Nhà Mạc bắt đầu từ năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, sau 150 năm đến năm 1677 thì mới bị tiêu diệt tại Cao Bằng. Người đánh bại nhà Mạc là Đinh Văn Tả, tuy nhiên nhiều người không biết vị tướng này vốn có xuất thân là một phạm nhân.

Ải Chi Lăng - Quỷ Môn Quan: Địa danh nổi tiếng sử Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Họ Đinh làng Nam Trì

Theo dân gian truyền lại, Đinh Văn Tả có nguồn gốc từ họ Đinh ở làng Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Đây là một nơi đặc biệt về phong thủy. Tương truyền rằng khi cụ Tả Ao đến làng Nam Trì, ông đã ở đây 17 năm, nơi đây có 3 con sông bao bọc hình thành thế đất phong thủy tốt là “phượng hoàng Hàm thư”, “vĩ Qui Long đỗ”. Ngôi đền cổ của làng có 2 câu đối của cụ Tả Ao là:

Tây lộ khê lưu kim tại hậu
Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền

nghĩa là phía tây làng có đường và dòng nước chảy, phía tây hành kim ở phía sau làng, phía đông có sông nước thủy tụ ở phía trước.

Lúc này trong làng có 2 dòng họ lớn là họ Vũ và học Đinh. Họ Vũ có nhiều địa chủ, đồ Nho, chữ nghĩa, có thế lực, nhiều đời làm chức sắc trong làng; họ Đinh lép vế hơn.

Họ Đinh đã giúp đỡ và cung phụng cụ Tả Ao, cụ cũng giúp họ Đinh tìm đất đặt mộ. Họ Đinh cũng bỏ tiền ra dựng đền Nam Trì ở phía nam của làng. Từ đó họ Đinh ngày càng phất lên vượt qua họ Vũ. Rồi họ Đinh có Đinh Tú đỗ tiến sĩ thời Mạc Phúc Hải, đây là lần đầu tiên làng Nam Trì đã có người đỗ khoa bảng, tên tuổi được ghi ở Văn Miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên).

Thấy thế họ Vũ bất bình gây mâu thuẫn, rồi tìm cách đào ao nhằm phá phong thủy của họ Đinh.

Bấy giờ Đinh Tú làm Hiến sát xứ Hải Dương, Triều đình nhà Mạc cấp bổng lộc cho ông khu đất thuộc TP Hải Dương và huyện Kinh Môn ngày nay. Gia đình Đinh Tú cùng một số con cháu không muốn mâu thuẫn với họ Vũ nên chuyển từ làng Nam Trì đến khu đất mới định cư sinh sống, khi Đinh Tú mất thì con cháu tiếp tục làm quan cho nhà Mạc.

Sau này đến thời Lê Trung Hưng, Triều đình truy bức gia đình những người làm quan cho nhà Mạc, họ Đinh ở Kim Môn phải chạy về lại làng Nam Trì hoặc chạy tản đi các nơi khác lánh nạn. Hai mẹ con Đinh Văn Tả phải chạy đến làng Hàn Giang (hay Hàm Giang thuộc thành phố Hải Dương ngày nay) sinh sống.

Phạm nhân của Triều đình

Đinh Văn Tả có sức khỏe, khi bé chơi với lũ bạn và được bầu làm anh cả, đến khi lớn thì giỏi cưỡi ngựa và bắn cung, thường hay bị liên đới vào các vụ trộm cướp, nhưng mấy lần bị bắt thì Đinh Văn Tả đều trốn thoát được.

Sau đó Đinh Văn Tả bị bắt nhưng không ngồi tù mà bị quản thúc tại Kinh thành Thăng Long. Lúc đó các quan võ thường hay đến lầu Ngũ Long luyện bắn súng.

Đinh Văn Tả cùng lính cai ngục đứng xem nhưng chẳng thấy ai bắn trúng bia, liền buột miệng chê bai. Các tướng thấy thế thì tức giận mang súng cho thử xem bắn thế nào. Đinh Văn Tả bắn liền mấy phát đều trúng bia, ai cũng cho ông có tài. Sau lần đó đám võ tướng còn yêu cầu Đinh Văn Tả bắn vài lần nữa và lần nào cũng đều bắn trúng bia.

Vì nhiều người chứng kiến nên việc này lan ra rất nhanh rồi đến tai chúa Trịnh. Lúc này Chúa đang cần quân đế đánh chúa Nguyễn nên tha tội cho Đinh Văn Tả để sung quân.

Lập nhiều chiến công, được Chúa tin dùng

Đinh Văn Tả theo quân Trịnh đi đánh quân Nguyễn, lập nhiều chiến công nên được thăng chức trong quan trường.

Đến năm 1645, chúa Trịnh Tráng phong cho Trịnh Tạc làm Thế tử. Điều này khiến Trịnh Sầm và Trịnh Lịch vô cùng thất vọng, nhân lúc Chúa bị bệnh liền đem quân làm loạn.

Thế tử Trịnh Tạc đưa quân tiến đánh, Đinh Văn Tả được cử nằm trong đôi quân tiên phong. Tuy nhiên quân của Thế tử bị hãm trong trận, bị cắt làm đôi. Trịnh Tạc được các tướng hộ giá nên đánh thoát được ra ngoài, trong khi đó Đinh Văn Tả cùng quân còn lại bị vây nhưng vẫn tả xung hữu đột khiến quân phản loạn phải dạt ra.

Trịnh Tạc dù thoát ra ngoài nhưng thấy Đinh Văn Tả cùng quân mình vẫn còn sống và chiến đấu anh dũng thì liền cùng toàn quân quay lại đánh tiếp, nhờ đó mà thắng trận bắt được Trịnh Lịch. Trịnh Sầm kịp trốn thoát nhưng sau đó cũng bị bắt.

Sau chiến công lớn này, Đinh Văn Tả được Thế tử Trịnh Tạc ban thưởng và tin dùng. Năm 1657, Thế tử Trịnh Tạc lên ngôi ngôi Chúa. Năm 1659, Đinh Văn Tả được phong làm Đô đốc đồng tri.

Người chấm dứt 150 Triều đại nhà Mạc

Trong khi chúa Trịnh đưa quân chủ lực xuống phía nam chống quân chúa Nguyễn, Đinh Văn Tả cầm quân đối phó với quân nhà Mạc cùng quân thổ phỉ ở phía bắc thành công, giúp các Trấn phía bắc luôn yên ổn, đến năm 1674 thì được phong Thiếu bảo.

Đinh Văn Tả dù nhiều lần cầm quân đánh thắng nhà Mạc nhưng nhà Mạc vẫn không bị diệt do trước đó được nhà Minh hậu thuẫn, sau này nhà Thanh đánh bại nhà Minh thì cũng hậu thuẫn giúp đỡ nhà Mạc.

Có 3 người Hán giúp nhà Thanh đánh thắng quân Minh được phong Vương và cai quản 3 lãnh địa rộng lớn phía nam gọi là “Tam phiên”, trong đó Ngô Tam Quế được phong làm Bình Tây Vương cai quản vùng đất rộng lớn Vân Nam. Thế lực Ngô Tam Quế rất mạnh và hậu thuẫn cho nhà Mạc.

Năm 1673, vua Khang Hy có ý muốn dẹp bỏ Tam phiên, Ngô Tam Quế cầm đầu Tam Vương làm loạn chống lại nhành Thanh. Cả Triều đình nhà Thanh cùng Ngô Tam Quế đều có ý muốn Đại Việt giúp sức.

Triều đình nhà Lê – chúa Trịnh theo nhà Thanh, trong khi nhà Mạc thì giúp Ngô Tam Quế.

Đến năm 1677, trong “Tam Vương” thì 2 vị Vương đã quy thuận nhà Thanh, chỉ còn lại một mình Ngô Tam Quế cố chống giữ không còn mạnh như trước. Thấy thời cơ diệt Mạc đã đến, chúa Trịnh viết thư cho nhà Thanh kể tội Mạc Kính Vũ, rồi cho Đinh Văn Tả cầm quân tiến đánh nhà Mạc.

Tháng 8/1677, Đinh Văn Tả cầm quân tấn công. Quân Trịnh giành chiến thắng và kéo thẳng đến thành nhà Mạc, Đinh Văn Tả cho quân vây kín 4 mặt rồi tiến đánh.

Ngô Tam Quế đang thất thế không lo nổi cho mình nên không thể cứu nhà Mạc. Quân Mạc thua trận, Mạc Kính Vũ cùng các thủ hạ bỏ chạy.

Nhà Mạc bắt đầu từ năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sau 150 năm tồn tại, đến năm 1677 thì bị Đinh Văn Tả cầm quân tiêu diệt.

Lúc này Đinh Văn Tả đã cao tuổi nên chúa Trịnh đưa ông về Kinh thành. Vì ông lập rất nhiều công lao từ cuộc chiến với quân Nguyễn, tiêu diệt thổ phỉ các Trấn, đánh nhà Mạc giữ cho các Trấn phía bắc đều yên ổn, nên được phong làm Thượng tể và được ban cho 300 mẫu ruộng.

Năm 1685, Đinh Văn Tả mất ở Kinh thành, thọ 83 tuổi. Vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc đến viếng và tổ chức tang theo nghi lễ Vương giả, ban cho thụy hiệu là Vũ Dũng, các con của ông đều trở thành quan lớn của Triều đình.

Ông được chôn nhất ở quê nhà làng Hàn Giang, chúa Trịnh Tạc tặng ông đôi câu đối:

Tiết việt quyền long triều túc tướng
Phiên toàn trách trọng quốc nguyên huân

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: