Cảnh giới tư tưởng khác nhau sẽ có chí hướng khác nhau. Đối với người muốn làm nên chuyện thì phải có hoài bão lớn và ý chí mạnh mẽ. Một người vô luận là địa vị cao hay thấp, hoàn cảnh tốt hay xấu, nếu họ có chí hướng rộng lớn, hơn nữa còn có thể ở trong cực khổ mà kiên định tu dưỡng bản thân thì có thể ma luyện ra ý chí kiên cường cùng phẩm chất bất khuất. Bởi vậy, cho dù là ở phương diện nào trong cuộc sống thì trước tiên đều nên tạo dựng cho mình một chí hướng rộng lớn. Trên nền tảng đó mà chịu đựng gian khổ, cố gắng hết mình, với quyết tâm không lay chuyển, mới có thể vươn cao, đạt được những thành tựu mà người bình thường khó đạt được.

Chim yến chim sẻ làm sao biết chí hướng của chim hồng chim hộc
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Câu cổ ngữ: “Yến tước an tri hồng hộc chi chí” (chim yến chim sẻ làm sao biết chí hướng của chim hồng chim hộc), có xuất xứ từ cuốn “Sử ký. Trần Thiệp thế gia” của Tư Mã Thiên. Ý nói những loài chim bé nhỏ làm sao biết được chí hướng của loài chim lớn có thể bay lượn xa trên bầu trời cao rộng.

Vào thời Tần, ở Dương Thành có một người tên là Trần Thắng. Trần Thắng lúc trẻ tuổi từng cùng với người khác cày ruộng thuê, trồng trọt cho người giàu có ở địa phương. Một hôm, Trần Thắng trong lúc nghỉ ngơi đã đi đến gò đất cao bên bờ ruộng ngồi.

Trần Thắng có ước vọng lớn, mong có thể ngồi ở ngôi cao, hoặc giả nắm binh quyền mặc sắc vẫy vùng, vì thế anh ta đã nói với người bạn rằng: “Sau này nếu trong chúng ta ai mà trở nên giàu sang thì không được quên bạn cũ”.

Người bạn cười: “Đã là người làm thuê cày ruộng cho người ta thì làm gì mà được giàu sang?”

Trần Thắng thở dài và nói: “Ôi! Loài chim yến chim sẻ làm sao biết được chí hướng của chim hồng chim hộc?”

Trong cuộc sống đời thường cũng như vậy, luôn có người giống Trần Thắng và người bạn cày thuê. Những người bình thường thì không có cách nào lý giải được khát vọng của người có chí hướng rộng lớn. Thậm chí, một số người có tầm nhìn hạn hẹp còn thường xuyên cười nhạo khi đàm luận về người có mong ước cao xa.

Vào tháng 7 năm 209, Trần Thắng cùng Ngô Quảng khởi nghĩa ở làng Đại Trạch, phản Tần. Trần Thắng sau đó xưng vương, và mặc dù “vương triều” của ông tồn tại quá ngắn ngủi, nhưng ông cùng Ngô Quảng đã thổi bùng lên ngọn lửa quét qua triều đại nhà Tần, khiến cho Trung Nguyên một lần nữa chia cắt.

Chí hướng của chim nếu chỉ là cầu tìm bắt được sâu trên đồng cỏ hoặc là chỉ cần tìm được nơi trú mưa gió trong cái tổ dưới mái hiên thì làm sao có thể có được cảnh giới của những loài mà chí ở bốn phương, có thể tự do dạo chơi trên bầu trời, ngắm nhìn đại địa?

“Thiên ngoại hữu thiên”, cho dù cùng là loài chim nhưng chúng lại có cảnh giới tinh thần không giống nhau. Chim yến chim sẻ đương nhiên không thể so sánh với chim hồng chim hộc được, còn giống như chim bằng thì lại càng lớn lao hơn. Trang Tử từng nói: “Biển bắc có cá, tên của nó là Côn, thân của Côn không biết dài mấy nghìn dặm, hóa thành chim, tên gọi là Bằng, thân Bằng dài không biết mấy nghìn dặm, vùng dậy mà bay, cánh rộng như đám mây rủ ngang trời. Chim này, khi biển động sẽ bay đến biển nam. Biển nam là ao trời.”

Câu chuyện về chí lớn của chim Hồng chim Hộc do Trần Thắng nói ra đã được nhiều vị anh hùng hào kiệt trong lịch sử dùng để khích lệ, động viên bản thân.

Trong hành trình cuộc đời, dù kết quả của sự việc là rất quan trọng nhưng có những sự tình mà quá trình làm việc còn quan trọng hơn kết quả. Bởi vì nếu trong quá trình thực hiện sự việc mà có thể giữ vững được bản tâm thì sinh mệnh của con người sẽ trở nên phong phú hơn, tâm tính thăng hoa hơn, tốt đẹp hơn. Xưa nay người đạt được thành tựu lớn thường là người có chí hướng lớn, hơn nữa người có chí lớn thì luôn khiến người khác kính nể. Bởi vậy, khơi dậy trong lòng một con người một hoài bão cao cả, chí hướng rộng lớn là khởi đầu cho một cuộc đời đáng quý trọng. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: