Chút suy ngẫm về một loại “phúc”
- An Hòa
- •
Con người sống trên thế gian, ai ai cũng mong có một cuộc sống hạnh phúc, có “Phúc”. Trong “Thượng Thư – Hồng phạm” có tổng kết lại 5 loại “Phúc” của một người là: trường thọ, phú quý, khang ninh, hảo đức và thiện chung. Trong đó, “Trường thọ” là phúc thọ lâu dài; “Phú quý” là tiền tài sung túc, địa vị tôn quý; “Khang ninh” là thân thể khỏe mạnh, tâm linh an bình; “Hảo đức” là nhân từ lương thiện, khoan dung độ lượng; “Thiện chung” là rời khỏi thế gian một cách an tường bình thản, tâm không có lo lắng sợ hãi. Đây có thể nói là một cách giải thích khá toàn diện về hạnh phúc của con người.
Tuy nhiên ngày nay thì rất nhiều người hiện đại cả đời đều chỉ theo đuổi hai chữ “Phú quý”, trong lòng tràn đầy khát vọng đối với vật chất, thậm chí là mong ước chỉ sau một đêm mà đột nhiên giàu lên. Những người như vậy cho rằng chỉ cần có nhiều tiền tài thì những loại phúc khác sẽ tự nhiên có được. Sự sùng bái và khát vọng đối với vật chất đã khiến rất nhiều người bị mê lạc mất.
Kỳ thực thử ngẫm lại, có bao nhiêu tiền tài phú quý cũng không thể mua được “Trường thọ”, mua không được sự khỏe mạnh và an bình, cũng không thể mua được lòng tốt và sự bình yên. Thậm chí có những người còn nhận thức rằng sống lúc nào biết lúc đó, hiển vinh mới là quan trọng nhất còn về cái chết thì thế nào cũng được.
Trên thực tế, “Thiện chung” là kết cục cuối cùng của cuộc đời một con người và là một trong những phúc khí lớn nhất. Một sự ra đi bình thản và an tường cũng là điều khó đạt nhất của đời người. Một người trước lúc ra đi không gặp phải mối tai họa nào, thân thể không đau yếu, trong tâm không có quải niệm thấp thỏm, ra đi một cách an tường và bình thản. Điều này có mấy ai đạt được? Trong sách cổ có ghi chép về các hòa thượng hoặc đạo sĩ, hoặc là người đại thiện, họ có thể biết trước được thời điểm chết, sắp xếp mọi sự và kết thúc cuộc đời với lòng từ bi, ly thế một cách bình yên. Tôn giáo còn giảng rằng trong cuộc đời của một người nếu có thể tích đức làm việc thiện, tín Thần kính Thần, thì mới có được phúc báo này. Người như vậy không chỉ được trường thọ mà khi đến lúc cuối đời còn có thể không bệnh mà chết, nở nụ cười mà rời đi như thể đang ngủ.
Nhưng trong cuộc sống xưa nay không thiếu những người vì đạt được danh lợi nơi thế gian mà không từ thủ đoạn. Tuy rằng họ tạm thời chiếm được danh lợi thế gian nhưng cuối cùng lại không được “thiện chung”. Ngô Khởi thời Chiến Quốc là một người như vậy.
Ngô Khởi là một vị tướng nổi tiếng đầu thời Chiến Quốc, từng làm quan ở ba nước Lỗ, Ngụy, Sở. Ông thông hiểu binh gia, pháp gia và có thành tựu lớn. Bộ “Ngô Khởi binh pháp” của ông là một trong 7 bộ binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc, có thể vươn lên mức độ của “Binh pháp Tôn Tử”. Tuy nhiên Ngô Khởi lại không được hậu thế kính trọng.
Lúc làm tướng quân ở nước Lỗ, Ngô Khởi đã dẫn quân đánh bại quân Tề khi nước Tề tấn công nước Lỗ. Mặc dù lập được công lớn, nhưng Ngô Khởi lại không được trọng dụng. Có người nhắc vua Lỗ về hành động của Ngô Khởi: “Lúc mẹ của Ngô Khởi lâm trọng bệnh, ông ta đã không về nhà hiếu dưỡng. Lúc mẹ mất, ông ta cũng không về nhà chịu tang. Hiện giờ ông ta lại giết vợ để xin làm tướng. Có thể thấy, Ngô Khởi là một người tàn nhẫn mà đức mỏng”. Ngô Khởi sợ bị thất sủng liền bỏ sang nước Ngụy.
Ở nước Ngụy, Lý Khắc nói với Ngụy Văn Hầu: “Ngô Khởi mặc dù là một người tham lam háo sắc nhưng lại là một tướng tài có thể dẫn quân giết địch”. Thế là Ngụy Văn Hầu phong cho Ngô Khởi làm đại tướng. Ngô Khởi không phụ sự ủy thác của Ngụy Văn Hầu, nhanh chóng đánh hạ năm tòa thành trì của nước Tần, chiếm lĩnh vùng Tây Hà, giữ chức quận thủ Tây Hà, trợ giúp Ngụy Văn Hầu thành tựu bá nghiệp. Thời Ngụy Vũ Hầu, tướng quốc nước Ngụy là Công Thúc ghen tị và sợ hãi Ngô Khởi nên đã bày mưu khiến Ngụy Văn Hầu không còn tin tưởng Ngô Khởi nữa. Ngô Khởi sợ bị tội nên phải bỏ sang nước Sở.
Sở Điệu Vương bổ nhiệm Ngô Khởi làm tướng quốc, trợ giúp Sở Điệu Vương thực hiện cải cách. Ngô Khởi tâu với Sở Điệu Vương: bỏ những chức quan không cần thiết, bỏ không chu cấp cho vương thất hậu đãi nuôi dưỡng binh lính và người có công, cốt làm cho quân mạnh. Ngô Khởi đã giúp nước Sở giàu mạnh, phía nam bình định Bách Việt; phía bắc tiêu diệt nước Trần, nước Sái, Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy); phía tây đánh Tần.
Nhưng sau khi Sở Điệu Vương qua đời, các đại thần và tôn thất vì bị ảnh hưởng quyền lợi, rất căm ghét Ngô Khởi, đã thừa cơ truy sát Ngô Khởi. Ngô Khởi cuối cùng bị những người nổi loạn bắn chết. Lúc ấy Ngô Khởi 59 tuổi và chết một cách bi thảm.
Ngô Khởi mặc dù tài năng xuất chúng, công tích lớn lao nhưng lại có phẩm đức thấp kém. Ông tham công danh, không màng đến người khác, vì để có được thành công mà không từ một thủ đoạn nào.
Ngô Khởi sinh ra trong gia đình giàu có, lúc tuổi trẻ ra ngoài tìm cầu công danh nhưng không thành, tiêu tốn hết tài sản của gia đình. Khi bị dân làng và hàng xóm cười nhạo, ông đã giết hơn 30 người cười nhạo ông. Khi từ biệt mẹ, Ngô Khởi đã cắn vào cánh tay và nói: “Nếu Ngô Khởi ta không thể làm được khanh tướng thì quyết không trở về nước Vệ”. Mẹ của ông bị bệnh và chết, ông đã không về chăm sóc và chịu tang. Ngô Khởi bái con trai của Tăng Sâm là Tăng Thân làm thầy để học tập Nho giáo. Tăng Thân đã đoạn tuyệt mối quan hệ thầy trò với ông.
Ngô Khởi từng nhờ vợ dệt một dải lụa nhưng khi dải lụa được dệt xong thì không đáp ứng đầy đủ yêu cầu nên ông ta đã bỏ vợ. Khi ông ta muốn làm tướng nước Lỗ, người nước Lỗ nghi ngờ ông thân với nước Tề vì có vợ là người nước Tề nên ông ta đã giết vợ mình để được vua nước Lỗ tin dùng.
Khi Ngụy Võ Hầu bổ nhiệm Điền Văn làm tướng quốc, trong lòng Ngô Khởi rất bất mãn vì cho rằng bản thân mình tài năng và công trạng đều hơn. Tuy nhiên Điền Văn hỏi rằng Ngô Khởi có thể khiến đất nước an định như mình không thì Ngô Khởi buộc phải chịu phục. Mặc dù Ngô Khởi đối đãi tốt với binh lính của mình và khuyên Ngụy Võ Hầu thực hiện việc cai trị có đạo đức nhưng ông làm vậy chỉ để phục vụ cho mục đích của mình chứ không phải vì thiện lương và nhân từ.
Có thể thấy, ngay cả những người được coi là anh hùng trong mắt thiên hạ, có thành tựu to lớn hay danh tiếng hiển hách đến đâu, cuối cùng họ cũng sẽ không được hưởng phúc “thiện chung”.
Những thứ như công danh lợi lộc giống như mây khói thoáng chốc tan biến, những thứ còn lưu mãi lại bên thân chỉ có phúc đức và tội nghiệp mà thôi. Con người sống trên thế gian cần phải phân biệt thiện và ác, kính trọng Đạo, kính trọng Pháp và thiện đãi người khác. Chỉ bằng cách này, cuộc sống của chúng ta mới có thể bắt đầu tốt đẹp và kết thúc tốt đẹp mà không để lại bất kỳ sự hối tiếc nào.
Theo Vison Times tiếng Trung
Tác giả: Vân Du
An Hòa biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hành ác Tích đức Phúc đức