự tạp sự tứ” của Lưu Hướng có chép chuyện này như sau:

Vào thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công làm vua nước Tống, năm thứ 37 xuất hiện tinh tượng Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm, tức là hiện tượng sao Hỏa (chủ việc binh đao) xâm nhập vào phạm vi của Tâm túc tinh, là điềm cực xấu. Tống Cảnh Công kính sợ thiên thượng, trong lòng lo âu, gọi Tử Vi đến hỏi: “Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm là đại biểu cho điều gì?”

Tử Vi nói: “Huỳnh hoặc là đại biểu cho sự trách phạt của thiên thượng. Tai họa sẽ ứng vào thân của quân chủ nước Tống. Mặc dù vậy, có thể chuyển Huỳnh Hoặc vào thân của tể tướng.”

Tống Cảnh Công nói: “Tể tướng là nhân tài trị quốc, chuyển vào thân của ông ấy thì ông ấy sẽ chết. Không được. Quả nhân sẽ tự mình gánh chịu.”

Tử Vi nói: “Cũng có thể chuyển vào thân của bách tính.”

Tống Cảnh Công nói: “Bách tính chết đi thì ta làm quốc vương còn có ý nghĩa gì nữa? Ta nguyện một mình ta chết cũng được.”

Tử Vi nói: “Vậy có thể chuyển sang kết quả thu hoạch mùa màng của năm sau.”

Tống Cảnh Công nói: “Kết quả thu hoạch mùa màng năm sau không tốt thì dân chúng sẽ chết đói. Vì ham muốn của quân vương mà giết dân chúng của mình thì quá tùy tiện, ai còn xem ta là quân chủ nữa? Mệnh của quả nhân đã đi đến cùng rồi, khanh không cần nói nữa.”

Tử Vi quỳ xuống nói: “Vi thần to gan xin chúc mừng đại vương. Thiên thượng ở trên cao nhất định có thể nghe thấy lời của ngài. Đại Vương ba lần nói lời nhân từ, thiên thượng nhất định sẽ thưởng cho ngài ba lần. Đêm nay nhất định tinh tượng sẽ biến đổi ba lần, thọ mệnh của đại vương sẽ kéo dài thêm hai mươi mốt năm.”

Đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi nói. Mọi người cho rằng Tống Cảnh Công vì sinh thiện niệm, đức hạnh cảm động lòng trời. Nhờ vậy mà nước Tống đã tránh được đại nạn.

Tinh tượng đại biểu cho biến hóa của thiên tượng, đối ứng với phúc họa của con người. Tuy nhiên, phúc họa lại do sự lựa chọn của mỗi người. Trời đất dùng sự biến đổi thiên tượng để cảnh báo thế nhân, đứng trước tai nạn mà xem xét từng ý niệm của con người. Nếu con người lựa chọn điều thiện thì vận mệnh của người đó sẽ biến đổi tốt hơn.

Tống Cảnh Công làm vua 61 năm, cai trị dân chúng một cách nhân từ và độ lượng. Ông vô cùng kính trọng các bậc thánh hiền, tuân Lễ, trọng Đức, nhờ vậy trăm họ được an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình. Bách tính nhờ đó mà được an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình, mãi một thời gian dài đất nước cũng không phát sinh bất kể tai họa nào.

Cổ ngữ nói, tướng do tâm sinh, vận mệnh cũng tùy theo thiện ác mà biến hóa. Mỗi một sự tình đều có khả năng chuyển biến, điều cốt yếu là xem chúng ta suy nghĩ ra sao, đối đãi như thế nào. Thiện lương là bản tính tiên thiên của con người, đó mới chính là chân tính của chúng ta. Con người làm bất cứ việc gì thì đều là làm cho chính mình, thiện ác có báo là thiên lý. Hết thảy những việc chúng ta làm hôm nay đều là lựa chọn cho tương lai của mình. Thiện niệm là phù hợp với thiên lý, đại đạo, là trở về với bản tính của con người và cũng là lựa chọn sáng suốt nhất của con người.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: