Vị thám hoa kiên trì 30 năm khoa cử, được Thần báo mộng
- Trần Hưng
- •
Vào thế kỷ 16 thời Lê Trung Hưng, trong một gia đình nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Minh ở làng Dược Sơn, xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh (nay là thôn Lạc Sơn, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có một người con nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy, văn thơ đều giỏi, tên là Nguyễn Minh Triết. Mọi người trong gia đình đều hy vọng đứa trẻ này có thể nối nghiệp khoa bảng từ ông nội là tiến sĩ Nguyễn Minh Thiện. Tuy cuối cùng cũng không phụ sự kỳ vọng ấy, nhưng câu chuyện dân gian về cuộc đời Nguyễn Minh Triết thật quá ly kỳ, liên quan đến nhiều lần ông được Thần nhân báo mộng.
Học tài thi phận
Lớn lên Nguyễn Minh Triết đậu kỳ thi Hương, nhưng vào thi Hội lại không đỗ. Thời bấy giờ Triều đình lấy số lượng sĩ tử đỗ qua tứ trường thi Hội rất ít, vì thế mà nhiều người dù sáng dạ vẫn không đỗ đạt.
Bấy giờ có khá nhiều người hay đến các đền đài cầu mộng về việc khoa cử. Nguyễn Minh Triết không đỗ thi Hội đã đến ngôi chùa trong vùng để cầu mộng. Hôm đó, ông mơ thấy có một vị Thần đến nói rằng: “Độc thư đáo lão vị thành danh”.
Tỉnh dậy, Nguyễn Minh Triết cho rằng câu này có nghĩa là “Có học đến già cũng không đỗ”. Dù vậy, ông vẫn quyết định sẽ tiếp tục học hành, noi gương Hàn Du thuở trước, “càng không đỗ càng học”.
Lấy vợ nhờ được báo mộng
Nguyễn Minh Triết tiếp tục đèn sách nhưng vẫn chưa thi đậu, ngoài 20 tuổi chưa lập gia đình. Một đêm ông ngồi đọc sách rồi chợt ngủ thiếp đi, thì lại mơ thấy Thần nhân đến bào rằng: “Vợ nhà ngươi đã sinh ra rồi, sau này hãy tìm đến mà dạm hỏi”.
Đến sáng ông hỏi thăm trong làng thì biết đêm hôm qua có một gia đình trong làng hạ sinh được một bé gái. Ông tin vào lời Thần nên quyết định chờ cho đứa bé gái lớn lên.
Nhưng khi cô bé lớn lên đến tuổi lấy chồng thì lại có một thổ hào ở xã Lạc Đào cũng đến dạm hỏi. Dù ông cũng ngỏ lời, nhưng suốt nhiều năm đèn sách chẳng đỗ đạt gì, gia cảnh lại nghèo túng, nên gia đình cô gái này đã quyết định gả con cho thổ hào nọ.
Vài năm sau, cô gái sinh được con, vị thổ hào nọ cũng qua đời. Ông bèn mang lễ trầu cau đến hỏi cưới và được bằng lòng. Vậy là ông lấy vợ đúng như lời Thần báo mộng.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Dù việc thi cử lận đận nhưng Nguyễn Minh Triết rất cố gắng, “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Ông miệt mài đèn sách mà hơn 20 năm ròng rã thi cử vẫn không sao đỗ được kỳ thi Hội.
Đến khoa thi năm Tân Mùi 1631, dù đã 53 tuổi ông vẫn đi thi. Kỳ thi Hội lần này khác với trước đây, vì giờ thi thường bắt đầu từ giờ thìn (7 đến 9 giờ sáng) hoặc muộn nhất cũng là giờ tỵ (9 đến 11 giờ). Thế nhưng lần này đến đầu giờ ngọ mới bắt đầu thi.
Nguyên nhân sự chậm trễ này theo cuốn Đại Viết Sử ký Toàn thư chép rằng: “Vua coi thi, thấy mặt trời có quầng, mống đỏ vây bọc xung quanh, lại có mống trắng xuyên vào giữa mặt, mọi người cho là ứng vào điềm ấy”, vì thế mà chậm giờ. Còn các sĩ tử kháo nhau rằng do Chúa sinh năm ngọ nên phải đến giờ ngọ mới bắt đầu.
Thi đã muộn giờ, nhưng khi bóc đề ra các sĩ tử đều hoang mang bởi có đến 12 đề mục, trong khi thời gian lại rất ít.
Nghĩ tới việc phải làm đủ 12 mục trong khi thời gian hạn hẹp, nên nhiều sĩ tử làm từng mục chỉ lược thảo chứ không dám đi sâu vì sợ không kịp giờ.
Nguyễn Minh Triết bao năm miệt mài đèn sách, trải bao kỳ thi, đã dưỡng thành sự trầm tĩnh. Vậy nên ông cứ thong thả làm từng mục một, đi sâu có dẫn giải, biện luận đầy đủ rõ ràng rồi mới qua mục khác, hết giờ ông mới chỉ làm được 4 mục. Ra khỏi trường thi, nhiều người cảm thấy ngao ngán.
Nghĩ lần này khó đậu, Nguyễn Minh Triết không ở trọ tại Kinh thành xem kết quả thi mà về luôn quê nhà. Trước khi đi ông dặn chủ nhà trọ rằng nếu thấy tên ông trong danh sách đậu thì nhờ báo cho ông biết.
Về đến nhà, vợ ông hỏi làm bài thế nào, ông đáp rằng 12 đề mục thì chỉ làm có 4 đề mục. Vợ ông than thở vì ông đã ngoài 50 tuổi rồi mà vẫn không thể đỗ. Hai vợ chồng lại ra đồng làm ruộng cùng nhau.
Nửa tháng sau, khi đang làm cỏ lúa với vợ ngoài đồng, thì chủ nhà trọ nhắn tin ông đậu rồi, khiến vợ chồng ông đều mừng rỡ.
Chuyện chấm thi
Vậy vì sao bài thi của Nguyễn Minh Triết chỉ hoàn thành 4 đề mục mà vẫn được đỗ?
Khi chấm bài các quan thấy có bài làm rất tốt, nhưng lại chỉ hoàn thành có 4 đề mục, về lý thì phải chấm rớt. Nhưng vì bài làm quá hay nên các quan quyết định để riêng ra rồi xét sau.
Sau khi trình Chúa các quyển đậu, Chúa hỏi: “Những quyển định lưu xét kỳ này, có quyển nào hay không?”
Các quan mới bẩm có một bài làm 4 đầu mục rất tốt, nhưng lại sót 8 đầu mục. Chúa nói rằng: “Thơ một câu, phú một liễn. Một câu hay còn có thể lấy, huống hồ là 4 mục.”
Quyển thi được trình lên Chúa đọc thấy rất hay và tâm đắc, nhưng còn băn khoăn vì một số chỗ không hiểu. Chúa liền truyền đưa cho Nguyễn Thị Duệ xem.
Nguyễn Thị Duệ là người văn hay bậc nhất vào lúc đó. Đứng giữa Triều đình bà giải nghĩa theo điển tích cùng hàm ý sâu xa khiến Chúa cùng các quan rất khâm phục cả người làm lẫn người diễn giải.
Biết mọi người còn băn khoăn vì bài này chỉ làm có 4 đầu mục, Nguyễn Thị Duệ liền nói: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ”.
Thế là mọi người cùng đồng ý chấm cho bài thi đỗ, chỉ có 6 bài thi được chấm đỗ kỳ thi Hội và được phong làm Tiến sĩ, và được vào vòng thi cuối cùng là thi Đình.
Thi đỗ Thám hoa, nhớ lại lời báo mộng
Sau khi được tin thi đỗ, Nguyễn Minh Triết chỉ ở nhà nửa buổi báo tin vui và tiếp khách, rồi ông nhanh chóng vào Kinh thành cho kịp kỳ thi Đình. Sáu người đỗ Tiến sĩ bước vào thi Đình, Nguyễn Minh Triết lại đỗ đầu tức Thám hoa (do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên).
Gia đình và bạn bè đều hân hoan chức mừng ông. Quả là “có công mài sắt, có ngày nên kim”, ông đi thi từ thuở còn trẻ, dù giỏi chữ nghĩa nhưng trải qua nhiều khoa thi suốt mấy chục năm mà không đậu, đến 53 tuổi thì mới đỗ mà lại là đỗ cao nhất đến Thám hoa.
Lúc này nhớ lại chuyện được Thần báo mộng khi xưa, Nguyễn Minh Triết mới hiểu ra “độc thư đáo lão vị thành danh” mang ý nghĩa đọc sách đến già, năm “mùi” thì mới thành danh. Chữ “vị” còn có nghĩa là năm Mùi. Trong tất cả khoa thi, không năm nào trúng năm Mùi cả, chỉ đến khoa thi đó mới là năm Tân Mùi.
Dẫu vậy, nếu ông không kiên trì, mà thoái chí nản lòng, thì chắc chắn năm Tân Mùi 1631 ấy, ông cũng không thể trở thành Thám hoa. Câu chuyện của vị Thám hoa 53 tuổi trở thành tấm gương cho các sĩ tử thời ấy.
Nguyễn Minh Triết vốn là người tín Thần, lấy vợ cũng theo như mộng, đến khi đỗ đạt mới hiểu là ứng mộng chẳng sai, có thể nói cuộc đời của ông đã được an bài trước cả, trong đó cũng bao hàm cả những cố gắng nỗ lực mà đạt thành công danh sự nghiệp.
Đức nghiệp của nhà Nho
Triều đình cử Nguyễn Minh Triết làm Huyện Doãn huyện An Lão, sau thăng lên các chức vụ khác nhau. Thông thường các quan đến 70 tổi thì đều nghỉ hưu, nhưng Nguyễn Minh Triết ngoài 70 tuổi vẫn được Chúa tin dùng. Năm 1651 khi đã 73 tuổi, ông được Tể tướng Phạm Công Trứ tiến cử làm Công bộ Thượng Thư.
Ngoài 80 tuổi ông mới nghỉ hưu với tước Cẩn quận công. Tuy thế những dịp lễ tết ông vẫn mặc quan phục vào Triều và được Chúa cùng các đại thần niềm nở đón tiếp.
Ông mất năm 1673, thọ 95 tuổi, Chúa ban tên thụy là Văn Đẩu với hàm ý là tài năng, phẩm hạnh của ông như một ngôi sao sáng.
Đương thời Nguyễn Minh Triết được chúa Trịnh Tráng và Tể tướng Phạm Công Trứ đánh giá cao và nể trọng. Một Thám hoa nổi tiếng khác là Nguyễn Đăng Cảo đã nói về ông như sau: “Riêng một mình ông đã là cao lực hùng văn vượt lên một thời!”.
Cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú xếp Nguyễn Minh Triết vào hàng những “Nhà nho có đức nghiệp”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Trạng nguyên khoa bảng khoa cử nhẫn nại báo mộng