Câu chuyện giáo dục: Đi học quên mang đồ cũng có chỗ tốt
- Lưu Như
- •
Nhà giáo dục trẻ em người Nhật quá cố, Yoshioka Tasuku, đã để lại rất nhiều câu chuyện sinh động thú vị giữa thầy và trò trong cuộc đời giáo dục mấy chục năm của mình. Những câu chuyện đó đã giải khai phiền não mà các bậc cha mẹ gặp phải khi dạy dỗ con cái.
Khi đọc những câu chuyện mà thầy giáo Yoshioka kể lại, thì mỗi một câu chuyện đều sẽ khiến người lớn cảm thấy giống với cảm thụ của bản thân họ. Đồng thời sự tinh nghịch và thuần chân của trẻ nhỏ được khắc họa hết sức chân thực tự nhiên, sinh động và thú vị, như thể đứa trẻ trong câu chuyện chính là con cái của họ vậy. Hóa ra, có những thứ quý báu như vậy ở trẻ thơ nhưng đều bị chúng ta xem nhẹ và bỏ qua. Hóa ra, những phiền phức và thắc mắc khó giải trong mắt người lớn chúng ta, lại không nhất định đều là chuyện xấu.
Câu chuyện dưới đây kể về các loại biểu hiện của trẻ sau khi đến lớp mà quên mang cái gì đó. Để giải quyết tình cảnh khó khăn, những đứa trẻ tự mình hành động đưa ra giải pháp. Đọc lên cũng cảm thấy thú vị và bất ngờ.
Quên mang đồ là chuyện thường
Theo lý mà nói, khi người lớn bận rộn, sợ nhất là con cái tại cùng một sự việc mà liên tục gây thêm phiền phức cho mình, rất dễ tức giận. Điều thường nhìn thấy nhất chính là chuyện đi học mỗi ngày, đặc biệt là trẻ em năm cuối cấp tiểu học dễ quên mang đồ học tập nhất, mặc dù hôm trước thầy cô đã dặn dò, cha mẹ hàng ngày cũng căn dặn, tuy nhiên vẫn không cách nào ngăn chặn được. Sự việc tương tự vẫn xuất hiện lặp đi lặp lại, thử thách tính nhẫn nại của người lớn.
“Thưa thầy, em quên rồi”, thầy giáo Yoshioka đã mở đầu như vậy ở trong câu chuyện này:
“Thưa thầy, em quên rồi”, đây là một câu nói mà các em sẽ đến báo với tôi mỗi khi quên mang vở bài tập, quên mang dụng cụ học tập, sách giáo khoa v.v., những thứ cần thiết cho học tập, hoặc giả quên việc mà thầy cô dặn dò.
Mỗi khi như vậy, cá tính khác nhau mà mỗi đứa trẻ có sẽ biểu hiện ra. Có em sẽ dùng giọng nói rất nhỏ để nói: “Em quên mang bài tập môn toán rồi”, nói xong, nhìn tôi chăm chú với ánh mắt vô cùng bất an và căng thẳng. Có em thì nói: “Em quên mang vở ghi chép của môn khoa học tự nhiên rồi”, nói xong thì lập tức nước mắt giàn giụa. Có em thì ngược lại hoàn toàn, tính tình cởi mở, thẳng thắn, có thể dùng giọng nói rất to mà nói: “Thưa thầy, em lại quên mang bài tập về nhà rồi, thật là không ra làm sao, em luôn quên, làm sao có thể như vậy chứ”, nói thế để bản thân đánh trống lảng. Còn có em quên mang thước eke nhưng chỉ nói một tiếng qua loa hời hợt, cũng không có chút dấu hiệu nào cho thấy em ấy sẽ xem xét lại bản thân. Đương nhiên, cũng sẽ có học sinh mà tuyệt đối sẽ không chủ động giải thích với tôi trước khi tôi phát hiện ra em ấy quên mang đồ học tập.
Bằng phong cách viết hết sức nhẹ nhàng, thầy Yoshioka miêu tả các em học sinh khác nhau mà ông từng gặp trong công tác giảng dạy và quản lý hàng ngày, không có chút nào biểu lộ giọng điệu oán trách và dạy bảo muốn các em phải sửa đổi như thế nào, trong lời văn ngập tràn tình yêu thương ấm áp và ánh mắt lặng lẽ ngắm nhìn những đứa trẻ. Ông cho rằng trẻ em mỗi đứa đều rất cá tính và vô cùng đáng yêu, mặc dù không nói câu nào, nhưng lại khiến người đọc thấy được sự thấu hiểu và quan tâm sâu sắc với những đứa trẻ.
Cậu bé Ken Kun quên mang màu vẽ
Tiếp theo, câu chuyện của thầy Yoshioka trực tiếp kể về một cậu bé tên là Ken Kun. Ken Kun quên mang đồ học tập, sau đó đến báo với thầy giáo: “Thưa thầy, em quên mang màu vẽ rồi ạ!”.
Thế nhưng thầy giáo lại phát hiện ra một hộp màu vẽ đặt ngay trên bàn của cậu bé. Khi thầy hỏi cậu, cậu nói với thầy giáo, “Đó là màu vẽ của Jirou Kun”. Jirou Kun là ai? Cậu bé Ken giải thích: “Là Jirou Kun ở lớp 2 khác, sáng hôm nay em đến trường khi lấy sách và vở ghi để lên bàn mới phát hiện đã quên mang màu vẽ, do vậy em nghĩ, chưa biết chừng hôm nay lớp khác có thể cũng có tiết học vẽ, em liền đi hỏi xung quanh, thấy quả thực có, một lớp 2 khác có tiết học vẽ, tiết học vẽ của Jirou Kun là tiết 2, của em là tiết 3, do đó, em hỏi bạn ấy cho em mượn màu vẽ, tiết học của bạn ấy vừa xong, em liền tranh thủ giờ giải lao đi mượn về”.
Thầy Yoshioka miêu tả giọng nói của cậu bé “thoải mái tự nhiên”. Có vẻ như giải quyết những tình huống khó khăn nho nhỏ này chẳng đáng kể gì, quả là một đứa trẻ thông minh đáng yêu.
Thầy Yoshioka nghe xong lời giải thích của cậu bé Ken đã viết ra một đoạn cảm xúc của mình. Thật bất ngờ, khi bản thân gặp phải phiền phức trẻ em có thể nghĩ mọi biện pháp, đôn đáo chạy xung quanh, phải kịp trước tiết học, tự mình động não, hoàn toàn dùng năng lực của bản thân để giải quyết vấn đề, thật khiến người ta cảm thấy vui vẻ yên tâm.
Quên cũng không phải điều xấu
Thầy Yoshioka vẫn nhắc nhở các em không được quên mang đồ, dĩ nhiên điều đó cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, cho dù có quên thì việc quên đó theo thầy cũng có giá trị tích cực của nó. Cho dù người lớn thấy tốt hay là xấu thì đều sẽ trở thành cuộc sống của bản thân đứa trẻ, đều sẽ có giá trị của nó. Thay vì rách trẻ, chi bằng hãy quan sát trẻ, xem sau khi quên thì chúng đối phó như thế nào, giải quyết như thế nào. Có lúc, để cho trẻ trải qua các loại bất tiện và phiền não, chúng sẽ học được rất nhiều thứ, thậm chí có thể phát hiện ra năng lực tiềm ẩn từ chính đứa trẻ khiến người ta kinh ngạc.
Có một số cha mẹ vì để con trẻ không bị thất bại, không muốn thêm phiền phức cho người khác, hoặc sợ con bị thầy giáo trách mắng, hoặc vì thế mà gặp bất tiện trong học tập, nên không dám để con phạm sai lầm, chuyện gì cũng bao biện ôm lấy mà làm, không cho phép xảy ra bất cứ phiền phức gì. Ngược lại điều đó khiến cho năng lực giải quyết vấn đề bẩm sinh của trẻ bị tổn hại và tiêu mất, dưỡng thành tính cách bị động cả đời làm theo những gì được yêu cầu. Cũng chính là nói, có lúc, tình cảnh khó khăn và bất tiện sẽ trở thành cơ hội rèn luyện cho trẻ học cách một mình vượt qua các loại trở ngại trong cuộc sống.
Từ trong câu chuyện chúng ta có thể phát hiện ra rằng, thầy Yoshioka sẽ đứng trên góc độ của trẻ em, quan sát các em, cho dù các em biểu hiện như thế nào, thì cũng mở rộng tấm lòng của mình bao dung các em. Điều này khiến cho mỗi đứa trẻ đều dám nói ra những lời trong lòng mình, gần như sẽ không cố tình che dấu, bởi vì chúng biết thầy giáo sẽ luôn lắng nghe những phiền muộn của chúng, chấp nhận những khuyết điểm và nỗ lực của chúng.
Người thầy có tấm lòng như vậy, tự nhiên sẽ phát hiện ra mặt tốt của học sinh. Tự nhiên sẽ mở ra được cánh cửa trong tâm hồn của học sinh. Không cần quát mắng nghiêm khắc, đã “chinh phục” được nhân tâm. Đó phải chăng cũng chính là lấy đức thuyết phục người khác?
Theo “Những câu chuyện thú vị giữa thầy và trò của nhà giáo dục người Nhật Bản“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Câu chuyện giáo dục