Chuyện Hoàng Phủ Mật hối lỗi, làm lại cuộc đời
- Tĩnh Viễn
- •
Cổ nhân có câu nói: “Ai mà không có sai lầm? Sai mà có thể sửa, ấy là việc tốt nhường nào”. Văn hóa truyền thống cho rằng có thể nhận ra và sửa sai là một đức hạnh cao đẹp của con người. Những người dũng cảm đối mặt với thiếu sót và chỉnh sửa bản thân tốt chính là người đáng ngưỡng mộ. Hoàng Phủ Mật là một người như thế.
Hoàng Phủ Mật (215-282) là một học giả nổi tiếng với những thành tựu trên các lĩnh vực lịch sử, đạo đức, văn học và y học của Trung Hoa. Đặc biệt, cuốn sách “Châm cứu Giáp Ất Kinh” của ông là ghi chép chuyên môn đầu tiên thảo luận về lý thuyết và thực hành châm cứu.
Cuộc đời của Hoàng Phủ Mật kéo dài qua ba triều đại. Ông sinh vào thời Đông Hán (25-220), lớn lên trong thời Tam quốc (220-265) và qua đời vào thời Tây Tấn (265-317). Mẹ qua đời từ khi còn rất nhỏ, ông được bác và mợ nuôi nấng. Khi 15 tuổi, gia đình ông chuyển đến Linh Đài, Cam Túc, Hà Nam.
Vào thời thiếu niên, Hoàng Phủ Mật là một thiếu niên chơi bời. Đến năm 20 tuổi, ông không hề biết chút gì về lịch sử, triết học, văn học, đạo đức hay tôn giáo.
Một ngày kia ông lấy một ít dưa ngọt dâng lên mẹ nuôi. Mẹ nuôi ông khóc nói:
“Con đã 20 tuổi nhưng tri thức quá kém. Mẹ thật đau lòng khi thấy con đã lãng phí nhiều thời gian quý báu như vậy. Nếu con thật sự muốn là một người con hiếu thảo, con phải học hành chăm chỉ và hiểu biết về lịch sử, văn học và các môn khác như những người cùng tuổi với con. Vào thời xưa, mẹ của Mạnh Tử đã chuyển nhà ba lần để tìm một trường học tốt cho ông. Phải chăng là mẹ đã thất bại trong việc chọn chỗ ở tốt với những người hàng xóm tốt để ảnh hưởng tích cực đến con? Tại sao con vẫn không thích đọc sách và tu dưỡng bản thân?”
Hoàng Phủ Mật cảm động rơi nước mắt và hứa với mẹ nuôi là ông sẽ làm lại cuộc đời và không lãng phí thời gian nữa.
Kể từ dịp đó, lúc nào ông cũng đọc sách và không bao giờ dừng lại dù chỉ một ngày. Khi làm việc trên đồng, ông cũng đọc vào lúc nghỉ ngơi. Càng đọc thì ý chí của ông càng mạnh mẽ và ông trở nên tĩnh tại hơn.
Năm 26 tuổi, Hoàng Phủ Mật quyết định viết sách vì muốn để lại những trước tác có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Do hiểu biết sâu rộng nên những tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khi nhận thấy có rất ít tài liệu về những sự kiện thời tiền Hán, Hoàng Phủ Mật đã biên soạn “Đế Vương Thế Kỷ”, một cuốn sách đồ sộ bao gồm những sự kiện lịch sử kéo dài từ thời tiền “Tam Hoàng” đến triều đại hiện tại. Ngoài ra ông còn viết một vài cuốn sách khác về những sự kiện lịch sử trong các thời kỳ khác nhau.
Hoàng Phủ Mật còn viết những cuốn sách ca ngợi các bậc tiền bối đã giữ vững giá trị truyền thống, không khuất phục trước bạo lực, danh tiếng và của cải. “Cao sĩ truyện”, “Dật sĩ truyện” và “Liệt nữ truyện” là một vài ví dụ. Vì sống trong thời kỳ thay triều đổi đại, Hoàng Phủ Mật nhận thấy nhiều người đã bị dụ dỗ bởi việc theo đuổi quyền lợi và danh vọng. Ông ngưỡng mộ những người không bị dao động bởi giàu có, bần cùng, cơ cực hay quyền lực. Ông viết sách dựa trên những chủ đề này để khuyến khích những người đồng hương giữ lấy phẩm hạnh và tích đức nhiều hơn.
Sau khi một lần bị bệnh, Hoàng Phủ Mật bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của y học. Ông đã biên soạn cuốn “Châm cứu Giáp Ất Kinh”, trong đó sắp xếp và liệt kê tổng cộng 349 huyệt vị và miêu tả chi tiết về vị trí của chúng và mối liên hệ với các kinh mạch trong cơ thể. Ông cũng thảo luận về việc âm nhạc và tinh thần con người ảnh hưởng đến các chức năng nội tạng. Cuốn sách này được xem là sách phải đọc đối với những người nghiên cứu y học thời cổ. Bởi thế mặc dù có nhiều thần y, danh y đi trước nổi tiếng hơn ông, nhưng Hoàng Phủ Mật lại được mệnh danh là “cha đẻ của châm cứu”.
Nhìn chung, các tác phẩm của Hoàng Phủ Mật có chủ đích rất rõ ràng, đó là mang ảnh hưởng tích cực đến cho con người và xã hội.
Mặc dù nổi tiếng nhưng Hoàng Phủ Mật vẫn giản dị và không thích danh vọng, mong ước theo đuổi một cuộc sống giản đơn. Ông đã nhiều lần từ chối trưng triệu của triều đình. Khi Tấn Vũ Đế muốn phong Hoàng Phủ Mật làm “Thái tử Trung Thứ”, “Nghị Lang” rồi “Trước tác Lang”, ông đều từ chối. Trong bức thư gửi đến Hoàng đế, ông viết:
“Thần nghe nói rằng một minh quân sẽ được vây quanh bởi những người đủ dũng cảm nói lên sự thật và một chính sách khoan dung sẽ khiến nhiều người nói lên tâm tư nguyện vọng của họ. Với một minh quân như Hoàng thượng, thần chỉ xin tập trung vào việc viết lách và thực hành y.”
Hoàng đế đã chấp nhận thỉnh cầu của ông và ban cho ông một xe đầy sách để đọc.
Trong mắt người khác, Hoàng Phủ Mật là người rất siêng năng, luôn chăm chỉ đọc và viết. Khi nghe nói rằng làm việc nặng nhọc có thể rút ngắn tuổi thọ, ông đáp lại: “Sáng nghe Đạo, đến tối chết cũng yên lòng, huống hồ mệnh của người ta đã được Trời định.”
Hoàng Phủ Mật tôn kính sự hòa hợp giữa Trời và Đất, bày tỏ mong muốn sống cuộc đời giản đơn, không bị vật dục chi phối. Ông cho rằng xem nhẹ tiếng tăm và lợi ích có thể kéo dài tuổi thọ; lánh xa dục vọng thì có thể đắc Đạo, hiểu được chân lý của Đất Trời.
Dựa theo “Gương người xưa về hối lỗi và làm lại cuộc đời“
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Tĩnh Viễn
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa gương người xưa tu dưỡng đạo đức