Chuyện người Do Thái phục quốc – P1: Đánh bại liên quân 8 nước
- Trần Hưng
- •
Sau khi phải sống tha hương 2000 năm, người Do Thái trở về cố hương xây dựng đất nước, nhưng họ phải đối mặt với liên quân của 8 nước Ả Rập xung quanh. Người Do Thái vốn nổi tiếng thông minh, họ làm thế nào để bảo vệ được Thánh địa Jerusalem của mình và phục quốc thành công?
Sai lầm khiến người Do Thái mất nước
Jerusalem có lịch sử từ lâu đời. Các cuộc khảo cổ học cho thấy thành phố này đã xuất hiện từ 3.000 năm TCN, còn lịch sử có nhắc đến thành phố này từ 2.000 năm TCN là nơi sinh sống của các tộc người khác nhau. Đến năm 1020 TCN, trước sự đe dọa của ngoại bang, các bộ tộc đã hợp nhất với nhau thành vương quốc Israel thống nhất.
Thời kỳ vua Solomon là thời kỳ thịnh trị của Israel, nhiều văn hóa đặc sắc ra đời, đền thờ Jerusalem được xây dựng có nghĩa là đền Bình trị, lịch pháp cũng ra đời vào thời kỳ này.
Tuy nhiên quốc gia hưng thịnh rồi sẽ suy vong, đây là quy luật muôn đời của lịch sử. Quốc gia của người Do Thái trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng đến năm 70 SCN thì xảy ra trận chiến giữa người Do Thái và quân La Mã. Cuối cùng, quân La Mã chiếm được và phá hủy Jerusalem cũng như đền thờ Thánh tại đây, điều quan trọng nhất đối với người Do Thái. Mặc dù trước đó Jerusalem từng bị phá hủy, nhưng nó lại được xây dựng lại. Còn sự kiện lần này lại khiến một lượng lớn người Do Thái lưu vong.
Những người theo Kitô giáo tin rằng, khi Chúa Jesus truyền Đạo của ngài, người Do Thái phạm phải sai lầm lớn khi hại chết Chúa, từ đó khiến người Do Thái phải lang bạt khắp nơi không có tổ quốc trong hàng nghìn năm. Thời điểm người Do Thái mất nước cũng là thời điểm không lâu sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá.
Trong Kinh Thánh còn có lời tiên tri rằng: “Khi mà dân tộc Israel bị trục xuất ra khỏi xứ thì xứ sẽ bị hoang phế, không có dân cư”. Quả nhiên khi người Do Thái rời khỏi vùng đất của mình, nhiều dân tộc khác nhau đã đến nơi đây, nhưng không một dân tộc nào ổn định để tạo được một quốc gia và tồn tại lâu dài được.
Đó là bởi vì mặc dù theo Kitô giáo, người Do Thái bị trừng phạt, nhưng cuối cùng Thiên Chúa sẽ ban cho họ cơ hội phục quốc. Hơn thế nữa, việc người Do Thái phục quốc còn là một điềm báo quan trọng cho sự kiện cứu rỗi mà các tín ngưỡng phương Tây chờ đợi. (Xem bài: Ngày tận thế và sự kiện Đại Thẩm Phán trong hội họa phương Tây)
Bước đầu phục quốc
Tuy hàng nghìn năm lang bạt khắp nơi, người Do Thái vẫn ôm mộng trở về Thánh địa Jerusalem xây dựng lại tổ quốc. Dù họ gặp nhau ở nơi đâu trên thế giới thì khi chia tay họ vẫn nhắn nhủ rằng: “Sang năm về Jerusalem”.
Sau thế chiến lần thứ 2, các quốc gia Ả Rập từng là thuộc địa của Anh lần lượt tuyên bố độc lập: Ai Cập năm 1945; Jordan năm 1946; Syria năm 1946. Riêng vùng đất Palestine nơi cư ngụ của người Ả Rập và người Do Thái là chưa thể giải quyết được.
Từ khi đế quốc Ottoman sụp đổ năm 1923, người Do Thái và người Ả Rập bản xứ đều khăng khăng cho rằng đây là vùng đất của mình. Người Do Thái cho rằng họ đã ở đây từ sớm nhất, lịch sử có ghi chép nhiều Triều đại người Do Thái ở đây. Trong khi đó người Ả Rập cho rằng họ đã định cư nhiều đời ở vùng đất này.
Năm 1947, Liên Hợp Quốc phân chia vùng đất Palestine thành 2 quốc gia của người Ả Rập và người Do Thái, đồng thời ủy trị cho Anh cai quản đến hết ngày 15/5/1948.
Nhưng trước khi hết hạn ủy trị 1 ngày là ngày 14/5/1948, người đứng đầu Cơ quan Do Thái là David Ben-Gurion tuyên bố “thành lập một nhà nước Do Thái tại Eretz-Israel, được gọi là Nhà nước Israel”, ra bản tuyên ngôn “Israel phục quốc”.
Chưa đầy 1 giờ, cả hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô đều tuyên bố công nhận Nhà nước Israel, nhiều nước khác cũng lần lượt công nhận và chúc mừng.
Tuy nhiên 8 nước Ả Rập hùng mạnh vây quanh dải đất nhỏ xíu của người Do Thái là Ai Cập, Iraq, Syria, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Yemen và quân đội giải phóng Ả Rập (tức quân Ả Rập được xây dựng ở vùng đất Palestine) không công nhận và liên kết cùng tấn công nhà nước Do Thái non trẻ.
Vừa ra đời đã phải đối mặt với áp lực cực lớn
Liên quân Ả Rập có 65.000 quân, trong đó quân Jordan tinh nhuệ nhất, ban đầu có 5.000 quân nhưng sau đó được tăng cường thêm lên đến 15.000 quân, được trang bị pháo binh và xe bọc thép, được sĩ quan Anh huấn luyện.
Israel thành lập lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhằm vệ quốc. Quân Israel ban đầu có 30.000, là lực lượng còn non trẻ không thể mạnh bằng quân các nước Ả Rập.
Tuy tương quan lực lượng như vậy, nhưng xét về tinh thần thì người Do Thái cao hơn Ả Rập rất nhiều, họ chiến đấu vì sự sinh tồn của cả một dân tộc sau hàng nghìn năm phải phiêu bạt khắp nơi vì không có tổ quốc. Dân số Do Thái khi mới lập quốc chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 triệu người nhưng họ sẵn sàng tham gia cuộc chiến vì sự sinh tồn của dân tộc mình.
Trước khi tấn công, phía Ả Rập tuyên bố không công nhận cách phân chia của Liên Hợp Quốc, tuyên bố kế hoạch của Liên Hợp Quốc vô giá trị và phía Ả Rập sẽ tiến đến thiết lập một “quốc gia Palestin thống nhất”.
Trong khi Mỹ, Liên Xô cùng các nước trên thế giới phản đối các nước Ả Rập, thì chỉ có Trung Quốc là ủng hộ phía Ả Rập.
Liên quân 8 nước Ả Rập tấn công
Chỉ vài ngày sau khi nhà nước Israel tuyên bố thành lập, quân Ả Rập tấn công Israel từ nhiều hướng khác nhau. Cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, hai bên giành giật từng căn nhà. Syria và Lebanon tấn công từ phía Bắc, Jordan và Iraq tấn công từ phía đông, Ai Cập tấn công từ phía nam. Quân đội giải phóng Ả Rập phối hợp với Ai Cập tấn công từ bờ tây.
Từ ngày 19/5/1948 đến ngày 28/5/1948, quân tinh nhuệ Jordan đã chiếm được thành phố cổ của người Do Thái và trục xuất họ khỏi thành phố này. Quân Iraq bị thất bại khi tấn công vào khu định cư của người Do Thái và phải chuyển qua phòng thủ. Các nơi khác quân Ả Rập đều chiếm ưu thế. Quân Israel 2 lần dùng thiết giáp phản công giành lại vùng đất đã mất nhưng đều thất bại.
Ở phía bắc, quân Syria dùng thiết giáp và xe tăng tiếp tục tiến sâu vào Irael nhưng bị chặn đứng trước nỗ lực của người Do Thái. Ở phía nam, quân Ai Cập tấn công xuyên thủng phòng tuyến ở Kibbutz nhưng bị thiệt hại nặng nề bởi sự chiến đấu quả cảm của người Do Thái. Quân Ai Cập tiếp tục tiến đánh nhưng bị chặn đứng ở Ashdod.
Lúc này Israel kêu gọi người Do Thái ở các nơi trên thế giới hãy trở về phục quốc. Dòng người Do Thái liên tục đổ về 10.000 người mỗi tháng. Nhờ đó quân Israel liên tục tăng thêm. Ban đầu quân đội có 30.000 quân, tháng 7/1948 đã có 60.000 quân. Dù quân Israel không phải quân chính quy và đa số mới nhập ngũ, nhưng người Do Thái chiến đấu chủ yếu bằng tinh thần.
Israel phản công
Đến tháng 7/1948, nhờ tuyển mộ thêm quân từ những người Do Thái trên thế giới trở về, quân Israel mở cuộc tấn công ngược trở lại. Quân Ả Rập quay sang phòng ngự. Quân Israel tấn công vào vùng đất nối liền từ Jerusalem đến thành phố đông dân Tel Aviv, 50.000 người Ả Rập cư ngụ ở đây buộc phải dời đi.
Những thành phố quan trọng đều diễn ra các trận đánh rất ác liệt. Đến ngày 18/7/1948, toàn bộ miền hạ Galilee từ vịnh Haifa cho đến biển Galilee rơi vào tay người Do Thái.
Đến tháng 10/1948, quân Iarael đã lên đến hơn 90.000 và tiếp tục tấn công đánh chiếm vùng Thượng Galilee. Quân giải phóng Ả Rập và quân Liban bị đẩy lui, quân Israel tiến sâu vào Liban 8km.
Ngày 15/10, quân Israel cũng tấn công quân Ai Cập dọc theo miền duyên hải Beersheba-Hebron-Jerusalem, quân Ai Cập phải tháo lui, kỳ hạm Amir Faruk bị đánh chìm.
Đến tháng 12/1948, Israel đã có 100.000 quân, tiếp tục tấn công quân Ai Cập ở phía nam, đẩy lui ra khỏi Israel và tiếp tục tiến đánh bán đảo Sinai và dải Gaza. Quân Ai Cập thua trận và phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn vào ngày 7/1/1949 và xác định biên giới, quân Israel cũng rút khỏi biên giới ở bán đảo Sinai và dải Gaza.
Tháng 3/1949, quân Israel tiến đến thành phố ở cực nam của mình là Eliat, đánh dấu cuộc chiến kết thúc.
Chiến thắng
Israel ký hiệp định với từng nước nhằm ngừng bắn và xác định chủ quyền biên giới. Theo đó hầu hết lãnh thổ Palestine được Liên Hợp Quốc chia cho người Ả Rập được sáp nhập vào Israel, phía tây thành phố Jerusalem cũng được sáp nhập, lãnh thổ được mở rộng 50% so với kế hoạch của Liên Hợp Quốc, chiếm 78% Palestine.
Quân Ả Rập bị mất 10 đến 15 ngàn quân, còn phía Israel bị mất 4.000 quân, hơn 2.000 dân thường bị chết.
Chiến tranh kết thúc với thắng lợi thuộc về Israel, dù quốc gia non trẻ này chỉ là vùng đất bé hạt tiêu so với 8 nước Ả Rập, dân số ban đầu chưa đến 1 triệu người, lại sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khan hiếm nước, 70% lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, nhưng họ đã làm được điều kỳ diệu đánh bại thế lực Ả Rập hùng mạnh, phục quốc thành công.
Sau hàng ngàn năm phiêu bạt, người Do Thái đã có tổ quốc của mình, thế nhưng cuộc chiến của họ vẫn chưa dừng lại khi người khổng lồ Ả Rập vẫn luôn tìm cơ hội để tấn công.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Israel người Do Thái Jerusalem lịch sử thế giới