Sau trận Sơn Tây, cả quân Pháp và quân Thanh đều tăng cường binh lực của mình ở Bắc hà để chuẩn bị cho những cuộc chiến sắp tới.

Quân Pháp và quân Thanh tăng cường binh lực

Tin thất trận tại Sơn Tây khiến nhà Thanh hoảng hốt, quyết định tăng cường thêm quân vào miền bắc Đại Nam. Chỉ vài ngày sau trận Sơn Tây, tuần phủ Quảng Tây là Trương Thụ Thanh dẫn một đoàn quân lớn qua Lạng Sơn đến thành Bắc Ninh.

Tháng 1/1884, tướng Sầm Dục Anh dẫn theo 12.000 quân qua Lào Cai đến Hưng Hóa hội với quân Cờ Đen và quân Việt ở đây. Tổng số quân Thanh ở Bắc hà lên đến 50.000 quân.

Quân Pháp cũng tăng cường thêm quân ra Bắc hà, 3 tháng sau trận Sơn Tây số quân Pháp đến Bắc hà rất đông. Trung tướng Millot được cử làm Thống đốc quân vụ Bắc kỳ thay cho Courbet.

Trước tình hình quân Pháp và Thanh đều đưa thêm quân đến Bắc hà, chủ trương của nhà Nguyễn là: “Nước ta ở giữa hai nước lớn. Đối với nước Thanh thì nước ta là kẻ phiên phục ngàn năm, theo nghĩa không thể nào đoạn tuyệt. Mà đối với Pháp lại là nước xa lửa gần, thế buộc không thể dừng được, chi bằng cứ đứng trung lập, đợi hai bên hành động thôi.” (Theo “Đại Nam thực lục chính biên”).

Tháng 2/1884, quân Pháp lên kế hoạch đánh Hưng Hóa, nhưng do nước sông lúc này cạn ảnh hưởng đến việc tiến quân bằng đường thủy nên quân Pháp quyết định chuyển sang đánh Bắc Ninh.

Lực lượng phòng thủ Bắc Ninh

Bắc Ninh giữ một vị trí rất quan trọng, vừa là cửa ngõ đến Hà Nội, vừa có thể dễ dàng sang Trung Quốc. Thời đấy Bắc Ninh rất rộng lớn, gồm toàn bộ tỉnh Bắc Ninh ngày nay, gần hết tỉnh Bắc Giang, một phần Hà Nội, Lạng Sơn và Vĩnh Phúc.

Chỉ huy quân Thanh ở Bắc hà là Từ Diên Húc do tuổi cao nên ông chỉ ở Lạng Sơn, giao việc chỉ huy tác chiến cho thuộc tướng là Hoàng Quế Lan và Triệu Ốc. Tuy nhiên hai viên tướng này mâu thuẫn với nhau nên rất khó phối hợp. Tổng số quân Thanh phòng thủ Bắc Ninh là 20.000 quân, trong đó Triệu Ốc chỉ huy 10.000 quân ở phía ngoài, Hoàng Quế Lan chỉ huy 10.000 quân trong thành.

Chống Pháp
Pháo binh của quân Thanh. (Ảnh: Bác sĩ quân y Hocquard, Hinhxua.free.fr, Public Domain)

Dù có quân đông nhưng tổ chức quân Thanh rất kém, có pháo binh nhưng lại không tận dụng các cao điểm để đặt trận địa pháo ở xung quanh thành phố. Nếu các cao điểm này mà mất thì thành Bắc Ninh sẽ rơi vào tầm bắn của đại bác quân Pháp, nhưng tướng Hoàng Quế Lan vẫn lơ là.

Trong khi đó quân Cờ Đen sau trận Sơn Tây đã thu nạp thêm quân, nâng quân số lên ở mức 3.000 quân, tổ chức phòng thủ trên các ngọn đồi ngoài thành Bắc Ninh.

Sau thất bại ở thành Sơn Tây, Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản có phần nao núng nên cho quân rút khỏi thành đóng quân ở huyện Lỗi Đình (tức huyện Tiên Du ngày nay).

Còn Hoàng Kế Viêm cho quân đóng ở xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, không tham gia phòng thủ Bắc Ninh.

Như vậy lực lượng phòng thủ Bắc Ninh gồm có 20.000 quân Thanh và 3.000 quân Cờ Đen.

Thành Bắc Ninh ban đầu được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng được xây lại bằng đá ong, đến thời vua Thiệu Trị được xây lại bằng gạch. Thành được xây dựng ở nơi tiếp giáp 3 huyện là Đỗ Xá (huyện Võ Giàng ngày nay), Khúc Toại (huyện Yên Phong ngày nay) và Lỗi Đình (huyện Tiên Du ngày nay).

Chống Pháp
4 cửa thành đều có cầu đi qua hào. (Ảnh: Bác sĩ quân y Hocquard, Wikipedia, Public Domain)

Thành được xây 6 cạnh và có 4 cửa, có chu vi 532 trượng 3 thước 2 tấc, tường cao 9 thước. Xung quanh thành có hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước, 4 cửa thành đều có cầu đi qua hào. Ở 6 góc thành có phần nhô ra ngoài được đặt pháo đài phòng thủ.

Trận Bắc Ninh

Quân Pháp chia quân làm hai cánh do hai lữ đoàn tấn công: Lữ đoàn thứ nhất do thiếu tướng Brière de l’Isle chỉ huy tiến qua sông Hồng, rồi theo sống Đuống đi về phía đông. Cánh thứ hai do thiếu tướng De Négrier ở Hải Dương đi tàu đến đánh chiếm Phả Lại rồi lên bộ hội với cánh quân thứ nhất, rồi theo hai đường thủy bộ hỗ trợ nhau cùng tiến.

Tổng số quân Pháp là 16.300 quân cùng 55 khẩu đại bác và 6 tàu chiến. Đặc biệt lần này quân Pháp có thêm khinh khí cầu để quan sát trận địa. Thấy quân Thanh tập trung phòng thủ dọc theo đường cái quan ở hướng tây, nên quân Pháp tránh theo đường này.

Ngày 20/2, quân Pháp tiến đánh Phả Lại, đây là vị trí xung yếu vì có sông Cầu, sông Đuống và sông Lục Nam hội tụ nhau.

Thấy hướng đông bị đe dọa, quân Thanh vội cho quân phản kích suốt 2 tuần liền nhưng không lấy lại được vị trí xung yếu này.

Ngày 6/3, Lữ đoàn 1 của Pháp tập kết ở sông Hồng, rồi dùng phà vượt sông, theo phía nam con kênh ở sông Đuống nhằm tránh bị quân Thanh phát hiện. Lữ đoàn 2 của Pháp từ Phả Lại theo bờ nam sông Cầu, đánh tan quân Thanh ở Yên Định, rồi tiến đến Xuân Hòa.

Lữ đoàn 2  hội quân với Lữ Đoàn 1 ở Làng Chì (tức gần chợ Chì trong bản đồ), chuẩn bị tiến đánh vào Quảng Ninh từ hướng đông nam.

Lữ đoàn 1 tiến quân nhưng bị chặn lại ở phòng tuyến Lãm Sơn Nam (núi Lãm Sơn thuộc xã Lãm Sơn huyện Quế Võ). Quân Pháp liền cho 4 đại đội ở đây nhằm ghìm chân quân Thanh, còn lại luồn bụi tre theo đường khác đến làng Xuân Hòa. Nhưng tại đây quân Pháp cũng bị chặn lại bởi hệ thống hàng rào rậm rạp, cùng tường đất cắm nhiều chông tre.

quân Pháp và quân Thanh
Quân Thanh dựng chiến lũy tập trung phòng thủ dọc theo đường cái quan ở hướng tây, nên quân Pháp tránh theo đường này mà tấn công ở hướng đông nam. (Tranh: L. Huard, La guerre du Tonkin, Wikipedia, Public Domain)

Cuộc chiến tại Xuân Hòa rất ác liệt, quân Pháp dùng đại bác trút hỏa lực vào nơi đây, rồi cho quân lội qua đồng ruộng. Nước ngập tận thắt lưng, quân Pháp bí mật đến sát quân Thanh mới nhả đạn, sau một cuộc hỗn chiến quân Thanh phải rút chạy.

Lữ đoàn 1 tiến đánh quân Thanh ở làng Trung Sơn, khinh khí cầu giúp quân Pháp nắm được cách bài trí lực lượng của quân Thanh. Sau khi dội pháo kích, quân Pháp tấn công, quân Thanh chống cự yếu ớt rồi tháo lui.

Tới trưa ngày 12/3, quân Pháp chiến được các cao điểm phía ngoài. Đại bác được đưa vào các cao điểm bắn vào thành Bắc Ninh, khinh khí cầu giúp quân Pháp bắn chính xác khiến quân Thanh hoảng loạn.

quân Pháp và quân Thanh
Bản đồ tấn công của quân Pháp. (Tranh: Lưu Ly/Wikipedia, CC BY 3.0)

Lữ đoàn 2 của Pháp tiến đánh đồn Đáp Cầu cùng các đồn khác ở xung quanh. Đồn Đáp Cầu giữ vị trí then chốt vì trấn giữ đường đi Lạng Sơn để về nước, quân Thanh ở Đáp Cầu lo chạy về Lạng Sơn trước khi quân Pháp chặn mất con đường này. Quân Pháp nhanh chóng chiếm được Đáp Cầu cùng các đồn khác, đặt pháo lên các cao điểm bắn vào quân Thanh. Quân Thanh ở các nơi hoảng loạn vượt sông Cầu chạy trốn đến Thái Nguyên. Quân Pháp tiến vào được thành Bắc Ninh.

Tướng nhà Thanh là Sầm Dục Anh ở Hưng Hóa hay tin Bắc Ninh nguy nhưng vẫn án binh bất động không đưa quân đến cứu viện.

quân Pháp và quân Thanh
Quân Pháp đặt đại bác trên các cao điểm bắn vào Bắc Ninh, Quân Thanh ở các nơi hoảng loạn vượt sông Cầu chạy trốn đến Thái Nguyên. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trận Bắc Ninh diễn ra rất nhanh, Lưu Vĩnh Phúc hay tin quân Thanh gặp nguy, liền đưa quân sang ứng cứu, nhưng đến nơi thì thành Bắc Ninh đã mất rồi. Lưu Vĩnh Phúc liền dẫn quân đến Hưng Hóa.

Thất bại nhục nhã khiến nhà Thanh rất giận dữ và xử tội các tướng chỉ huy rút chạy khiến thua trận. Tướng chỉ huy quân Thanh ở Bắc hà là Từ Diên Húc bị đưa về Tử Cấm Thành xử tội và chết trong ngục, 2 tướng chỉ huy bị chặt đầu, tướng Hoàng Quế Lan bị xử uống thuốc độc chết.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: