Piano Concerto số 3 của Beethoven: Những “đoạn nhạc vô hình”
- Cao Huy
- •
Bản Piano Concerto số 3 cung Đô thứ, Op. 37 được sáng tác bởi nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven vào năm 1800, và lần đầu được công diễn vào ngày 5 tháng 4 năm 1803. Chính Beethoven đã đảm nhiệm vai trò nghệ sĩ độc tấu piano trong buổi công diễn này.
Beethoven bắt đầu sáng tác bản Concerto số 3 dành cho piano của ông vào năm 1796. Nó vẫn luôn được Beethoven chỉnh sửa và chưa hoàn thiện kể cả vào ngày công diễn, trong một buổi hòa nhạc mà Beethoven đã đặt trước. Buổi hòa nhạc đầy tham vọng đó không chỉ có bản Piano Concerto số 3, mà còn 2 tác phẩm khác lần đầu tiên được ra mắt: Bản giao hưởng số 2 và Oratorio (thanh xướng kịch) “Christ on the Mount of Olives” (Tạm dịch: Chúa Jesus trên dãy núi Olives).
Hành trình đến với buổi công diễn của bản Concerto số 3 không hề suôn sẻ mà gặp rất nhiều sóng gió. Do những hạn chế về thời gian, Beethoven không thể hoàn thành việc viết phần độc tấu của tác phẩm đúng thời hạn cho đêm diễn đầu tiên. Không chỉ có vậy, dàn nhạc còn không có điều kiện diễn tập trước lấy 1 ngày. Ferdinand Ries, học trò của Beethoven kể lại: “Buổi tập dượt duy nhất cho đêm trình diễn được bắt đầu lúc 8 giờ sáng cùng ngày và nó thực sự là một khung cảnh hỗn loạn.”
Trong cùng buổi tối hôm đó, đoàn diễn giỏi nhất của Vienna đã được thuê để chơi cho buổi trình diễn “The Creation” (Tạm dịch: Sáng thế) của Joseph Haydn. Nên tất nhiên, dàn nhạc phục vụ cho Beethoven không được lý tưởng cho lắm. Ries nhớ lại: “Mọi chuyện thật đáng sợ. Hơn hai mươi người ở trong trạng thái kiệt sức và không hài lòng”. Hoàng tử Karl Lichnowsky, một khán giả trung thành của Beethoven, đã tham dự buổi diễn tập và phải giúp toàn bộ dàn nhạc phấn chấn bằng cách mời tất cả mọi người ăn bánh mì, thịt nguội và rượu vang.
Nhưng điều quan trọng là, đến Beethoven cũng chưa hề hoàn thiện bản Concerto của mình. Vì vậy chính ông, chứ không ai khác, phải đảm nhiệm vai trò nghệ sĩ độc tấu piano.
Khi Ignaz von Seyfried, một người bạn của Beethoven được nhờ lật trang bản nhạc trong đêm diễn, Seyfried đã không thể hình dung được nhiệm vụ của mình lại “khó khăn” đến như vậy. Ông kể lại:
“Tôi thấy hầu như toàn bộ đều là những trang giấy trắng. Một số trang có nhiều nhất là một vài ký tự tượng hình Ai Cập mà tôi hoàn toàn không hiểu, được viết xuống một cách nguệch ngoạc để làm manh mối cho anh ấy. Anh ấy đã chơi hầu hết bản nhạc bằng trí nhớ của mình, vì như thường lệ, anh ấy không có đủ thời gian để viết nó lên những trang giấy. Anh liếc nhìn tôi một cách bí mật mỗi khi kết thúc một đoạn nhạc vô hình và nỗi lo lắng sợ hãi âm thầm không để lỡ thời khắc quyết định của tôi làm anh ấy vô cùng thích thú. Anh ấy đã cười rất vui vẻ tại bữa tối sau buổi diễn.”
Bản Concerto Số 3 dành cho piano được khơi nguồn từ hai bản Concerto đầu tiên của Beethoven, vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách âm nhạc Mozart. Tuy nhiên Beethoven cuối cùng đã thực sự trở về với chính mình, mặc dù bản thân ông có thể không hoàn toàn đồng ý với điều đó. Có một câu chuyện kể rằng, trong khi lắng nghe bản Piano Concerto cung Đô thứ của Mozart, một tác phẩm mà Beethoven đánh giá rất cao, Beethoven đã nhận xét với nhà soạn nhạc người Anh J.B. Cramer: “Cramer à, chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm được điều gì tương tự”.
Trong cuốn tiểu sử về Beethoven, nhà âm nhạc học Lewis Lockwood viết: “Bản Piano Concerto số 3 của Beethoven đã chinh phục những vùng đất mới mà Mozart chưa từng đặt chân đến – trong cách mà nó kịch hóa những ý tưởng âm nhạc, trong sự kết hợp giữa cảm xúc mãnh liệt và trữ tình, và trong sự tương phản mạnh mẽ giữa các phân khúc của bản nhạc”.
Bản Piano Concerto số 3 của Beethoven vẫn gắn bó với phong cách cổ điển truyền thống. Chương đầu tiên, “Allegro con brio”, được viết theo thể sonata và mang âm hưởng đặc trưng của cung Đô thứ. Tác phẩm bắt đầu với phần giới thiệu khá dài và mang đậm chất giao hưởng, trình bày gần như toàn bộ chủ đề của bản nhạc. Tiếng đàn piano cất lên với ba đoạn nhạc bão tố có cung bậc tăng dần để dẫn dắt toàn bộ dàn nhạc giao hưởng cùng nhau nhắc lại chủ đề của tác phẩm một lần nữa. Xuyên suốt phần cao trào, ta có thể cảm nhận được tầm quan trọng của sự kết nối theo chủ đề và tương tác giữa piano và dàn nhạc. Vào cuối phần tái hiện, Beethoven để lại không gian cho người nghệ sĩ độc tấu thể hiện một đoạn cadenza. Sau một khoảng lặng ngắn, khúc coda nặng trĩu và chất chứa nỗi niềm đưa chương đầu tiên đến một cái kết đầy dấu ấn.
Chương hai là một khúc largo nhịp 3/8 trang nghiêm và rung cảm với nét xa xăm cũng như không thể đoán trước của cung Mi trưởng. Được viết dưới thể thức ba phần, các phần mở và kết của nó có giai điệu bi thương và sâu lắng được cất lên bởi tiếng đàn piano trên nền nhạc đệm kín đáo. Ở phần giữa, người nghệ sĩ piano đã tạo nên những nốt nhạc thanh nhã, duyên dáng vờn quanh và tô điểm cho âm hưởng chủ đề của bản nhạc.
Chương thứ ba đưa chúng ta trở lại với cung Đô thứ nhưng không quá lâu. Khúc Rondo-Allegro này có rất nhiều đường cong và bước ngoặt, đưa khán giả bước đi trên một hành trình sóng gió với rất nhiều âm điệu khác nhau cho đến khi Beethoven dừng lại ở cung Đô trưởng. Một đoạn cadenza ngắn dành cho piano ở cuối chương càng làm nổi bật sự biến chuyển trong điệu nhạc khi nó đùa giỡn dàn nhạc và khán giả trước khi chìm vào trong một khúc coda hào hứng.
Cao Huy
Xem thêm:
- Âm nhạc tốt có sức mạnh giáo hóa và chính lại đạo đức con người
- Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethoven?
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc Beethoven nhạc cổ điển giao hưởng