Thiên đạo thù cần: Người bỏ tâm sức nhất định nhận được hồi báo
- An Hòa
- •
Cổ nhân dạy rằng: “Thiên đạo thù cần”, đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chịu khó. Đây không phải là câu nói để an ủi, khích lệ con người trong cuộc sống, mà thật sự là đạo lý nhân sinh.
Từ “Thiên đạo” xuất hiện sớm nhất trong sách “Thượng Thư”, tài liệu lịch sử sớm nhất, bộ sao lục điển tích đầu tiên của Trung Hoa. Trong “Thượng Thư” viết: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi thiên đạo”, ý nói cuồng vọng, tự mãn tất sẽ chiêu mời tổn hại cho bản thân, trái lại, khiêm tốn, có lễ thì nhất định sẽ khiến bản thân được lợi. Đây là Thiên Đạo tự như thế.
“Thù” có ý nghĩa là đền đáp, đền ơn, ban thưởng, báo đáp về sau này. “Cần” nghĩa là cần lao, chuyên cần, siêng năng. Cả câu “Thiên đạo thù cần” có ý nghĩa là đạo của Trời sẽ đền đáp cho người siêng năng chăm chỉ. Đạo lý này cũng cùng ý tứ với cách nói “Trời không phụ lòng người”.
“Cần” (siêng năng, chăm chỉ) là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong văn hóa truyền thống. Nó xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm kinh điển như “Thượng Thư”, “Kinh Thi”, “Luận Ngữ” và “Lễ Ký”. Trong đó nhắc đến các cụm từ như “cần có thể bù đắp cho ngốc nghếch”, “cần cù tiết kiệm”, “cần kiệm trì gia”, “cần học khổ luyện”… “Cần” không chỉ được dùng chỉ cách nói về cuộc sống của người dân thường, người học hành mà còn dùng để chỉ cách cai trị của Quân vương như “cần chính yêu dân”, nghĩa là chăm lo việc chính sự và yêu thương dân chúng.
“Cần” cũng chính là làm việc dụng tâm dụng ý, tận tâm tận sức, không trốn tránh khó nhọc, không mưu mẹo xảo trá, không ham an nhàn. Đây là thái độ căn bản cần có của bất kỳ ai khi đối đãi với công việc, đối đãi với cuộc sống.
“Thiên đạo thù cần” còn có một tầng ý nghĩa nữa, chính là có mất mới có được, nỗ lực bao nhiêu thì sẽ đạt được bấy nhiêu. Nếu có thể không dính mắc mà nỗ lực, không tham lam mà nỗ lực, thì sẽ “không cầu mà tự được”. Chính bởi vậy mà cổ nhân rất yêu thích dùng từ “Cần” để đặt tên, trong các bức hoành phi treo cửa cũng thường dùng chữ “Cần”.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về những người nhờ cần cù học tập mà làm thành được việc lớn, trở thành những người nổi danh trong lịch sử.
Trong cuốn “Chiến Quốc sách” có ghi lại câu chuyện “Trùy thứ cổ” (Dùi đâm đùi) về Tô Tần, chiến lược gia nổi tiếng của thời Chiến Quốc. Lúc còn trẻ tuổi, học vấn của Tô Tần cũng không có gì nổi trội hơn người. Cho nên, khi đi nhiều nơi, ông không được mọi người để ý, chí lớn của ông cũng không được trọng dụng.
Vì vậy, Tô Tần đã quyết tâm chăm chỉ cần cù đọc sách và trau dồi kiến thức cho mình. Hàng ngày, Tô Tần đều học tập rất chăm chỉ cho đến tận đêm khuya. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, ông sẽ dùng một cái dùi đâm một nhát vào đùi. Cơn đau đột ngột sẽ khiến ông thanh tỉnh trở lại và có thể phấn chấn tinh thần để tiếp tục đọc sách.
Trong cuốn “Thái Bình ngự lãm”, một bộ đại bách khoa toàn thư thời Bắc Tống, cũng có ghi lại câu chuyện “Đầu Huyền Lương” (Cột tóc lên xà nhà) về học giả Tôn Kính. Vào thời Đông Hán, có một người trẻ tuổi tên là Tôn Kính, rất chăm chỉ và hiếu học. Hằng ngày, khi đọc sách đến tận nửa đêm canh ba, Tôn Kính rất dễ bị ngủ gật. Vì không muốn ảnh hưởng tới việc học tập, ông đã nghĩ ra một biện pháp để giữ cho mình tỉnh táo.
Tôn Kính đã dùng một sợi dây thừng, một đầu cột vào tóc của mình và đầu kia buộc lên xà nhà. Nếu ngủ gật, đầu ông sẽ gục xuống và sợi dây sẽ kéo tóc của ông lên khiến ông đau đớn. Như thế, ngay lập tức, ông sẽ tỉnh lại và có thể tiếp tục đọc sách. Về sau, ông đã trở thành một chính trị gia tiếng tăm lẫy lừng trong lịch sử.
Hai câu chuyện là ví dụ điển hình về tấm gương người xưa đã khắc khổ học tập để thành tựu mục đích của mình. Cả Tô Tần và Tôn Kính về sau đều trở thành những người nổi danh trong lịch sử, được lưu lại nghìn năm cho người đời sau học tập. Tất nhiên, có chí khí ấy, có quyết tâm ấy thì mới có thể thực hiện như thế. Nếu không có cái chí như Tô Tần và Tôn Kính, lại bắt chước hai ông, thì tâm lý và thể chất tất sẽ không chịu đựng được. Do đó lịch sử hàng nghìn năm qua, cũng chỉ có một vài câu chuyện như vậy mà thôi.
Xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người chỉ vì cái lợi trước mắt mà đầu cơ trục lợi, thậm chí vì một chút lợi nhỏ mà không từ một thủ đoạn nào. Nhưng cổ nhân cho rằng hết thảy tiền bạc của cải một người có được là từ đức mà ra. Cho nên, những hành vi này đều làm tổn hại đức của bản thân, cái được không bù nổi cho cái mất. Một người chỉ có thực sự đặt tâm, bỏ công bỏ sức mới có được hồi báo xứng đáng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo trời thiên đạo Thượng thư Luận Ngữ đạo lý nhân sinh