Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập tôn giáo phương Tây như thế nào?
- Nguyễn Vĩnh
- •
Chủ nghĩa cộng sản có một bộ hệ thống các phương thức thâm nhập tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu như ở trong nước, nó trực tiếp nhắm vào văn hóa truyền thống và tín ngưỡng để tiến hành phá hoại, thì phương pháp thẩm thấu vào tôn giáo tại phương Tây lại tinh vi và giảo hoạt hơn. Kể từ khi xuất hiện, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mượn danh nghĩa giao lưu tôn giáo mà dùng tiền và đặc vụ để thâm nhập vào tổ chức tôn giáo của nhiều quốc gia, làm biến dị tín ngưỡng chính giáo, hoặc trực tiếp đả kích, lật đổ chính giáo truyền thống, thậm chí còn đưa tư tưởng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vào tôn giáo, làm hại những ai tiếp tục tín phụng và tu luyện trong những tôn giáo này.
Thâm nhập tôn giáo
Manning Johnson, một đảng viên cấp cao của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ từng trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1953:
“Một khi Điện Kremlin xác lập chiến thuật thâm nhập các tổ chức tôn giáo thì cơ chế triển khai ‘tuyến mới’ thực tế chỉ còn là vấn đề đi theo kinh nghiệm tổng thể của cuộc vận động giáo hội sống ở Nga, nơi các nhà cộng sản phát hiện ra rằng nếu muốn tiêu diệt tôn giáo, con đường ngắn nhất là cài đặc vụ cộng sản vào giáo hội mà hoạt động ngay trong giáo hội… Nói chung, mục đích là chuyển hướng tư duy của giáo sỹ từ tập trung vào tinh thần sang tập trung vào vật chất và chính trị. Đương nhiên, chính trị ở đây có nghĩa là chính trị dựa trên học thuyết chinh phục quyền lực của chủ nghĩa cộng sản. Thay vì chú trọng vào tinh thần và tâm linh, việc chuyển trọng tâm là để giải quyết những vấn đề chính yếu tạo ra ‘nhu cầu tức thời’ của chủ nghĩa cộng sản. Tất nhiên, bản chất của những nhu cầu xã hội này là, khi chiến đấu để đạt được những nhu cầu đó thì sẽ làm cho xã hội hiện tại yếu đi và chuẩn bị nền tảng cho lực lượng cộng sản thực hiện bước chinh phục cuối cùng.”
Thực tế từ lâu, nhiều người có tư tưởng cộng sản và theo chủ nghĩa Marx đã cải trang để thâm nhập vào giáo hội Kitô giáo ở Hoa Kỳ. Họ bắt đầu thâm nhập vào các trường dòng từ những năm 1980, 1990 và đào tạo ra các thế hệ giám mục, linh mục lệch lạc, rồi chính những người này lại tác động đến tôn giáo ở Hoa Kỳ một cách không tự biết.
Nhà sử học người Bulgaria, Momchil Metodiev, sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử của Đảng Cộng sản Bulgaria trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã phơi bày sự thực về mối hợp tác và sức ảnh hưởng mật thiết giữa hệ thống tình báo của Đảng Cộng sản Đông Âu và các ủy ban tôn giáo của Đảng Cộng sản, nhằm tác động và thâm nhập vào các tổ chức tôn giáo quốc tế. [1]
Trên phạm vi thế giới, tổ chức tôn giáo bị cộng sản Đông Âu và Liên Xô thâm nhập trên diện rộng là Hội đồng các Giáo hội Thế giới (World Council of Churches, gọi tắt là WCC). Đây là tổ chức liên kết các giáo hội Kitô giáo trên thế giới, thành lập vào năm 1948. Hội viên của nó gồm các giáo hội thuộc các hệ phái Kitô giáo dòng chính, đại diện cho khoảng 590 triệu tín đồ tại hơn 150 quốc gia. Do vậy, WCC là một lực lượng có sức ảnh hưởng lớn trong giới tôn giáo thế giới.
Tuy nhiên, WCC lại là tổ chức tôn giáo quốc tế đầu tiên tiếp nhận các quốc gia cộng sản (bao gồm Liên Xô và các quốc gia phụ thuộc khác) làm thành viên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, còn nhận hỗ trợ tài chính của các nước cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản đã đạt được những “thành quả” quan trọng khi thâm nhập vào WCC như đưa Nikodim (tên khai sinh là Boris Georgievich Rotov), giám mục Chính Thống giáo của thành phố Leningrad lên vị trí chủ tịch WCC vào năm 1975; và đưa Todor Sabev, một gián điệp cộng sản Bulgaria, vào đảm nhiệm chức phó tổng thư ký của WCC trong thời gian dài, từ năm 1979 đến 1993.
Sử học gia Metodiev đã chỉ ra rằng vào những năm 1970, Nikodim đã lãnh đạo phong trào thâm nhập dưới chỉ thị của KGB, với sự hỗ trợ của các giám mục và đặc vụ ở Bulgaria. [2]
Nhà sử học Christopher Andrew, cũng là giáo sư của Trường Đại học Cambridge, căn cứ vào hồ sơ giải mật của KGB từ năm 1969, đã chỉ ra rằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các đại biểu quan trọng của Giáo hội Chính Thống giáo của Nga trong WCC đã bí mật làm việc cho KGB, gia tăng ảnh hưởng ngầm đối với các chính sách và hoạt động của WCC. Theo một hồ sơ giải mật của KGB từ năm 1989, những đại biểu Giáo hội Chính Thống giáo của Nga bị KGB thao túng đã thành công trong việc đưa kế hoạch của họ vào công tác truyền thông công chúng của WCC. [3]
Nếu như chúng ta hiểu rõ hơn quá trình chủ nghĩa cộng sản Đông Âu thâm nhập và thao túng các giáo hội thì cũng sẽ không khó lý giải vì sao WCC không quan tâm đến kiến nghị của các thành viên, cứ một mực kiên trì chi ngân sách cho Mặt trận Yêu nước Zimbabwe vào tháng 1/1980, mà đây lại chính là tổ chức du kích cộng sản khét tiếng đã sát hại các nhà truyền giáo và bắn rơi máy bay hàng không dân dụng.
Ngoài ra, WCC cũng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập thông qua Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc, một công cụ của ĐCSTQ để khống chế tôn giáo. Hội đồng này là đại diện chính thức duy nhất của Trung Cộng trong WCC. Dưới sự mê hoặc của kim tiền và những tác động khác, WCC nhiều năm qua đã phục tùng ĐCSTQ vì lợi ích của nó.
Tổng thư ký của WCC còn chính thức viếng thăm Trung Quốc và gặp gỡ một số tổ chức Kitô giáo do ĐCSTQ kiểm soát, bao gồm Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc, Ủy ban Phong trào Ái quốc Tam Tự của Giáo hội Tin lành ở Trung Quốc, và Cục Quản lý Tôn giáo Quốc gia. Tại Trung Quốc, số đoàn thể Kitô giáo không chính thức (giáo hội ngầm) vượt xa số đoàn thể chính thức, nhưng đoàn đại biểu WCC vì không muốn làm ĐCSTQ không vui nên không sắp xếp cuộc gặp với đoàn thể Kitô giáo không chính thức nào.
Qua ví dụ này, có thể thấy cách chủ nghĩa cộng sản xâm nhập vào tôn giáo phương Tây. Người cộng sản vốn vô Thần, nên khi họ cho phép tồn tại các cơ quan tôn giáo thì cũng đồng thời thao túng chúng để phục vụ cho lợi ích của bản thân. Tuy nhiên đây mới chỉ là sự tấn công trực tiếp. Chủ nghĩa cộng sản còn dùng vô số cách thiên biến vạn hóa để công kích và phong bế tôn giáo.
Phong bế tôn giáo
Tư tưởng, hành vi phỉ báng Thần của chủ nghĩa cộng sản còn công kích tôn giáo bằng những khái niệm như “tách biệt nhà thờ với nhà nước”, “phải đạo chính trị”… Các lý luận này được dùng để cách ly và phá hoại các tôn giáo chính thống, mà nổi bật nhất chính là tại Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ lập quốc trên nền tảng tín Chúa. Khi tổng thống mới đắc cử tuyên thệ nhậm chức, đều sẽ đặt tay lên cuốn “Kinh Thánh” và cầu Chúa ban phước cho Hoa Kỳ. Ngày nay, khi người có tín ngưỡng phê bình hành vi, tư tưởng, cử chỉ, và những chính sách đã rời xa Chúa, hay khi họ lên tiếng phản đối những hành vi không được Chúa cho phép như phá thai, đồng tính luyến ái, thì những người cộng sản ở Hoa Kỳ, hoặc những nhân sỹ cấp tiến cánh tả sẽ phong bế và công kích họ bằng khẩu hiệu “tách biệt nhà thờ với nhà nước”, ý nói “tôn giáo không được can dự chính trị”, từ đó mà giới hạn ý chỉ, giáo huấn và ước thúc của Chúa đối với con người.
Mấy nghìn năm qua, Thần luôn giữ liên hệ với những người thế gian tín Thần. Rất nhiều người tin vào những tín ngưỡng chân chính đã khởi được tác dụng chính diện khá lớn đối với việc duy trì đạo đức xã hội. Thế nhưng, xã hội Hoa Kỳ hiện nay chỉ có thể đàm luận về ý chỉ của Thần khi ở trong giáo đường, bên ngoài giáo đường thì liền không thể phê bình, ngăn chặn những hành vi phá hoại chuẩn tắc mà Thần đã đặt định cho con người. Tôn giáo vì thế mà hầu như đã mất đi chức năng duy hộ đạo đức, khiến đạo đức của xã hội Hoa Kỳ tuột dốc nhanh chóng.
Những năm gần đây, “phải đạo chính trị” được đẩy lên tầm cao mới, tới mức khiến người dân Hoa Kỳ, sống trong quốc gia vốn được xây dựng trên nền tảng Kitô giáo này lại không dám nói “Merry Christmas” (chúc Giáng Sinh vui vẻ), bởi vì có người sẽ nói như thế là không “phải đạo chính trị”, sẽ xúc phạm người của các tôn giáo khác. Khi người ta công khai đàm luận tín ngưỡng đối với Thần hoặc cầu nguyện với Chúa, v.v. thì liền bị chặn đứng, bởi vì như thế là “kỳ thị người của tôn giáo khác”. Thực ra, tất cả tôn giáo tín ngưỡng đều có thể dùng phương thức của mình để biểu đạt sự kính ngưỡng đối với Thần, và không tồn tại vấn đề ai kỳ thị ai.
Trong trường học, chương trình học liên quan đến những tín ngưỡng chân chính và giá trị truyền thống đều không được dạy, không được nói về Đấng Sáng thế, không được nói về Chúa, lý do là vì cần tách tôn giáo khỏi trường học, là vì khoa học chưa chứng thực được. Vậy mà vô thần luận, thuyết tiến hóa cũng không thể được khoa học chứng thực lại có thể được đường hoàng truyền thụ trong trường học. Phản Thần, bài xích Thần, phỉ báng Thần, bôi nhọ Thần đều không có vấn đề gì, còn phải được bảo hộ, được gọi một cách mỹ miều là “bảo vệ tự do ngôn luận”.
Sự thâm nhập của chủ nghĩa cộng sản vào xã hội và sự phong bế, thao túng của nó đối với tôn giáo, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, pháp luật, v.v. tại xã hội Hoa Kỳ là vấn đề hết sức phức tạp, mang tính hệ thống, nếu có dịp sẽ thảo luận cụ thể trong các kỳ sau.
Biên tạo Thần học biến dị
Trong thế kỷ trước, theo việc toàn bộ giới tôn giáo thế giới chịu nhận sự xung kích và ảnh hưởng của làn sóng tư tưởng cộng sản, cộng thêm các giáo sỹ biến dị thâm nhập vào chính giáo âm thầm, lặng lẽ làm ma biến chính giáo, tùy tiện diễn giải, bóp méo kinh điển chính giáo mà các Giác Giả chính giáo đã truyền, các loại lý luận Thần học biến dị trở nên thịnh hành một thời. Đặc biệt là vào những năm 1960, “Thần học cách mạng”, “Thần học hy vọng”, “Thần học chính trị” và nhiều lý luận Thần học biến dị khác thấm đẫm tư tưởng chủ nghĩa cộng sản đã làm cho giới tôn giáo trở nên vô cùng hỗn loạn.
Rất nhiều linh mục châu Mỹ Latin trong thế kỷ trước đã tiếp thụ giáo dục của các trường dòng châu Âu, chịu nhận sự ảnh hưởng sâu đậm của những lý luận thần học mới bị chủ nghĩa cộng sản dần dần làm cho biến dị này. Từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ 20, “Thần học giải phóng” đã vô cùng phát triển ở châu Mỹ Latin. Nhân vật tiêu biểu của lý luận này là linh mục người Peru Gustavo Gutiérrez.
Loại thần học này trực tiếp đưa tư tưởng đấu tranh giai cấp và tư tưởng cộng sản vào tôn giáo, giải thích sự từ bi của Thần đối với nhân loại thành cần phải giải phóng người nghèo, vì thế yêu cầu các tín đồ tôn giáo tham gia đấu tranh giai cấp để người nghèo có địa vị bình đẳng, mượn việc Jehovah cho Moses dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập làm căn cứ lý luận khiến người ta tin rằng Kitô giáo cần phải giải phóng người nghèo.
Loại thần học mới nổi này cường điệu đấu tranh giai cấp và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, lại được Fidel Castro, lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba tâng bốc trắng trợn. Giáo hội Công giáo truyền thống dù phản đối sự lan truyền của cái gọi là “Thần học mới nổi” này nhưng Giáo hoàng mới, được bổ nhiệm năm 2013, với lý do về cái gọi là tránh một cuộc “ly giáo”, lại cố ý mời đại diện của “Thần học giải phóng”, là Gutiérrez, tham gia cuộc họp báo của Vatican ngày 12/5/2015 với tư cách là khách mời chính, qua đó biểu thị sự đồng tình và ủng hộ ngầm của Giáo hội Kitô giáo ngày nay đối với Thần học giải phóng.
Thần học giải phóng đã truyền khắp Nam Mỹ, sau này cũng đã truyền ra toàn thế giới. Nhiều nơi trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều lý luận thần học mới gần với Thần học giải phóng, như “Thần học người da đen”, “Thần học phụ nữ”, “Thần học về cái chết của Thượng đế”, “Thần học chủ nghĩa tự do”, thậm chí là “Thần học đồng tính luyến ái”, v.v. Những lý luận thần học biến dị này đã làm loạn hết mức các tín ngưỡng chính thống trên khắp thế giới.
Trong những năm 70 thế kỷ trước, giáo chủ của Nhân dân Thánh điện giáo khét tiếng ở Hoa Kỳ (The Peoples Temples of the Disciples of Christ, tên tắt là Peoples Temple), tự xưng là Lenin chuyển thế, là tín đồ chủ nghĩa Marx, còn lấy tôn chỉ nguyên gốc của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm giáo nghĩa của Nhân dân Thánh điện giáo. Ông ta công khai truyền giáo tại Hoa Kỳ, mục đích chính là thực hiện lý tưởng cộng sản của ông ta.
Sau khi sát hại Hạ nghị sỹ Leo Ryan, người điều tra các cáo buộc đối với giáo phái này, tự biết tội ác khó thoát, lãnh đạo của giáo phái này đã tàn nhẫn bắt ép các tín đồ tự sát tập thể. Ông ta còn sát hại những ai không chịu tự sát theo ông ta. Cuối cùng, tổng cộng có hơn 900 người tự sát hoặc bị giết. Giáo phái này bôi nhọ tôn giáo, can nhiễu chính tín của thế nhân đối với chính giáo. Những tôn giáo như vậy đã gây ảnh hưởng cực xấu cho thế nhân.
Gây ra sự hỗn loạn trong tôn giáo
Cuốn “Cộng sản trần trụi” (The Naked Communist), xuất bản vào năm 1958, liệt kê ra 45 mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản nhằm hủy hoại Hoa Kỳ. Điều khiến người đọc giật mình là tuyệt đại bộ phận trong đó đều đã trở thành sự thực, trong đó, điều thứ 27 là “Thâm nhập vào giáo hội. Dùng tôn giáo ‘xã hội’ để thay thế tôn giáo thiên khải. Bôi nhọ Kinh Thánh…” [4]
Nhìn chung, giới tôn giáo hiện nay, đặc biệt là các tôn giáo chính thống như Tin Lành, Công giáo, Do Thái giáo, ở một chừng mực nào đó, đều bị chủ nghĩa cộng sản thao túng, thậm chí có nguy cơ mất đi chức năng ban đầu của tôn giáo. Các giáo phái mới ra đời hoặc bị ma biến theo hình thái và nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản đã trở thành công cụ truyền bá trực tiếp tư tưởng cộng sản. Tôn giáo là nền tảng để duy trì xã hội phương Tây vận hành bình thường và thông suốt, song cũng đã bị chủ nghĩa cộng sản phá hoại, có khi đến mức không còn ra hình dạng gì nữa.
Trong giáo hội của các tôn giáo trên thế giới hiện nay, có rất nhiều giám mục, linh mục khoác chiếc áo tôn giáo, vừa truyền bá thần học biến dị, vừa biến chất sa đọa, gian dâm với tín đồ, tạo ra hàng loạt vụ bê bối không ngớt. Rất nhiều tín đồ xem nhà thờ chỉ là nơi hoạt động văn minh, hoặc nơi giải trí, hoạt động xã hội, chứ không màng đến tu dưỡng tâm tính.
Tôn giáo đã bị mục ruỗng từ bên trong, khiến thế nhân mất đi chính tín đối với tôn giáo, đối với Phật, Đạo, Thần, vì thế mà từ bỏ tín ngưỡng. Nếu như con người không tin Thần, Thần cũng không quản con người nữa, cuối cùng sẽ dẫn đến kết cục nhân loại bị hủy diệt. Có rất nhiều ví dụ về vấn đề này.
Vào ngày 29/06/2017, Cục Cảnh sát Bang Victoria, Úc tổ chức cuộc họp báo ngắn, trong đó công bố “bởi vì có nhiều đơn tố cáo”, Hồng y giáo chủ Úc George Pell sẽ bị khởi tố về tội xâm phạm tình dục. Pell trở thành tổng giám mục của Melbourne vào năm 1996, và trở thành hồng y giáo chủ vào năm 2003. Vào tháng 7/2014, được sự bổ nhiệm của Giáo hoàng, Pell đảm nhiệm việc giám sát toàn bộ giao dịch tài chính của Tòa Thánh Vatican. Ông nắm quyền lực lớn và là nhân vật số 3 của Vatican.
Năm 2002, tờ Boston Globe đăng tải loạt bài báo về các vụ xâm hại tình dục trẻ em của các linh mục Kitô giáo ở Mỹ. Thông qua điều tra, họ phát hiện rằng, trong vòng vài chục năm, Boston có đến gần 250 linh mục có hành vi xâm hại trẻ em. Giáo hội, phản ứng trước việc này, đã luân chuyển giáo sỹ từ địa khu này đến địa khu khác mà không báo cảnh sát. Những linh mục này lại tiếp tục hành vi xâm hại trẻ em ở địa khu mới, khiến nhiều người hơn nữa trở thành kẻ bị hại.
Những sự vụ tương tự rất nhanh lan ra khắp Hoa Kỳ, sau đó cả các quốc gia có Công giáo khác, như Ireland, Úc cũng phát hiện ra tình trạng này. Các tôn giáo khác cũng bắt đầu công khai chỉ trích Giáo hội Cơ đốc La Mã.
Cuối cùng, dưới áp lực của dư luận, giáo hoàng Saint John Paul II buộc phải tổ chức hội nghị tại Vatican, thừa nhận xâm phạm tình dục trẻ em là phạm tội, đồng thời quyết định cải cách cơ cấu quản lý giáo hội. Hơn nữa, giáo hội sẽ đuổi những linh mục đã xâm hại trẻ em, còn tội phạm sẽ bị bỏ tù. Đến nay, giáo hội đã phải nộp phạt hơn 2 tỷ đô la Mỹ để giải quyết những vụ lạm dụng này.
Việc mượn danh nghĩa tôn giáo để vơ vét tiền bạc của các tín đồ lại xảy ra hết sức thường xuyên. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, nhiều tôn giáo lợi dụng những người tin Phật, Đạo, Thần mà trắng trợn vơ vét của cải, tham ô, đem tôn giáo làm thành doanh nghiệp, kiếm tiền, thu tiền làm lễ, “một nén nhang” có khi có giá lên đến 100.000 nhân dân tệ (tương đương 15.000 đô la Mỹ). Giáo đường, chùa chiền xây ngày càng nhiều, ngày càng huy hoàng trên hình thức, nhưng chính tín với Thần đã càng ngày càng ít, tín đồ chân chính thực tu đạt đến yêu cầu của Thần cũng càng ngày càng ít. Rất nhiều chùa chiền, giáo đường đã biến thành nơi “ma quỷ” tụ tập. Ở Trung Quốc, rất nhiều chùa miếu bị biến thành điểm du lịch thương mại, hòa thượng đi làm lĩnh lương, phương trượng lên làm CEO.
Trong cái được gọi là phong trào học tập báo cáo Đại hội 19 của ĐCSTQ gần đây, phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, khi tham gia “Khóa Tập huấn Tinh thần Đại hội 19” đã phát biểu: “Báo cáo Đại hội 19 là kinh Phật đương đại, tôi đã chép tay ba lần.” Ông ta còn nói rằng: “ĐCSTQ là Phật, là Bồ Tát hiện thế, báo cáo Đại hội 19 là kinh Phật đương đại, tỏa ánh sáng rực rỡ vào tín ngưỡng ĐCSTQ.”
Còn có người kêu gọi tín đồ Phật giáo noi theo vị chức sắc ấy, “noi theo phương pháp chép tay, dùng tâm cung kính chép tay báo cáo Đại hội 19, chép một lượt thì có thể ngộ và thu hoạch một lần mới”. Khi Học viện Phật học Nam Hải ở tỉnh Hải Nam phát hành báo cáo này đã gây tranh luận dữ dội, cuối cùng đành phải gỡ bỏ báo cáo này, nhưng nó đã lan rộng trên mạng.
Sự việc này cho thấy Phật giáo chính thức của Trung Quốc hiện nay toàn hòa thượng làm chính trị, căn bản không phải là nhóm người tu luyện, chỉ là một công cụ mà ĐCSTQ sử dụng cho công tác Mặt trận Thống nhất của nó mà thôi.
Hơn nghìn năm qua, các giám mục trên thế giới đều do Tòa Thánh Vatican trực tiếp bổ nhiệm hoặc công nhận. Khoảng 30 giám mục ở Trung Quốc do Vatican công nhận đến nay vẫn chưa được ĐCSTQ thừa nhận. Tương tự, Vatican và đông đảo tín đồ ở Trung Quốc (đặc biệt là các “tín đồ ngầm”) cũng không thừa nhận những giám mục do ĐCSTQ bổ nhiệm. Tuy nhiên, dưới sự uy hiếp và dụ dỗ không ngừng của ĐCSTQ, Vatican đã trao đổi với ĐCSTQ, theo đó Vatican sẽ phải công nhận những giám mục do ĐCSTQ bổ nhiệm, còn những giám mục mà Vatican bổ nhiệm trước đây sẽ thoái vị.
Giáo hội là đoàn thể tín ngưỡng, mục đích là giúp tín đồ tu luyện, thăng hoa đạo đức, cuối cùng trở về Thiên quốc. Khi thỏa thuận với lực lượng phản Thần làm điều kiện trao đổi ở nhân gian, để ma quỷ cộng sản an bài, bổ nhiệm giám mục, rồi quản lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng của hàng chục triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc thì Thần sẽ nhìn nhận như thế nào? Tương lai của hàng chục triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc rồi sẽ ra sao?
Trong khi ở các quốc gia cộng sản, ma quỷ trực tiếp thao túng và kiểm soát tôn giáo, thì ở phương Tây và các khu vực khác trên thế giới, ma quỷ dùng thủ đoạn lừa gạt và thâm nhập làm biến dị chính giáo, mê loạn thế nhân, khiến thế nhân từ bỏ chính tín, rời xa Thần cho đến khi con người đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn. Bất kể dùng thủ đoạn gì, hình thức có thể khác nhau, nhưng đều là vì cùng một mục đích cuối cùng: hủy diệt lòng tín Thần, từ đó hủy diệt toàn bộ nhân loại.
Đăng lại có chỉnh sửa từ loạt bài của The Epoch Times (thespecterofcommunism.com)
Nguyễn Vĩnh tổng hợp
Xem thêm: Những sự thật ít biết về chủ nghĩa cộng sản
Mời xem video:
Tài liệu tham khảo:
[1] Momchil Metodiev, Between Faith and Compromise: The Bulgarian Orthodox Church and the Communist State (1944-1989) (Sofia: Institute for Studies of the Recent Past/Ciela, 2010).
[2] Như trên.
[3] Christopher Andrew, “KGB Foreign Intelligence from Brezhnev to the Coup,” In Wesley K. Wark (ed.), Espionage: Past, Present, Future? (London: Routledge, 1994), 52.
Từ khóa chủ nghĩa cộng sản phá hoại tôn giáo