Chuyện thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên “đạp tuyết tầm mai”
- An Hòa
- •
Trong tâm tình của văn nhân nhã sĩ xưa, hoa mai có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Hoa mai được dùng làm tín vật, được dùng để chỉ người vợ, cũng có người coi hoa mai là tri âm. Vào thời Đường, có một chuyện về Mạnh Hạo Nhiên “đạp tuyết tầm mai” đã trở thành một giai thoại, một đề tài hội họa được nhiều họa gia thể hiện.
“Đạp tuyết tầm mai”, giữa trời đông giá, người vượt qua tuyết, đi tìm hoa mai. Xưa nay hình ảnh này thường được sử dụng để hình dung tâm tình của các văn nhân nhã sĩ thưởng thức phong cảnh. Nó cũng thể hiện sự công phu, vất vả trong việc tìm kiếm nguồn cảm hứng làm thơ. Nghĩa rộng hơn của thành ngữ này là chỉ nghị lực của một người để đạt được thành tựu (mai) trước những khó khăn của cuộc đời (tuyết).
“Đạp tuyết tầm mai” có xuất xứ từ thi nhân Mạnh Hạo Nhiên thời nhà Đường. Tục truyền rằng Mạnh Hạo Nhiên làm quan gặp nhiều trắc trở, không được như ý. Về sau ông ẩn cư trên núi Lộc Môn ở Tương Dương.
Vào một ngày mưa, bạn thân của ông là thi nhân Vương Duy từ thành Trường An đến, Mạnh Hạo Nhiên vui sướng vô cùng. Ông vội vàng bày biện thiết đãi người bạn. Ông còn mời các danh sĩ nổi tiếng ở Tương Dương đến làm thơ uống rượu. Lúc này Mạnh Hạo Nhiên có đọc hai câu thơ:
Thiên biện mai hoa ngạo sương tuyết,
Xuân duẩn ngộ vũ nhật tam xích.
Nghĩa là:
Ngàn cánh hoa mai kiêu hãnh trong sương tuyết,
Mùa xuân măng gặp ngày mưa mọc dài ba thước.
Vương Duy cũng có hai câu thơ:
Tích vũ không lâm yên hỏa trì,
Chưng lê xuy thử hướng đông truy.
Nghĩa là:
Mưa dầm rừng không khói lửa chậm,
Nấu lê thổi lúa đem ra ruộng ở phía đông.
Mạnh Hạo Nhiên nghe xong hai câu thơ của Vương Duy thì không ngừng khen ngợi thơ hay tuyệt diệu. Nhưng Vương Duy lại khiêm tốn nhận rằng thơ của ông là “vạn chữ ngàn từ tùy ý sử dụng, linh hồn của thơ là ở ngay quanh mình”.
Câu nói ấy của Vương Duy đã đánh thức Mạnh Hạo Nhiên. Mạnh Hạo Nhiên vô cùng thích hoa mai nhưng khổ nỗi ông lại chưa viết được câu thơ nào có thể toát lên vẻ đẹp phẩm cách và khí tiết của hoa mai mà bản thân ông cảm thấy hài lòng. Sau khi nghe xong lời nói của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên ý thức được rằng chỉ có thực sự quan sát hoa mai nở trong sương tuyết thì mới có thể mang được tinh thần của nó vào thơ. Vì thế từ đó về sau, cứ mỗi dịp hoa mai nở, người ta lại nhìn thấy một nhã sĩ một mình lên núi tìm hoa mai mặc sương giá tuyết lạnh.
Hoa mai rốt cuộc có sức hấp dẫn gì mà nhiều thi nhân thời xưa yêu thích đến như vậy? Nguyên nhân chính là bởi hoa mai không tranh xuân khoe sắc cùng các loài hoa thơm cỏ lạ khác mà lại nở trong sương tuyết giá lạnh, vừa đạm bạc lại vừa thanh cao. Vì lẽ đó mà văn nhân thi sĩ thường dùng hoa mai để biểu đạt phẩm cách và hành vi cao thượng. Dưới ngòi bút của họ, “mai” không chỉ đơn giản là một loài hoa mà còn là sứ giả, là biểu tượng tinh thần.
Thi nhân Triệu Trường Khanh thời nhà Tống từng viết về đức tính cao thượng của hoa mai: “Phương tâm tự dữ quần hoa biệt, tẫn cô cao thanh khiết”, Hoa mai khác với những loài hoa khác, nó cao quý và thanh khiết vô cùng.
Lục Du thời Tống cũng viết về hoa mai rất hay: “Dĩ thị hoàng hôn độc tự sầu, canh trứ phong hòa vũ”, lẻ loi cô độc lúc hoàng hôn, lại chịu thêm mưa và gió, hay “Linh lạc thành nê niễn tác trần, chích hữu hương như cố”, khi rụng thành bùn tan ra thành bụi, chỉ có hương thơm là vẫn như cũ.
Vài câu thơ nói trên đều là các câu tán dương đức tính kiên cường bất khuất, kiên trinh không thay đổi mà hoa mai là biểu tượng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Thi tiên Lý Bạch, một nhân cách đáng quý
- 10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ IV: Mai hoa tam lộng
Mời xem video:
Từ khóa nghị lực Câu chuyện thành ngữ Chịu khổ