Trí tuệ cổ nhân: Làm nhiều việc bất nghĩa ắt sẽ tự diệt vong
- An Hòa
- •
“Đa hành bất nghĩa tất tự lễ” là một câu danh ngôn lưu truyền hàng ngàn năm nay, có xuất xứ trong “Xuân Thu Tả Truyện”, mang ý nghĩa, nếu một người làm nhiều việc bất nghĩa thì ắt tự diệt vong. Đây vừa là trí tuệ, vừa là lời khuyên răn cảnh tỉnh hậu nhân của người xưa.
Hết thảy những sự tình xấu xa, bất nghĩa một khi phát triển và lớn mạnh đến một mức độ nào đó, sẽ trở nên hoàn toàn trái với thiên ý, những người liên quan cũng từ đó bắt đầu đến lúc diệt vong. Liên quan đến câu thành ngữ này, có điển cố là “Trịnh bá khắc Đoàn vu Yên”, vua Trịnh đánh bại họ Đoàn ở đất Yên.
Vào những năm cuối triều nhà Chu, Trịnh Võ Công cưới Võ Khương, sinh hạ được hai người con là Ngụ Sinh và Cung Thúc Đoàn.
Khi Võ Khương sinh Ngụ Sinh, bởi vì thai nhi bị ngược nên sinh khó, suýt thì bị mất mạng. Vì thế, Võ Khương đặt tên cho ông là Ngụ Sinh, nghĩa là tỉnh dậy sau khi sinh. Vì khiếp sợ sau lần sinh ấy mà Võ Khương luôn lạnh nhạt với Ngụ Sinh, hay thiên vị Cung Thúc Đoàn. Khi hai người con lớn lên, Võ Khương mong muốn lập Cung Thúc Đoàn làm thái tử. Mặc dù Võ Khương thường xuyên thỉnh cầu Trịnh Võ Công nhưng Võ Công không đồng ý. Võ Công vẫn phong Ngụ Sinh làm thái tử.
Trước khi Trịnh Võ Công qua đời, Võ Khương khẩn xin phế tước vị của Ngụ Sinh, cho Thúc Đoàn lên thay, nhưng Trịnh Võ Công không nghe mà vẫn bảo toàn ngôi vị cho Ngụ Sinh. Sau khi Ngụ Sinh lên ngôi, tức là Trịnh Trang Công, mẹ của ông vì Thúc Đoàn mà khẩn xin cho con trai được phong đất Chế. Bởi vì địa hình của đất Chế hiểm trở, khó khăn nên Trịnh Trang Công nói với mẹ: “Chế là nơi địa hình hiểm trở, trước đây Quắc thúc bị chết ở nơi ấy. Cho nên, nếu là nơi khác thì ta nhất định sẽ chấp nhận”. Võ Khương lại khẩn cầu phong cho Thúc Đoàn vùng đất Ấp Kinh. Trịnh Trang Công liền đem Ấp Kinh phong cấp cho Thúc Đoàn, còn tôn xưng em trai là Kinh Thành Thái Thúc hay Thái Thúc Đoàn.
Bởi vì làm như vậy là không hợp với lễ tiết quân thần thời ấy, nên đại phu Tế Trọng của nước Trịnh đã khuyên can Trịnh Trang Công:
“Phàm là kinh đô của các nước phụ thuộc mà có chiều dài tường thành bao quanh vượt quá 300 trượng thì sẽ mang đến tai họa cho đất nước. Theo quy định của tiên vương, tường thành ở những nơi lớn không được vượt quá 1/3 tường thành kinh đô, ở những nơi trung bình thì không được vượt quá 1/5, ở những nơi nhỏ thì không được vượt quá 1/9. Hiện giờ Kinh Thành [nơi Thái Thúc Đoàn ở] đã vượt qua quy định rồi, không phù hợp với chế định của tiên vương, quân vương ngài không lo lắng sao.”
Trịnh Trang Công đáp: “Đó là mẫu thân ta muốn như vậy, ta còn có cách nào?”
Đại phu Tế Trọng lại nói: “Chi bằng xử trí sớm một chút, đừng cho ông ta tiếp tục phóng túng, một khi đã phóng túng ra rồi thì sẽ khó xử lý. Cỏ dại lan tràn còn khó diệt trừ, huống chi đây là đệ đệ được nuông chiều của quân vương?”
Trịnh Trang Công nói: “Làm nhiều việc bất nghĩa thì tự sẽ bị diệt vong. Ngươi hãy tạm thời chờ xem!”
Quả nhiên sau đó, Thái Thúc Đoàn muốn phát triển thế lực. Ông ta dụ ấp Tây Bỉ và ấp Bắc Bỉ về theo mình, sau đó lại dụ ấp Lẫm Duyên, cả ba ấp đều bị ép buộc quy về ông ta cai quản. Lúc này, công tử Lữ của nước Trịnh lại nói với Trịnh Trang Công:
“Một quốc gia không thể cho phép hai quân vương cùng tồn tại. Quân vương ngài tính sao bây giờ? Nếu Quân vương muốn đem đất nước giao cho Kinh Thành Thái Thúc thì thần xin thỉnh cầu đi phụng dưỡng ông ta còn nếu không phải thì thỉnh cầu Quân vương hãy diệt trừ, đừng để lòng dân rời bỏ.”
Trịnh Trang Công lại đáp: “Không cần, hắn còn như vậy thì sẽ tự rước họa”.
Về sau, Cung Thúc Đoàn tiến thêm một bước đem ấp Tây Bỉ, Bắc Bỉ, Lẫm Duyên làm của riêng mình. Lúc này, công tử Lữ lại nói với Trịnh Trang Công: “Đủ rồi! Thế lực của hắn lại mạnh thêm, chiếm được lòng dân cũng càng nhiều hơn.”
Trịnh Trang Công vẫn không tỏ ra lo lắng, nói: “Hắn đối với quốc quân thì bất nghĩa, đối với huynh trưởng thì bất thân, không có chính nghĩa thì không kêu gọi được lòng người, thế lực tuy lớn nhưng cũng sẽ tự sụp đổ.”
Ngay sau đó, Cung Thúc Đoàn cho tu sửa thành quách, dự trữ lương thảo, bổ sung vũ khí, chuẩn bị bộ binh cùng xe ngựa để đánh lén đô thành nước Trịnh. Trong khi đó, ở trong cung, Võ Khương làm nội ứng, chuẩn bị cho mở cửa thành.
Khi Trang Công biết được ngày Cung Thúc Đoàn tiến binh liền lệnh cho công tử Lữ dẫn hai trăm xe binh mã thảo phạt Kinh Thành nơi Cung Thúc Đoàn được phong. Người đất Kinh Thành thấy quân Trịnh đến bèn phản lại Cung Thúc Đoàn. Cung Thúc Đoàn bỏ chạy đến ấp Yển, Trịnh Trang Công mang quân đánh ấp Yển. Cung Thúc Đoàn bỏ chạy sang ấp Cung. Trịnh Trang Công tấn công ấp Cung, Thúc Đoàn không chống cự nổi và tự vẫn.
Từ điển cố xưa có thể thấy rằng nếu một người chỉ dựa vào xuất thân hay thế lực của mình mà không tính đến luân lý đạo đức cần phải có thì người ấy sẽ làm ra nhiều việc bất nghĩa. Thuận theo thời gian, bởi vì người đó làm ra quá nhiều điều bất nghĩa mà phải chịu kết cục diệt vong. Suy rộng ra, một gia đình hay một quốc gia cũng vậy, nếu làm quá nhiều việc ác, việc bất nghĩa thì kết cục cũng không thể tốt đẹp được.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay nghĩa quân thần chính nghĩa