Chọn bạn mà chơi và sự trung thành trong tình bạn
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Nhà mình đông con, như những nhà đông con khác, ngày xưa, đa phần nghèo, ba mẹ phải vất vả kiếm cơm, nên trong gia đình thường “quyền huynh thế phụ” đứa lớn thay cha mẹ dạy đứa nhỏ. Anh Tư, anh Năm là hai người anh chăm sóc, dạy dỗ mình và gần gũi, chơi cùng mình nhiều nhất. Có những điều chỉ có anh dạy, ba mẹ không dạy. Hay nói đúng hơn là, anh cụ thể hóa những điều ba mẹ dạy. Đại để, ba mẹ dạy về triết lý, tư tưởng, nhân sinh quan thì các anh dạy mình những bài học nhìn người, chọn bạn thông qua nhìn hành vi biết bản chất.
Thằng Xí xóm bên hay qua xóm mình chơi. Nó nhỏ thó, lúc nào cũng bận cái áo dơ ình màu lòng lợn loang lổ, mũi dãi lò thò, lâu lâu nó lấy mu bàn tay quẹt ngang một cái. Cứt mũi bị nó trây từ má bên này qua má bên kia xong chùi vô quần áo. Nghe anh Tư nói, nó lớn tuổi hơn mình và bắt mình kêu nó bằng anh. Mình hổng chịu, vì thấy nó nhỏ con hơn. Hỏi nó nhiêu tuổi, nó chỉ nhe mấy cái răng sún ra cười rồi lảng đi. Nó toàn ăn nói trống không. Mình hổng thích nó lắm vì khi chơi cùng, nó thường làm bẩn áo quần mình, về nhà lần nào thấy đồ bẩn mẹ cũng mắng. Mình cứ tránh ra khi nó sáp lại gần.
Có lần chơi bắn bi, mình không cho nó chơi cùng. Anh Tư hỏi sao? Mình không biết trả lời sao. Cứ lắc đầu thôi. Anh Tư hỏi.
“Thế Xí có đánh em hông?”
“Dạ hông.”
“Thế Xí có bứt tóc em hông?”
“Dạ hông.”
“Thế khi Xí chơi thắng, em bị thua, Xí có gồng hết sức bắn bi vô mắt cá em thiệt mạnh, đau điếng, như thằng Tèo hông?”
“Dạ hông.”
“Sao em hổng chơi với Xí?”
Mình ngó qua, thấy nó nắm bàn tay bên kia của anh Tư, lắc lắc, nhe răng cười. Mình xấu hổ.
“Xí làm dơ áo em không à.”
Anh Tư cười cười, giả vờ nghiêm giọng la thằng Xí.
“Xí hổng có làm dơ áo em Voi nữa nghen hông?”
Nó lại nhe mấy cái răng sún ra cười, gật lia lịa. Nó hầu như chẳng nói gì, ngoài cười. Anh Tư lại nói.
“Kệ đi, áo dơ thì anh giặt cho, mẹ không biết đâu!”
Mình chơi với thằng Xí cho tới lúc nhà mình chuyển đi nơi khác. Nó chưa bao giờ ăn hiếp mình lần nào.
Thằng Xí bẩn thỉu lắm, ai cũng biết, tại nhà nó nghèo quá, nghèo hơn cả nhà mình. Cái thời bao cấp đó, nhà nó đói mờ mắt, nhưng chưa bao giờ nó xin của mình cái kẹo cái bánh, chỉ ngó một cái rồi cụp mắt xuống đất tránh đi. Mình hay cắn chia nó một mẩu. Nó bỏ ngay vào miệng, loáng cái đã hết. Mình lại cắn chia nó miếng nữa. Nó sung sướng lắm. Lại cười. Không biết cảm ơn gì, dù mình dạy nó bao lần. Nó thích chơi trò dạy học. Mình đóng vai cô giáo, viết lên bảng chữ O, A, B, C, cầm cái que con con nhịp nhịp, chỉ từng chữ, đọc to, cho nó đọc theo. Nó hay được anh Tư dạy mần tính. Nó tính nhanh lắm, nhanh hơn mình, mà viết thì xấu tệ.
Thằng Tèo, cái thằng anh Tư nhắc ở trên, là đứa hay chơi cùng đám con Thu, thường xuyên ăn hiếp mình từ trong xóm đến trường. Chơi gì chung chúng cũng có cách xúm vô ăn hiếp và hành hạ mình. Thằng Xí mấy lần đánh nhau với thằng Tèo. Mình khờ quá, chỉ biết khóc.
Thằng Tèo bự con, chỉ nhỏ tuổi hơn con Thu, lớn hơn bọn mình tầm bốn, năm tuổi. Nó với con Thu ở lại lớp, năm lớp năm, tới hai năm. Nhà thằng Tèo, nhà con Thu đều có mẹ là mậu dịch viên. Chỉ là người phân phối hàng hóa cho người dân, nhưng ở cái thời bao cấp, khi mà người dân phải xếp hàng dùng tem phiếu để mua từ gạo đến mắm, củi, lửa… thì mậu dịch viên là một vị trí có quyền lực. Không biết trong nhà thằng Tèo với con Thu thế nào, nó lúc nào cũng mặc đồ sạch và mới. Kẹo, bánh nhiều lắm. Nhưng chúng vẫn thích cướp lấy của những đứa trẻ khác trong xóm. Mình là nạn nhân của chúng mấy năm liền. Mình và thằng Xí thường trốn để tránh gặp chúng.
Xóm nhỏ, tránh cách gì cũng gặp. Trường một cổng, trốn cách gì cũng bị chúng chặn cướp tiền xu, viết chì, phấn. Bởi chúng nhanh mồm nhanh miệng nói dối và luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt người lớn nên cho dù mình có bị oan thì người lớn cũng lờ lờ đi. Thế là từ đó về sau mình chỉ chịu đựng, không mách ai nữa khi bị chúng ăn hiếp. Từ sau đận bị mình đánh lại, chúng mới hết dám giở trò.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, anh Tư đã dạy cho mình bài học chọn bạn:
1. Không nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá bạn.
2. Nhìn hành vi để nhận biết bản chất.
Bọn trẻ con bây giờ đủ đầy hơn xưa nhiều rồi. Mỗi nhà có ít con nên cha mẹ thường cố trang bị cho con, đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của chúng, nhiều khi rất vô lối, mà không hướng dẫn cặn kẽ về các giá trị trong cuộc sống. Chúng có biết chọn bạn mà chơi? Chúng có biết nhìn hành vi để đánh giá bản chất hay chúng thường nhìn vào áo hiệu bạn mặc, điện thoại xịn bạn dùng? Nghe lời bạn nói, chúng có biết đánh giá đúng sai để nghe theo hoặc khuyên can hay ít nhất là không làm theo? Điều này cực kỳ quan trọng.
Một con người sinh ra và lớn lên không thể sống tách biệt với cộng đồng. Con người, từ nhỏ, đã phải kết nối với người khác, đã phải có bạn, thì mới hòa nhập được với cuộc sống xung quanh. Ngày càng lớn, mối quan hệ bạn bè càng rộng, càng đa dạng hơn. Nếu con người không biết cách nhìn hành vi để đoán và đánh giá sơ bộ về bản chất thì sẽ rất dễ bị người xấu lợi dụng, hà hiếp, hoặc chí ít cũng bị dẫn dắt, định hướng bởi không phân định được đúng, sai, hay dở. Ngờ nghệch và dần trở nên thụ động, chỉ chờ để được chỉ bảo, không thể có tư duy độc lập nhưng rất thích thể hiện, hung hăng, theo cách rất bầy đàn.
Anh Năm ít nói hơn anh Tư. Ổng thường nói thẳng chứ không đặt câu hỏi để mình tự trả lời như anh Tư. Có lần, con bé hàng xóm qua nhà mình chơi, khi về, nó ăn cắp cuốn sách. Mình từ sau đi lên, thấy nó giấu vào trong áo và ù té chạy. Mình chạy xuống bếp kêu anh Năm chạy theo. Anh Năm vẫn ngồi im, chụm thêm củi vô nồi cơm, thủng thẳng.
“Người tốt mới ăn cắp sách!”
Chắc nịch. Một câu. Chấm hết. Mặc kệ mình lèo nhèo hài tội nó ra ăn cắp cái gì cũng không tốt. Chừng bực mình vì mình lèm bèm. Anh chốt.
“Nó hỏi, nếu em cho mượn, thì nó sẽ không phải ăn cắp. Nó ăn cắp xấu xí là tại em ích kỷ. Nó xấu thì em cũng xấu. Mà em xấu trước!”
Mình xấu hổ đỏ mặt, dụi mặt vô lưng ổng trốn. Mình kể anh Tư nghe. Ổng cười.
“Em nói nó, ‘Lần sau bạn mượn thì tui đưa cho bạn mượn, bạn đọc đừng làm rách nghen, bạn đừng ăn cắp không đẹp.’ Vậy thì bạn sẽ không ăn cắp sách nữa.”
Mình thắc mắc.
“Bạn giận em rồi sao?”
“Không sao. Chơi với bạn thì phải nhắc bạn khi thấy bạn làm hay nói gì sai. Hôm nay bạn có giận thì mai bạn sẽ hiểu.”
“Thôi. Anh Tư nói đi!”
Mình rụt rè. Anh Tư bẹo má mình.
“Nó là bạn của em chứ bộ. Em là bạn của nó thì em phải có trách nhiệm nhắc nó. Vậy mới là bạn tốt, bạn trung thành.”
Anh Năm với anh Tư dạy mình bài học:
1. Một hành vi xấu không nói lên bản chất con người. Cái gì cũng có nguyên nhân. Nên suy xét kỹ để hiểu một cách thấu đáo mọi phần trong đó. Không vì một điều bạn làm xấu mà phủ nhận toàn bộ những điều tốt, điều hay của bạn rồi đánh giá tất cả con người bạn là xấu. Như vậy là không công bằng và không thấu tình đạt lý, không nắm rõ bản chất.
2. Phải biết nói lời trung thực và nhắc nhở bạn khi bạn làm sai. Không được nói theo chỉ để làm hài lòng bạn, như vậy là hại bạn và hại chính mình.
3. Bạn thì phải trung thành. Mà trung thành là gì? Là ở bên bạn khi bạn khó khăn, sai lầm, va vấp, nhắc nhở khi bạn sai, học hỏi khi bạn giỏi, vui mừng khi bạn thành công.
Làm cha mẹ, ngồi nói với con những điều này e là trẻ con khó hiểu. Các bạn hãy làm như anh Tư, anh Năm nhà mình, thông qua những câu chuyện thực tế của con với bạn bè mà đưa ra lời hướng dẫn phù hợp, trẻ sẽ nhận ra rất nhanh. Để làm đươc điều này, các bạn cần hỏi han con nhiều hơn về bạn bè của con, về cách chúng chơi với nhau và dần dần hướng dẫn, điều chỉnh.
Rất nhiều lần, trên rất nhiều trang của bạn bè, tôi thấy họ có những nhận định còn chưa ổn, bạn bè họ (cả ảo cả thật) thường vào nói theo chủ đề, hầu như không ai nhắc, dù cái sai tè lè ra. Họ không nhận biết được đúng sai hoặc giả sợ mích lòng. Tôi thường vào nhắc vài câu, bởi tôi luôn nhớ bài học anh Tư, anh Năm dạy hồi năm, sáu tuổi: Khi đã chọn bạn làm bạn, phải trung thành.
Xã hội ít có người dám nhắc nhở nhau khi người ta làm, nói điều sai, điều chưa hay chưa phải, thì xã hội đó là một xã hội chết lâm sàng vì nó không có cơ hội để tiến bộ, thay đổi mà sẽ dần đi về phía man di.
Nguyễn Thị Bích Ngà
29/2/2020
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
Mời xem video:
Từ khóa chọn bạn Nguyễn Thị Bích Ngà nền tảng giáo dục gia đình