Chí hướng không cao xa thì khó đạt thành tựu lớn
- An Hòa
- •
Chí hướng và cảnh giới nội tâm của mỗi người là khác nhau, chuẩn tắc làm việc của mỗi người cũng có sự khác biệt rất lớn. Một người bình thường thường hay quy kết nguyên nhân thành công của người khác là vì có hoàn cảnh tốt, nhân duyên tốt, vận khí tốt hay cơ hội tốt; còn cho rằng nguyên nhân thất bại của bản thân mình là do các yếu tố bên ngoài không thông thuận tạo nên. Kỳ thực thành công mặc dù có quan hệ với thiên thời địa lợi nhân hòa, nhưng bậc trí giả coi việc nghiêm khắc yêu cầu bản thân mình là nguyên nhân trọng yếu.
Mỗi một tư một niệm của con người đều vô cùng quan trọng. Sự khác biệt ở một niệm ấy sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Nếu một người chế định cho mình một mục tiêu rất thấp thì kết quả thực tế có thể sẽ càng kém hơn. Bởi vậy, người xưa cho rằng làm người nên là phải đặt chí hướng ở nơi xa, không thể sống nước chảy bèo trôi, gặp sao hay vậy. Đặc biệt là những người đàn ông, người quân tử thời xưa với trách nhiệm nặng nề trên vai lại càng phải như vậy.
“Kinh Dịch” viết: “Thủ pháp hồ thượng, đắc pháp hồ trung; thủ pháp hồ trung, đắc pháp hồ hạ; thủ pháp hồ hạ, vô sở đắc hĩ”, ý tứ là lấy mục tiêu cao làm chuẩn tắc thì cũng chỉ có thể đạt được hạng trung, nếu lấy hạng trung làm chuẩn tắc thì cũng chỉ có thể đạt được hạng thấp, nếu lấy hạng thấp làm chuẩn tắc thì sẽ không đạt được gì.
Trong cuốn “Đế Phạm”, Hoàng đế triều nhà Đường, Đường Thái Tông viết: “Thủ pháp vu thượng, cận đắc vi trung. Thủ pháp vu trung, cố vi kì hạ”, yêu cầu cao thì chỉ đạt được trung, yêu cầu trung thì chỉ đạt được thấp.
Nghiêm Vũ cuối triều Tống đầu triều Nguyên cũng bàn trong “Thương lãng thi thoại” rằng: “Học kì thượng, cận đắc kì trung; học kì trung, tư vi hạ hĩ“, ý là muốn đạt được kết quả tốt thì phải đặt mục tiêu cao.
Những lời này của cổ nhân đều có ý khuyên răn con người đặt tầm mắt cao hơn một mức. Bởi vậy, vô luận là trong làm người hay trong gây dựng sự nghiệp, trong nghiên cứu học tập, nhất định phải đặt chí hướng ở nơi cao xa. Khi đã đặt chí hướng ở nơi cao xa thì phải cố gắng không ngừng và không vì chút khó khăn mà dễ dàng buông tha. Người có thể làm được như vậy thì mới có thể đạt được cảnh giới cao, thậm chí lên đến cảnh giới cao nhất.
Vào thời Xuân Thu, tại nước Lỗ có một bậc thầy về nhạc lý tên là Sư Tương. Đức Khổng Tử từng bái ông làm thầy dạy đàn cho mình. Tài gảy đàn của Sư Tương vang danh khắp thiên hạ. Khi ông gảy đàn, chim chóc cũng bay lượn theo tiếng nhạc, cá dưới hồ cũng nhảy lên khỏi mặt nước để lắng nghe. Tài nghệ của Sư Tương vượt ra khỏi nước Lỗ, rất nhiều người đã không quản ngại xa xôi đến bái Sư Tương làm thầy, trong đó có Khổng Tử.
Khổng Tử học đàn rất chăm chỉ và đặt cho mình yêu cầu rất nghiêm khắc. Ban đầu ông học gảy một bản nhạc, hơn 10 ngày sau vẫn không ngừng luyện tập. Thầy Sư Tương thấy vậy liền nói với ông: “Cũng tạm được rồi, trò hãy học bản nhạc khác đi”.
Khổng Tử trả lời: “Nhưng con chỉ vừa mới học được nhạc điệu của bản nhạc, chưa nắm bắt được những kỹ xảo của nó!”.
Sau một vài ngày, Sư Tương thấy Khổng Tử đã thành thạo các kỹ xảo của bản nhạc, liền nói: “Trò đã nắm được các kỹ xảo, giờ đã có thể học bản nhạc khác rồi”.
Khổng Tử cảm thấy vẫn chưa hài lòng, nên trả lời: “Nhưng con thấy mình vẫn chưa lĩnh hội được cảm xúc trong bản nhạc này”.
Sau một thời gian, thầy Sư Tương lại nói với Khổng Tử: “Trò đã thể hiện ra được tình cảm và tư tưởng trong bản nhạc đó rồi, chúng ta học từ khúc mới đi!”.
Khổng Tử lại nói: “Con vẫn chưa lĩnh hội được người sáng tác bản nhạc này là người như thế nào!” Cứ như thế, lại qua một thời gian nữa.
Một ngày nọ, Khổng Tử vô cùng hạnh phúc đến thưa với thầy: “Con đã hình dung được tác giả bản nhạc này là người như thế nào rồi. Đó là người có khuôn mặt trang nghiêm, thân hình cao lớn, ánh mắt sáng ngời và thâm trầm sâu sắc, trong lòng luôn nghĩ: Lấy đức phục người, cảm hóa tứ phương. Con nghĩ, ngoài Chu Văn Vương thì còn có thể là ai được nữa?”.
Sư Tương vui mừng nói với ông: “Không sai chút nào, bản nhạc đó chính là của Chu Văn Vương”.
Khổng Tử là bậc tài hoa uyên bác, không chỉ là học đàn mà trong bất cứ việc gì ông cũng đều tìm hiểu rõ tường tận, đặt yêu cầu cao cho bản thân mình. Làm chuyện gì, ông cũng chuyên tâm, không nôn nóng mà bình tĩnh lĩnh hội từng chút, từng chút một.
Chúng ta cũng nên học điều đó, đối với mỗi một công việc, đã bắt tay vào làm thì phải làm có đầu có cuối, dụng tâm làm cho tốt nhất. Bất luận là làm nghề nghiệp gì cũng phải có suy nghĩ làm cho tốt nhất. Trong quan niệm của người xưa, làm hết công việc mà mình được giao chỉ là tiêu chuẩn của một người bình thường. Những người xuất sắc thì coi đó chỉ là tiêu chuẩn thấp nhất, họ đặt chí hướng cao xa, không chỉ là hoàn thành công việc, mà còn tận hết trách nhiệm, không chỉ là làm việc, mà còn là làm người, không chỉ lo sự vật, mà còn lo đến hoàn cảnh, con người xung quanh.
Từ cổ chí kim, bậc thánh nhân hiền triết đều yêu cầu bản thân làm tốt và tốt hơn nữa. Họ luôn nghiêm khắc và kiềm chế bản thân, khoan dung đối đãi với người ngoài mà nghiêm khắc yêu cầu chính mình. Chính vì làm được như vậy nên tâm tính của họ được nâng cao và đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử làm việc Kinh dịch đạo làm người chí hướng