Chuyên cần khổ luyện là bí quyết của thành công
- An Hòa
- •
Trong cuộc sống, khi cảm thấy sự tình gì cũng không được như ý, những điều bản thân cho rằng không may mắn liên tục xảy đến, hãy cứ kiên trì tiếp bước trong nhẫn nại và bao dung. Những người chăm chỉ và thật thà đều sẽ có được hồi báo. “Thiên đạo thù cần”, chuyên cần khổ luyện là bí quyết giản dị của thành công.
Trong lịch sử, có rất nhiều điển cố và tấm gương chứng minh rằng những người đạt được thành tựu đều phải một lòng một dạ, chuyên cần khổ luyện để làm thành sự nghiệp lớn. Nhan Chân Khanh, một vị quan lớn, một trong những thư pháp gia nổi danh nhất của triều đại nhà Đường, chính là một trong những người như vậy.
Nhan Chân Khanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thơ và viết thư pháp, tổ tiên của ông chính là Nhan Chi Thôi, người đã viết cuốn “Nhan thị gia huấn“ nổi tiếng trong lịch sử. Năm Nhan Chân Khanh lên 3 tuổi, cha ông ốm nặng và mất khiến cuộc sống gia đình lâm vào cảnh nghèo đói triền miên.
Mặc dù nghèo đói, Nhan Chân Khanh vẫn vô cùng yêu thích học tập, đặc biệt là học viết thư pháp. Điều này khiến cho mẹ ông rất khó xử, bởi vì đối với gia đình ông lúc ấy, cái ăn vẫn là vấn đề lớn, không thể có tiền cho ông mua bút và giấy để luyện chữ.
Nhan Chân Khanh biết được tâm tư của mẹ. Một ngày nọ, trong tay cầm một cái bát và một chiếc bàn chải, Nhan Chân Khanh vui vẻ nói với mẹ mình: “Con có giấy và bút mà không phải mất tiền mua rồi, mẹ đừng lo lắng nữa nhé!” Mẹ Nhan Chân Khanh nghi hoặc nhìn, ông lại nói: “Chiếc bát này là nghiên, bàn chải này là bút, nước bùn có thể làm mực!” Sau đó, ông đổ đầy bùn vào chiếc bát và đi đến bức tường bắt đầu viết. Sau khi viết xong, ông lại xóa sạch nét chữ bằng nước và nói: “Đây chính là giấy!” Mẹ ông nở nụ cười.
Năm 26 tuổi, Nhan Chân Khanh thi đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều đình, về sau lại làm huyện úy ở Lễ Tuyền. Công việc rất bận rộn và phức tạp, phải thức khuya dậy sớm ngày này qua ngày khác nhưng Nhan Chân Khanh luôn cố dành thời gian để luyện chữ.
Mọi người khi nhìn thấy nét chữ của Nhan Chân Khanh thì hết lời khen ngợi, nhưng trong lòng ông lại rất đau khổ, bởi vì ông biết rằng nét chữ đã đến trình độ này, nếu như không có sự hướng dẫn thì sẽ khó mà phát triển được nữa. Vì thế, ông đi tìm và bái một người làm thầy. Người này chính là Trương Húc, một nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng bấy giờ. Trương Húc có tính cách cổ quái, thích uống rượu và là một trong “Ẩm trung bát tiên” mà thi nhân Đỗ Phủ liệt kê. Sau khi uống rượu say, Trương Húc có thể hạ bút thành thư, đôi khi ông ta còn cuồng lên, dùng tóc viết chữ, nên người ta còn gọi ông là “Trương Điên”.
Nhan Chân Khanh nghe người ta nói Thảo thánh Trương Húc trú tại Lạc Dương, vì thế để tỏ thành ý, Chân Khanh liền từ quan, đến Lạc Dương cầu kiến Trương Húc, xin học tập thư pháp.
Khi Nhan Chân Khanh đến Lạc Dương, không chờ đợi bố trí chỗ ở ổn thoả, ông đã đem những kiểu chữ mình thường luyện viết đi bái kiến Trương Húc. Gặp lúc Trương Húc uống rượu say, nằm trên ghế ngủ, Nhan Chân Khanh đành phải kiên nhẫn chờ đợi. Đợi rồi đợi nữa, đợi cả buổi Trương Húc mới tỉnh dậy. Nhan Chân Khanh lập tức tiến lên hành lễ, nói rõ ý đồ, dâng lên thư pháp của mình, xin Trương Húc chỉ giáo, còn muốn bái ông làm thầy.
Trương Húc sau khi nhìn qua thư pháp của Nhân Chân Khanh liền nói: “Chữ của ông viết rất đẹp, không cần phải bái ta làm thầy. Ông lại là giường cột của đất nước sau này, sao lại tốn nhiều thời gian để viết chữ vậy?”
Nhan Chân Khanh không cưỡng cầu mà thành khẩn nói rằng: “Trò đã rõ ý của thầy, thầy sợ trò không có hằng tâm học thư pháp, cho nên không muốn thu nhận trò làm học sinh ngay lập tức. Thế thì giờ trò về trước, sau này sẽ đến tìm thầy”.
Nói xong, Nhan Chân Khanh cáo từ Trương Húc ra về. Về sau, triều đình lại phái ông đến Trường An làm quan, nhưng Nhan Chân Khanh trước sau vẫn nghĩ đến việc học thư pháp. Chẳng bao lâu, ông lại từ quan, một lần nữa đến Lạc Dương thỉnh giáo Trương Húc. Trương Húc thấy thái độ vô cùng thành tâm của Nhan Chân Khanh, liền nhận ông làm trò.
Nhưng điều khiến Nhan Chân Khanh cảm thấy thất vọng chính là tuy rằng đã theo học được mấy tháng nhưng Trương Húc chỉ hướng dẫn theo hai cách. Một là đưa cho Nhan Chân Khanh những chữ mình viết hay chữ của các danh gia trước đây để làm mẫu, đồng thời yêu cầu ông phải bỏ ra công sức và thời gian gấp đôi để học tập. Hai là dẫn ông đi du sơn ngoạn thủy để lĩnh ngộ tự nhiên mà không có ý truyền cho bí quyết nào cả. Vì thế, một hôm Nhan Chân Khanh đau khổ nói với Trương Húc: “Học trò đến bái môn cầu sư là muốn thầy truyền cho bí quyết tinh diệu của bút pháp, sao thầy không chỉ cho học trò?”
Trương Húc tuy rằng không vui nhưng thấy thái độ thành khẩn của Nhan Chân Khanh nên đã nói cho ông biết: “Học tập thư pháp phải chăm học khổ luyện, đồng thời phải theo sự dẫn dắt của tự nhiên vạn vật. Điều này chẳng phải ta đã nói nhiều lần rồi sao?”
Nhan Chân Khanh nghe xong, không hiểu nên lại khẩn cầu: “Lời nói của thầy học trò đều hiểu, hiện tại điều học trò cần nhất là bí phương để viết chữ. Học trò từ quan theo thầy chính là vì điều này, mong thầy chỉ giáo nhiều hơn!”
Trương Húc nghe xong, chau mày nhưng vẫn nhẫn nại khai đạo: “Học thư pháp, nếu nói có bí quyết gì, thì đó chính là chuyên cần khổ luyện. Chỉ có chuyên cần khổ luyện mới có thể viết được tốt, không còn cách nào khác”.
Trương Húc nói thêm: “Phàm là người chỉ một lòng tìm bí quyết mà không chịu khổ công phu thì sẽ không có được thành tựu gì!“
Từ đó Nhan Chân Khanh càng chăm chỉ khổ học, dốc lòng nghiền ngẫm bút pháp của các bậc tiền bối, đưa những điều mà ông lĩnh ngộ được từ cuộc sống vào nét bút của mình. Nhan Chân Khanh tiến bộ rất nhanh, chữ của ông ngày càng đoan trang và hùng vĩ.
Trải qua không ngừng cố gắng, Nhan Chân Khanh cuối cùng trở thành người đứng đầu của “tứ đại thư pháp gia”. Sau này, mọi người gọi chữ của ông là “Nhan thể”. Đối với sự chỉ dạy của Trương Húc, Nhan Chân Khanh vô cùng cảm kích, ông viết ra thiên “Trương Trưởng sử thập nhị ý bút pháp kí”, ghi chép quá trình học thư pháp với Trương Húc, đồng thời đem những tâm đắc về thư pháp truyền ra cho người đời mà không lưu giữ lại chút nào.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Vương Hy Chi: Thành tựu đến từ sự khổ luyện và tín ngưỡng
- Thiên đạo thù cần: Người bỏ tâm sức nhất định nhận được hồi báo
Mời xem video:
Từ khóa thư pháp chăm chỉ nhẫn nại