Cổ nhân dạy con làm người: Không có công không nhận lộc
- An Hòa
- •
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn nghe câu: “Tiền tài bất nghĩa là không thể lấy”. Trong “Lễ Ký. Khúc Lễ Thượng” cũng viết: “Lâm tài vô cẩu đắc, lâm nan vô cẩu miễn”, tức là khi đối mặt với tiền tài đừng tùy tiện lấy, khi gặp phải nguy nan đừng tham sống sợ chết.
Vì sao những người già ngày xưa dạy con cháu không có công không hưởng lộc, tiền tài là không được tùy tiện lấy? Đó là bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra. Thêm nữa, “không mất thì không được, được thì phải mất” là đạo lý bất biến trong thế gian. Vì vậy, nhận của cải phi nghĩa cũng chính là cách làm hao tổn phúc đức của bản thân mình.
Học giả thời Hoàng đế Đường Thái Tông, Khổng Dĩnh Đạt chú giải rằng: “Phi nghĩa nhi thủ, vị chi cẩu đắc”, tức là tài vật của cải không phù hợp với đạo nghĩa, thông qua thủ pháp bất chính mà đạt được thì đều gọi là lấy một cách cẩu thả, tùy tiện. “Tiền tài bất nghĩa” là câu nói có xuất xứ từ “Liệt Nữ Truyện. Tề Điền Tắc Mẫu truyện”. Trong đó viết: “Bất nghĩa chi tài, phi ngô hữu dã, bất hiếu chi tử, phi ngô tử dã” (tạm dịch: Tiền tài bất nghĩa là thứ ta không nên có, con cái bất hiếu không phải con ta). Về “tiền tài bất nghĩa”, trong sách sử có ghi lại câu chuyện mẹ Điền Tắc dạy con như sau:
Thời Chiến quốc, Điền Tắc nhậm chức Tể tướng nước Tề dưới thời vua Tề Tuyên Vương. Ông làm việc rất cần cù cẩn thận và công chính. Có một lần, quan lại cấp dưới đã biếu ông trăm dật vàng ròng. Ban đầu ông từ chối không nhận nhưng cuối cùng ngại làm tổn hại đến thể diện của người ta nên ông đã nhận.
Điền Tắc đem toàn bộ số vàng được biếu về và dâng tặng cho mẹ. Mẹ ông nhìn thấy rất nhiều vàng như vậy liền giận dữ nói: “Con làm Tể tướng 3 năm, bổng lộc không thể nhiều như thế được. Lượng vàng nhiều như vậy từ đâu mà ra? “
Điền Tắc lập tức quỳ gối, đáp rằng: “Số vàng này quả thực là do cấp dưới biếu tặng cho con!”
Mẹ của Điền Tắc nghiêm khắc nói:
“Mẹ nghe nói làm người trước tiên phải nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, phải làm được phẩm hạnh cao thượng, và giữ mình trong sạch, không dùng thủ đoạn bất chính mà đoạt được. Làm người phải thành thật không dối trá, không làm việc bất nghĩa, không lấy tiền tài bất nghĩa. Lời nói và việc làm phải thống nhất, tướng mạo phải tương xứng phù hợp.
Hiện giờ Quốc quân phong cấp cho con chức quan, ban cho con bổng lộc hậu hĩnh thì lời nói và việc làm của con phải báo đáp Quốc quân. Làm người bề tôi đối với Quốc quân thì phải giống như người con đối với cha vậy, đem hết khả năng, trung thành không lừa gạt, phụng mệnh cống hiến, liêm khiết công chính. Thế mà hành vi của con lại trái ngược lại, đánh mất sự trung thành.
Tiếp nhận hối lộ của kẻ dưới, ấy là tội lừa dối nhà vua, làm người bề tôi mà bất trung là giống như người con bất hiếu vậy. Tiền tài bất nghĩa là thứ mà ta không nên có. Người bất hiếu cũng không phải là con ta. Con hãy mau đứng lên đi đi!”
Điền Tắc nghe mẹ nói thế thì vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng ấy, còn lập tức đến triều đình tự thú nhận lỗi lầm, thỉnh xin nhà vua bãi chức Tể tướng của mình. Vua Tề Tuyên Vương nghe xong, hết sức tán thưởng đức hạnh của mẹ Điền Tắc, thấy tiền mà không tham.
Vua Tề Tuyên Vương sau đó đã hạ lệnh xá tội cho Điền Tắc và còn nói với quần thần: “Có hiền mẫu thì tất có hiền thần! Mẹ của quan Tể tướng có tài đức như thế, tác phong và uy tín của quan lại nước Tề ta chắc chắn sẽ minh bạch sáng sủa. Ta xá tội cho Tướng quốc”.
Sau đó, Vua Tề Tuyên Vương hạ chiếu ra lệnh cho cả nước học tập đức hạnh liêm chính và phương cách dạy con của mẹ Điền Tắc. Từ đó trở đi Điền Tắc nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, về sau trở thành một vị tướng quốc tài đức của nước Tề.
Trong “Kinh Thi” có câu: “Bỉ quân tử hề, bất tố sôn hề”, người quân tử không có công sẽ không ngồi ăn. Cổ nhân cho rằng, vô công mà nhận lộc là việc không thể làm, huống chi là nhận của cải bất nghĩa, của cải hối lộ? Đây đều là bài học cũng là những đạo lý soi sáng cho hậu nhân hàng ngàn năm qua.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trung thành Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa Đạo nghĩa đức hạnh