Người tật đố thường sẽ bồn chồn, u uất, phẫn nộ, không sống yên ổn, và thường làm ra những sự việc mất lý trí. Nếu là người có ảnh hưởng tới chính sự quốc gia, thì có thể vì tâm tật đố mà tổn đức, nguy hại quốc gia. Trịnh Tụ là phi tần của Sở Hoài Vương thời kỳ Chiến Quốc, cô xinh đẹp, được sủng ái, nhưng vì tâm tật đố mà cuối cùng để lại ô danh trong lịch sử.

Chuyện Trịnh Tụ đố kỵ để lại ô danh trong sử sách
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

“Chiến Quốc sách”“Hàn Phi Tử” có ghi chép rằng một lần, Ngụy Huệ Vương tặng Sở Hoài Vương một mỹ nữ nước Ngụy, Sở Hoài Vương vô cùng yêu thích.

Trịnh Tụ trong lòng đố kỵ, lo lắng mình bị thất sủng, nhưng bề ngoài lại tỏ ra rất yêu quý và bảo vệ cô gái nước Ngụy. Trịnh Tụ tặng cô gái nước Ngụy rất nhiều thứ. Sau khi biết chuyện, Sở Hoài Vương nói: “Tật đố là tình cảm thông thường của người ta. Trịnh Tụ biết ta yêu thích cô gái nước Ngụy, nhưng lại yêu quý cô gái nước Ngụy hơn cả ta. Đây là biểu hiện của hiếu tử thờ phụng cha mẹ, trung thần thờ phụng quân chủ”.

Sau khi Trịnh Tụ biết Sở Hoài Vương không còn lo lắng rồi, Trịnh Tụ bèn lừa dối cô gái nước Ngụy, nói rằng: “Đại vương tuy sủng ái cô, nhưng lại rất ghét cái mũi của cô. Do đó khi cô gặp Đại vương, thì nhất định phải che mũi lại, như thế Đại vương sẽ càng sủng ái cô hơn nữa”. Cô gái nước Ngụy nghe theo, mỗi lần gặp Sở Hoài Vương, đều che mũi lại.

Sau này Sở Hoài Vương hỏi Trịnh Tụ: “Cô gái nước Ngụy gặp ta liền che mũi lại là sao?”. Trịnh Tụ làm ra vẻ không dám nói, Sở Hoài Vương liền truy vấn. Trịnh Tụ bèn nói: “Cách đây không lâu, cô gái nước Ngụy từng nói, cô ghét ngửi thấy mùi trên thân thể Đại vương”.

Sở Hoài Vương nghe xong thì nổi giận, liền lệnh thị vệ cắt mũi của cô gái nước Ngụy.

“Sử ký” chép rằng năm Tần Huệ Văn Vương thứ 14, nước Tần ép buộc nước Sở, muốn dùng vùng đất bên ngoài Vũ Quan của nước Tần để đổi lấy vùng đất Kiềm Trung của nước Sở.

Bởi vì trước đó Sở Hoài Vương từng bị Trương Nghi lừa mất mặt, khiến nước Sở bị tổn thất, do đó Sở Hoài Vương trả lời Tần Vương rằng: “Ta không muốn đổi đất, chỉ muốn có được Trương Nghi”. Tần Vương đồng ý. Sở Hoài Vương chờ đoàn người Trương Nghi đến nước Sở liền bắt giam lại, muốn giết chết Trương Nghi.

Trương Nghi mua chuộc đại thần nước Sở là Cận Thượng. Cận Thượng bèn nói với Trịnh Tụ rằng: “Cô có biết cô sắp bị Đại vương ruồng bỏ không?” Trịnh Tụ hỏi: “Tại sao?” Cận Thượng nói: “Tần Vương yêu quý Trương Nghi muốn giải cứu Trương Nghi. Tần Vượng dự định dùng đất Thượng Ung cho nước Sở, đem mỹ nữ gả cho Sở Vương. Sở Vương coi trọng đất đai, nhất định sẽ đồng ý. Đến lúc đó, mỹ nữ nước Tần nhất định sẽ được Sở Vương sủng ái, còn phu nhân cũng sẽ bị ruồng bỏ. Chi bằng hãy nói giúp Trương Nghi”.

Thế là Trịnh Tụ thuyết phục Sở Vương rằng: “Là bề tôi, ai nấy đều vì chủ của mình. Hiện nay, nước Sở giết Trương Nghi thì Tần Vương ắt sẽ nổi giận và tấn công nước Sở. Thiếp thỉnh cầu để mẹ con thiếp dời đến Giang Nam cư trú, để tránh thành thịt cá bị nước Tần cắt mổ”.

Sở Hoài Vương nghe xong thì lo sợ bị Tần tấn công, bèn thay đổi ý định, phóng thích Trương Nghi. Đến khi Sở Hoài Vương hối lại thì Trương Nghi đã về nước rồi.

Sách “Tuân Tử” có nói: “Kẻ sĩ kết bạn tật đố, thì người hiền sẽ không gần gũi anh ta. Quân chủ có bề tôi tật đố, thì hiền thần sẽ không đến. Người che giấu công lý gọi là lừa dối, người vùi lấp hiền lương gọi là tật đố. Người xu nịnh, tật đố, lừa dối, gọi là giảo hoạt gian tà. Tiểu nhân giảo hoạt gian tà, bề tôi tật đố lừa dối, đó là sự ô uế và yêu nghiệt của quốc gia”.

Trịnh Tụ vì tâm tật đố mà mãi sống trong lo lắng, còn Sở Hoài Vương cũng là ông vua tối. Sau này Hoài Vương không nghe lời trung thần, cuối cùng bị nước Tần cầm bắt, lưu vong ở nước Tần rồi chết ở đó. Gần 20 năm sau khi ông qua đời, kinh đô Dĩnh của Sở cũng bị Tần san phẳng, Sở Tương Vương phải thiên về đất Trần. Nước Sở ngày càng suy yếu, đến năm 223 TCN thì bị tiêu diệt.

Dựa theo “Tâm tật đố tổn đức nguy hại quốc gia
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Khởi Huệ

Xem thêm:

Mời xem video: