Chu Tử gia huấn: Ba yếu tố chính để gia đình hưng vượng
- An Hòa
- •
“Chu Tử trị gia cách ngôn” (Chu Tử gia huấn) do Chu Bách Lư, một nhà giáo dục và lý học thời cuối triều Minh đầu triều Thanh sáng tác. Toàn bộ “Chu Tử gia huấn” có 506 từ, là một tuyển tập chứa đựng phương cách làm người sâu sắc. Đọc “Chu Tử gia huấn”, chúng ta sẽ phát hiện ra một gia đình có hưng vượng hay không được quyết định bởi ba yếu tố chính.
“Tài bất tiến tạng môn”
Tài vật sẽ không đến với những gia đình bừa bộn, dơ bẩn. Một gia đình sống bẩn thỉu lôi thôi thì sẽ không thu hút được những vị khách quý. Sống không ngăn nắp cũng sẽ không có sức khỏe tốt. Nếu cửa vào luôn bày biện nhếch nhác thì sẽ phá hủy hình tượng. Nếu ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm khi ra ngoài thì cũng sẽ không tạo được các mối quan hệ xã giao tốt đẹp, không có được thiện cảm.
“Gia đình dơ bẩn” ở đây không chỉ nói đến nhà cửa nơi ở mà còn là các mối quan hệ xã hội. Chu Bách Lư cả đời đều chú trọng lựa chọn người thiện lương và người có tài để kết giao. Ông viết: “Gần người hung ác, chơi lâu với họ thì ắt có ngày mang họa vào thân”. Cho nên, trong kết giao thì phải trong sạch ngay thẳng, như thế sẽ tránh được họa mà cơ hội cũng rộng mở. Chu gia đã kết giao thân thiết với người con hiếu thảo nổi tiếng thiên hạ thời nhà Minh là Đào Diễm.
Một phương diện nữa của vấn đề này là nội tâm trong sạch, nhất là ước chế sắc tâm, dục vọng. Tổ tiên của Chu Bách Lư là Chu Hi Chu làm quan đến chức Lễ bộ thị lang nhưng ông một mực cự tuyệt nạp thiếp, hơn nữa ông còn quản giáo các thành viên trong gia đình vô cùng nghiêm khắc. Lòng người trong sạch, làm người phải có ranh giới. Háo sắc sẽ mang đến tai họa, khiến cho vợ chồng chia lìa và con cái ly tán. Chỉ có khắc chế bản thân, giữ gìn tâm tính tốt đẹp thì gia đình mới có hòa khí.
“Phúc bất tiến thiên môn”
Phúc sẽ không đến với những gia đình thiên lệch, bất chính. Làm người làm việc không nên đi theo con đường không chính đáng, không dùng đường ngang ngõ tắt. Một gia đình lệch phương hướng, lấy những món tiền không nên lấy, tranh những phước lành không nên nhận, nhất thời có vẻ như thực sự hạnh phúc nhưng kết quả sẽ phải hoàn trả gấp bội.
Tổ tiên của Chu gia có một người tên là Chu Thọ, sinh vào năm Vĩnh Lạc. Cuộc sống của ông có một khoảng thời gian rất khốn khó nhưng ông vẫn cố gắng học y mà nuôi sống cả nhà. Có một lần Chu Thọ ở trong một nhà nghỉ, ông chủ nhà trọ đã trả lại nhầm cho Chu Thọ hơn mười lạng bạc. Lúc Chu Thọ phát hiện ra thì đã đi được vài dặm đường rồi nhưng vẫn không ngần ngại quay lại trả lại tiền cho chủ quán trọ.
“Chu Tử gia huấn” viết: “Làm ăn cùng với người thì chớ chiếm phần lợi, thấy người quen biết nghèo khó thì phải nên trợ giúp”. “Coi trọng tiền bạc, ăn ở bạc bẽo với cha mẹ thì không thành người con”. “Thấy người giàu sang mà tỏ ra siểm nịnh thì rất đáng sỉ nhục. Gặp người cùng khổ mà làm bộ kiêu căng ngạo mạn thì rất đáng khinh bỉ”.
Những câu này đều là để khuyên răn người đời sau rằng phải dùng phương pháp đúng đắn để kiếm tiền, đừng ham tài vật, cũng đừng ở vào lúc có tiền có quyền rồi liền dương dương tự đắc quên mất bản tâm. Dù là ở thời điểm nào cũng không được chiếm lợi, lợi dụng người khác, đồng thời cũng phải có trí tuệ để không bị người khác lợi dụng mà làm việc xấu. Người trong gia đình đều phải giữ thiện lương, làm việc thiện giúp đỡ người khác, bởi vì thiện lương của người đời trước đều mang lại phúc lành cho con cháu đời sau.
“Chí bất tiến cùng môn”
Gia đình có hưng vượng hay không trước tiên phải xem con cháu có chí hay không. “Chu Tử gia huấn” viết: “Tổ tông tuy xa, việc tế tự không thể không thành tâm; con cháu tuy kém thông minh, kinh sách không thể không đọc được. Đọc sách đặt chí theo thánh hiền không phải cầu đỗ đạt, làm quan lòng phải lo cho đất nước chứ không phải lo cho bản thân và gia đình”. Một gia đình đặt việc đọc sách thánh hiền lên vị trí hàng đầu, bất kể là có tham gia khoa cử hay trở thành quan chức hay không thì đó là dấu hiệu của sự hưng vượng. Các thế hệ trong gia tộc họ Chu đều chăm chỉ đọc sách và không ít người đỗ tiến sĩ.
Chu Bách Lư từ nhỏ dưới sự dẫn dắt của cha đã rất chăm chỉ đọc sách, lấy lý học phái Trình Chu làm gốc. Chu Bách Lư sánh ngang với học giả Cố Viêm Vũ, đồng thời ông cùng với Từ Phương, Dương Vô Cữu được xưng là “Ngô trung tam cao sĩ”. Mặc dù Chu Bách Lư không làm quan lớn nhưng lại là người rất có tiết khí, chính trực.
Ở phương diện gia nghiệp, ông thực hành đạo lý “Ăn mỗi bát cơm bát cháo phải hiểu có được chẳng phải dễ dàng; mặc tấm áo mảnh chăn luôn nhớ công sức làm ra thật khó. Nên thu xếp gọn khi chưa mưa; chớ để khát mới đào giếng”. Ông luôn dạy con cháu phải biết tiết kiệm, có sự phòng bị cho những lúc khó khăn, đói kém.
Vào sinh nhật năm 70 tuổi, rất nhiều người đến chúc thọ Chu Bách Lư, ông từ chối không nhận quà của ai, đồng thời còn khuyên mọi người phải biết tiết kiệm. Thậm chí con cái đến nhà cũng chỉ cần hành lễ là được, không cần phải tặng lễ. Chu Bách Lư cho rằng một gia đình muốn hưng vượng thì phải biết nhìn xa, phàm là việc gì cũng nên suy xét lâu dài, đi một bước nhìn mười bước, người thế hệ thứ nhất phải suy xét cho người thế hệ thứ ba.
Chu gia từ triều Bắc Tống đến triều nhà Thanh là hơn mười thế hệ và đều duy trì được sự hưng vượng. Phương cách thực hiện của họ đều nằm trọn trong “Chu Tử gia huấn”.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Gia Huệ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tình cảm gia đình lương thiện Chu tử trì gia cách ngôn