Trong cuộc sống hiện thực, một người nếu không có chuẩn tắc làm người thì sẽ vô cùng dễ bị những cám dỗ của hoàn cảnh bên ngoài và dục vọng của bản thân dẫn dụ, sống “nước chảy bèo trôi”, khó có thể giữ mình, đánh mất nhân tính, càng không thể mang trong mình ý chí lớn lao, không sợ vinh nhục. Cho dù người ấy nhìn bề ngoài như là kiên cường, vững vàng nhưng trên thực tế, thế giới nội tâm của người ấy lại vô cùng yếu ớt.

Có chuẩn tắc làm người trong tâm thì phẩm giá mới không bị hạ thấp
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Những người có trí tuệ lớn trên thế gian đều là những người trong tâm có chuẩn tắc. Những người ấy, dù ở trong nghịch cảnh vẫn thủ vững được lương tri đạo đức của mình, sống trong cảnh giàu sang phú quý mà không phóng túng. Người mà trong tâm giữ được chuẩn tắc là người thực sự có sức mạnh. Trong lịch sử có ghi chép lại rất nhiều ví dụ về những người có thể giữ được chuẩn tắc làm người trong tâm, cả đời sống quang minh lỗi lạc mà được lưu danh thiên cổ.

Yến Tử thời Xuân Thu là một ví dụ điển hình về gìn giữ phẩm giá. Một lần Yến Tử đang dùng bữa thì sứ giả của Tề Cảnh Công đến. Yến Tử đứng lên nghênh đón và mời vị Sứ giả cùng dùng bữa. Yến Tử chia một nửa phần ăn của mình cho Sứ giả dùng, kết quả là cả hai cùng ăn không đủ no.

Sau khi vị Sứ giả trở về liền mang câu chuyện kể lại cho Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công kinh ngạc nói: “Ôi chao! Không ngờ nhà của Tướng quốc lại nghèo như thế! Vậy mà xưa nay ta không hề biết, đây là lỗi của ta!

Thế rồi, nhà vua dùng một ngàn lượng vàng thu được từ tiền thuế chợ phái người đưa cho Yến Tử để Yến Tử tiếp khách. Yến Tử nói không cần dùng đến. Tề Cảnh Công ba lần phái người đi đưa tiền vàng cho Yến Tử nhưng cả ba lần ông đều kiên quyết từ chối.

Yến Tử thưa với Tề Cảnh Công:

“Thần không nghèo khổ, thần dựa vào bổng lộc của Quốc quân mà sống đã là ân huệ cho gia tộc, đủ để giao du quan hệ, sao có thể nhận tiền của bách tính nghèo khổ. Bổng lộc mà Quốc quân ban cho đã đủ dùng rồi!

Thần nghe nói, nhận châu báu của Quân chủ ban thưởng rồi mang nó bố thí cho bách tính là thay mặt cho Quân chủ lấy lòng dân. Người trung quân không làm như thế. Nhận châu báu của Quân chủ rồi lại không bố thí cho bách tính là ăn trộm ân điển của Quân chủ. Người nhân nghĩa không làm như thế. Trong nhà thần hiện cũng có vải vóc và lương thực đủ dùng. Tại sao thần phải nhận ban thưởng nhiều như thế?”

Tề Cảnh Công nghe Yến Tử nói như vậy, trong tâm vô cùng bội phục đức hạnh của ông.

Hứa Hành là một đại học giả đồng thời là danh thần triều nhà Nguyên. Trong “Nguyên sử” có ghi lại câu chuyện kể về ông. Khi Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt trị vì đất nước, Hứa Hành nhậm chức Tập hiền đại học sĩ kiêm chức Quốc Tử Giám tế tửu. Một lần, ông theo các đồng sự đến vùng ngoại ô du ngoạn. Bởi vì đúng vào hôm trời nắng nóng, mọi người lại chơi rất nhiều trò và nhiệt tình nên chẳng mấy chốc ai cũng thấy rất khát nước.

Vừa hay, ở bên đường có một cây lê cổ thụ rất lớn lại nhiều quả. Mọi người ai nấy đều nhanh chóng hái cho mình những quả lê to ngon nhất và thưởng thức. Chỉ duy nhất có Hứa Hành ngồi im lặng dưới gốc lê hóng mát. Nhiều người nhìn thấy Hứa Hành dửng dưng như vậy thì ngạc nhiên hỏi sao ông không hái lê ăn như mọi người. Hứa Hành thản nhiên đáp: “Thứ không phải của mình, không thể tùy tiện lấy”.

Hứa Hành trả lời như vậy, nhiều đồng sự của ông đều không tán thành, thậm chí ra sức phản đối. Có người nói: “Đây chẳng qua chỉ là một cây lê không có chủ mà thôi, vì sao không thể hái lê ăn chứ?”

Nhưng Hứa Hành vẫn nghiêm giọng nói: “Lê vô chủ nhưng tâm ta có chủ. Cây lê này cũng có thể thực sự không có chủ nhân, nhưng trong tâm chúng ta chẳng lẽ không có chủ nhân sao? Nhất định tùy tâm sở dục, lấy thứ không phải của mình là đúng sao?”

Hứa Hành mặc dù bị mọi người chế giễu châm chọc nhưng ông vẫn tự hạn chế được mình, thủ vững được chuẩn tắc làm người trong nội tâm. Ông cũng luôn chú trọng học tập, thấu hiểu đạo lý làm người, không để những cám dỗ về danh lợi mê hoặc, dốc lòng tu tâm dưỡng tính, cuối cùng trở thành một đại sư nổi danh trong lịch sử.

Cổ nhân có câu: “Tâm chính thân tất sẽ tự chính”. Trên đường đời nhân sinh, ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng có thể gặp những “trái lê” ấy, làm sao để chính được thân mình? Một người, chỉ khi trong tâm có chuẩn tắc, có chủ kiến mới hiểu được cách tự ước thúc bản thân, khống chế được dục vọng của bản thân, mới có thể giữ được lương tri và phẩm giá của mình. “Không phải của mình thì không lấy” vốn là đạo lý rất đơn giản nhưng lại là điều “biết thì dễ mà làm thì khó”.

Trong cuộc sống, có một số người nắm được một chút quyền lực thường không giữ được sự trong sạch, không chống lại được sự hấp dẫn của danh, lợi, tình, ra sức nghĩ cách để lấy được những thứ vốn không phải của mình. Dần dần, cuộc đời của họ bị mê lạc chính bởi dục vọng của bản thân mình. Một triết nhân từng nói: “Đời người không có bản nháp, ngày ngày đều là chính văn”. Vì vậy, tương lai của một người như thế nào thời thời khắc khắc đều được quyết định bởi cách sống của người ấy.

Chuẩn tắc đến từ cảm ngộ của bản thân một người đối với ý nghĩa của sinh mệnh. Nó cũng thể hiện ra đạo đức, sự thấu hiểu đạo lý làm người, đối nhân xử thế của người ấy. Người mà trong tâm có chuẩn tắc sẽ biết suy nghĩ làm thế nào để chịu trách nhiệm với chính sinh mệnh của mình, làm thế nào ra quyết định cho cuộc đời của mình, bản thân mình từ đâu mà đến, tương lai rồi sẽ đi về đâu? Họ hiểu được rằng bản thân mình muốn điều gì, không muốn điều gì, điều gì nên làm điều gì không. Người như vậy, đứng trước mỗi việc họ đều có cái nhìn chuẩn xác. Cuộc đời của người ấy cho dù không được thăng quan tiến chức hay danh vọng hơn người nhưng họ nhất định sống ung dung tự tại, quang minh lỗi lạc, được hậu nhân kính trọng và có tương lai tươi đẹp.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: