Những người từng tiếp xúc với Đông y đều biết rằng khi muốn sắc thuốc để chữa bệnh hoặc điều hòa cơ thể thì phải đến hiệu thuốc để lấy thuốc theo đơn, đây là điều mà dân gian gọi là “bốc thuốc”. “Bốc thuốc” có lịch sử hơn một ngàn năm và lai lịch của nó có liên quan đến Tôn Tư Mạc, y học gia nổi tiếng thời nhà Đường, người được mệnh danh là “Dược vương”.

Sau khi được thầy thuốc kê đơn, người xưa sẽ đến hiệu thuốc và đưa cho nhân viên. Nhân viên nhà thuốc có thể được gọi là dược sĩ, trong tay thường thường cầm một chiếc cân tiểu ly, căn cứ vào đơn thuốc để lấy các loại thuốc ở trong các ngăn kéo nhỏ của tủ thuốc phía sau lưng, cuối cùng đóng gói và tính tiền thuốc. 

"Nhân thể" và "tự nhiên" theo Trung y thời cổ đại
(Ảnh minh họa: Dragon Images, Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Những người từng đến các tiệm thuốc Đông y chắc hẳn đã nhìn thấy một chiếc tủ lớn cổ kính được đặt ở phía sau lưng chủ tiệm. Chiếc tủ thuốc cổ kính này có tên là “Bách tử quỹ”. Nó bao gồm nhiều ngăn kéo nhỏ, số lượng có thể lên tới hàng trăm. Một số cửa hàng sẽ ghi tên dược liệu ở bên ngoài ngăn kéo để ghi nhớ. Còn những tiệm thuốc không ghi gì bên ngoài ngăn kéo thì thường là những người bốc thuốc lâu năm. Họ có thể nhớ chính xác ngăn kéo nào đựng dược liệu nào mà không bao giờ nhầm lẫn. 

Bởi vì các loại thuốc thảo dược ngày xưa được thu hái từ tự nhiên, người xưa cũng không cầu kỳ về bao bì, lại thiếu các dụng cụ đo lường tiên tiến nên khi mua bán, họ thường dùng tay không vốc một nắm thuốc rồi bỏ lên cân để xác định trọng lượng. Những người bốc thuốc giỏi và lâu năm có thể dựa vào kinh nghiệm của mình mà tay không bốc thuốc với liều lượng chính xác đến mức không cần cân. Sau khi cân thuốc xong, người ta sẽ dùng giấy để gói thuốc. Cả quá trình này được gọi là bốc thuốc.

Nguồn gốc của quá trình bốc thuốc này có liên quan đến Dược vương Tôn Tư Mạc thời nhà Đường. Trong dân gian xưa lưu truyền rằng Tôn Tư Mạc thường xuyên ra ngoài hái thuốc và cứu người. Bất kể là ông đi đến đâu, hễ gặp được dược liệu quý thì đều sẽ không ngại gian khổ và dùng trăm phương ngàn kế để hái được dược liệu đó. Bất luận là trèo đèo lội suối, hay trèo vách đá hiểm trở, băng qua sông, ông cũng chưa từng lùi bước.

Bởi vì Tôn Tư Mạc thu thập được rất nhiều dược liệu có đặc tính, mùi vị và công dụng khác nhau nên phải bảo quản riêng. Để phân loại chúng cho hợp lý, không trộn lẫn vào nhau và để dễ lấy, Tôn Tư Mạc đã đặc biệt may một tấm khăn có thể quàng quanh người và trên đó có rất nhiều túi nhỏ. Mỗi khi hái được dược liệu, ông sẽ lập tức bỏ vào túi nhỏ xung quanh mình. Khi muốn sử dụng dược liệu, ông chỉ cần thò tay vào túi nhỏ là có thể lấy được.

Bởi vì dân chúng thấy Tôn Tư Mạc luôn một mặt hái thuốc, một mặt bốc thuốc từ túi ra mỗi lần khám bệnh, nên một thời gian lâu sau, phàm là có người bị bệnh thì đều hy vọng Tôn Tư Mạc đến “bốc thuốc”. Về sau này khi dân chúng mở được tiệm thuốc thì bắt đầu phỏng theo cách làm của Tôn Tư Mạc, đặt các dược liệu khác nhau vào các ngăn nhỏ khác nhau của tủ lớn. Thậm chí có cửa hàng còn ngăn thành các ô vuông nhỏ trong ngăn kéo nhỏ để đựng các dược liệu khác nhau. Cách làm này có thể ngăn một số lượng lớn dược liệu bị lẫn lộn vào nhau và giúp việc phân loại, lấy thuốc trở nên thuận tiện hơn trước.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: