Chúng ta thường nói “Đạo đức”, vậy thế nào là “Đạo” và “Đức”?
- An Hòa
- •
“Đạo đức” là một khái niệm không ai không biết trong cuộc sống đời thường. Xã hội cũng có cách nói rằng một người nào đó có đạo đức cao thượng, hoặc một người nào đó thất đức hay có đạo đức thấp kém. Đạo đức là giá trị cao quý nhất của nhân loại, nhưng cũng là giá trị thường hay bị bỏ qua. Có nhiều người thậm chí còn xem chúng chỉ là những quy tắc tương đối. Vậy rốt cuộc, thế nào là “Đạo”, thế nào là “Đức”?
Cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử đã dùng quan điểm huyền diệu và cao minh để giải thích về “Đạo” và “Đức”. “Đạo Đức Kinh” viết rằng: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”, Đạo nói đến ở đây không phải là những học vấn hay đạo lý tầm thường nơi thế gian mà con người vẫn biết. “Đạo” được Đạo gia coi là thứ nguyên thủy nhất trong vạn vật vũ trụ, là quy luật vận hành của trời đất vũ trụ, cũng có thể nói là quy luật tự nhiên. “Đạo” tồn tại khách quan không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của con người. Vạn sự vạn vật trong thế gian đều là hiện tượng do “Đạo” diễn hóa mà xuất hiện.
Trang Tử nói rằng: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất” (Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một). Vũ trụ trời đất, vạn vật tự nhiên, đương nhiên cũng bao gồm nhân loại chúng ta, đều là ở trong “Đạo”.
Trong “Dịch Kinh” giảng: “Bách tính nhật dụng nhi bất tri” (Bách tính tiếp xúc với Đạo hàng ngày nhưng không biết Đạo là gì), “Đạo” ở chính ngay bên cạnh chúng ta, ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, thời thời khắc khắc chúng ta đều ở trong sự vận hành của Đạo, chưa từng rời đi dù chỉ trong giây lát.
“Đức” trong văn tự cổ cũng là “đắc”, lập thân hành Đạo mà có điều đắc được thì chính là “Đức”. Nói cách khác, chỉ cần có thể thuận theo quy luật của vũ trụ trời đất mà làm thì là “Đức” rồi. Một người nếu có thể ngộ (hiểu) Đạo, có thể dựa vào phép tắc của Đạo để làm người làm việc thì chính là người có đức. Một người cho dù không hiểu Đạo nhưng hành vi của họ không bị lệch khỏi Đạo thì cũng là người có đức.
Cho nên nói “Đạo” là bản thể, là bản chất, còn “Đức” là hiện tượng, là kết quả. “Đạo” là thứ nhìn không thấy, sờ không được nhưng “Đức” là thứ có thể nhìn thấy được, cảm giác thấy được.
Lấy một ví dụ trong cuộc sống như gieo trồng hoa màu, khi nào thì gieo trồng, khi nào thì cao lớn, trưởng thành ra sao, đều là quá trình tự nhiên. Điều gọi là “qua thục đế lạc, thủy đáo cừ thành” (thời cơ chín muồi, nước chảy thành sông) đều là quá trình phát triển tự nhiên.
Nhưng ngày nay, nhân loại tự cho là mình thông minh, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trồng rau trong nhà kính, điều này đều là trái với quy luật tự nhiên. Hoa quả rau trái lớn lên trong cách canh tác như vậy sẽ không ngon, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, thậm chí còn có hại đến sức khỏe. Đất đai vốn rất tốt, bị bón phân hóa học thì khi dừng bón phân phải mất thời gian rất lâu mới có thể cải tạo được về trạng thái màu mỡ ban đầu.
Có rất nhiều nghiên cứu về “nông nghiệp sinh thái”, về cách làm thuận tự nhiên đã trở thành những chủ đề gây chấn động giới khoa học, chẳng hạn như Mansanobu Fukuoka và cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm“.
Nhưng ít có người nào nhận ra việc thuận tự nhiên hay không kỳ thực chính là có đức hay thất đức.
Ngoài ra trong chăn nuôi cũng vậy, nuôi gà, nuôi lợn đều vì muốn chúng lớn nhanh mà cho chúng ăn các loại thức ăn tăng trọng, phụ gia để đẩy thời gian xuất chuồng sớm hơn. Đây là vi phạm quy luật tự nhiên, đều là thuộc loại thất đức.
Còn có hiện tượng một số người rất thích những loại sinh hoạt ban đêm. Mà loại sinh hoạt ban đêm này của con người kỳ thực cũng mang theo ma tính lớn, uống rượu, hút hít, nhảy nhót phát cuồng, cũng là thất đức. “Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ”, buổi tối chính là thời gian để nghỉ ngơi, con người không thuận theo quy luật tự nhiên, ban đêm thức, ban ngày ngủ thì thân thể dẫu khỏe mạnh đến đâu cũng phải chịu tổn hại.
Trong xã hội ngày nay, chuẩn mực đạo đức đang xuống cấp nhanh chóng, đối mặt với sự suy đồi của đạo đức, mọi người than thở, bất lực, sợ hãi và hy vọng một ngày nào đó con người có thể quay trở về với đạo đức. Nhưng muốn đạo đức quay trở lại thì cần cả cộng đồng nhân loại đều phải cùng cố gắng, hơn nữa lại cần phải có sự dẫn dắt. Muốn làm một người có đạo đức thì cần phải thay đổi bản thân, muốn thay đổi bản thân thì phải biết Đạo như thế nào để làm. Khi phẩm hạnh của mọi người đã thăng hoa lên, nâng cao lên rồi thì hoàn cảnh xã hội sẽ có chuyển biến, đạo đức sẽ tăng lên trở lại.
Nền móng để đạo đức quay trở lại bắt đầu từ sự tu dưỡng đức hạnh của cá nhân. Đức hạnh lại không thể không có quy tắc, không có chuẩn mực, không thể “tương đối”. Chúng chính là chiểu theo các giá trị phổ quát trong văn hóa truyền thống. Mà những giá trị này kỳ thực không phải con người tự nghĩ ra, mà chính là Thần, Phật, Chúa truyền cấp cho con người. Hệ thống giá trị phổ quát này có thể thấy rõ trong các tôn giáo, tín ngưỡng, ví như “10 điều răn của Chúa”, hay như giới luật của Phật giáo, thế giới quan của Nho giáo, v.v..
Ngoài ra, người không có tín ngưỡng thì kỳ thật vẫn có thể biết Đạo, hành vi vẫn có thể chiểu theo Đạo. Trong văn hóa truyền thống cũng có những ví dụ trực tiếp hướng dẫn con người thế nào là thiện lương, thế nào là tu dưỡng.
Chẳng hạn sách “Thượng thư. Ngu Hạ thư” viết như vậy:
Cao Dao sinh vào thời Đế Nghiêu trị vì. Ông có trí tuệ quảng đại, nhân nghĩa. Cao Dao cùng với Nghiêu, Thuấn, Vũ được xưng là “Thượng cổ tứ Thánh” (bốn vị Thánh thời thượng cổ).
Cao Dao nói: “Một người có đức hạnh phải biết được mỗi một hành vi của mình là gì. Hành vi của một người có thể được đánh giá bằng chín loại phẩm đức”.
Vua Vũ hỏi: “Chín loại phẩm đức ấy là gì?”
Cao Dao nói: “Khoan hồng đại lượng mà lại cẩn thận dè dặt, tính tình ôn hòa mà lại có chủ kiến, thái độ kính cẩn mà lại trang trọng nghiêm túc, có thể điều hành quốc sự mà lại làm việc chăm chỉ, giỏi lắng nghe ý kiến của người khác mà lại quyết đoán cương nghị, làm người chính trực mà thái độ ôn hòa, thẳng thắn khoáng đạt mà lại có thể giữ được chừng mực, cương chính không a dua mà lại có thể bổ sung cho đầy đủ, kiên cường bất khuất mà lại phù hợp đạo nghĩa.”
Chín loại mỹ đức này được Cao Dao xem là tiêu chuẩn đức hạnh. Nếu như quan lại làm được ba trong số đó thì có thể phong làm đại phu, nếu làm được sáu trong số đó thì có thể phong làm chư hầu. Nếu các quan viên có thể dựa theo tiêu chuẩn này mà học tập lẫn nhau, hành vi của họ sẽ thuận theo Thiên đạo, sẽ đạt được thành tựu.
Chín loại mỹ đức mà Cao Dao nói không chỉ là yêu cầu đức hạnh của người làm quan mà cũng là yêu cầu với dân chúng bình thường. Nếu dân chúng trong thiên hạ đều dựa theo những tiêu chuẩn ấy mà cố gắng làm thì nhất định sẽ xuất hiện thời đại hưng thịnh “Thấy của rơi trên đường mà không nhặt”, “Đêm đi ngủ không cần đóng cửa”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo đức quy luật tự nhiên