Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P3)
- Trần Hưng
- •
Dù ngăn được quân Pháp, nhưng phía Liên quân với lực lượng chủ yếu là quân Cờ Đen bị thương nhiều trước hỏa lực của quân Pháp, vì thế quân Cờ Đen quyết định rút về phòng tuyến thứ 2 là các bức tường được dựng ở ngay phía ngoài thành Sơn Tây.
Lực lượng giữ thành Sơn Tây
Thành Sơn Tây ở giữa thị xã Sơn Tây, có chu vi 326 trượng, cao 1 trượng 1 thước. Thành có 8 cạnh thành bát quái, có những chỗ lồi ở tường thành để đặt pháo phòng thủ.
Bác sĩ quân y Charles Edouard Hocquard trong hồi ký của mình đã mô tả thành Sơn Tây như sau:
“Thành trì Sơn Tây nằm giữa trung tâm thành phố, cách Sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào đầy nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành. Những người An Nam gọi đường đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30m, bố trí nhiều lỗ châu mai. Cửa ra vào thành trì được đặt bên sườn tháp bán nguyệt tại điểm tiếp giáp với tường thành. Cây cầu bằng gạch bắc qua hào nước, không được bố trí ngay trước cửa ra vào mà được xây dựng vào khoảng giữa tháp. Đó là kiểu bố trí thông minh về phương diện phòng thủ: sau khi những kẻ tấn công qua được cầu, mà lối lên cầu có một cửa làm bằng những thanh gỗ lớn chắn ngang, bắt buộc họ phải men theo bức tường bán nguyệt của tháp bằng đường voi đi (tượng đạo) trước khi đến được cửa thành. Họ có thể bị những người đứng trên tường thành giết chết ở cự ly gần mà hầu như không thể chống trả được.”
Khi vào thành Sơn Tây, phía Liên quân đột nhiên tan rã, dù quân Pháp chưa đến nhưng 1.500 quân nhà Thanh đột nhiên không muốn tham gia và lần lượt rút đi. Hoàng Kế Viêm cho quân đến đóng ở đền Và (sát làng Vân Gia) và nói rằng sẵn sàng đưa quân trợ giúp thành Sơn Tây, nhưng thực tế suốt 3 ngày đêm giao tranh Hoàng Kế Viêm không hề đưa quân hỗ trợ. Dù là người thuộc phe chủ chiến, kháng lệnh Vua chống Pháp, nhưng không rõ vì sao khi vào trận đánh cụ thể này thì vai trò của Hoàng Kế Viêm trở nên rất mờ nhạt.
Cuối cùng ở lại thành Sơn Tây chỉ còn 3.000 quân Cờ Đen cùng quân Việt của Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Đình Nhuận.
Quân Pháp tấn công thành Sơn Tây
Quân Pháp bị thiệt hại nhiều nhưng cũng không tiến được, nên sau khi quân Cờ Đen rút về phòng tuyến thứ 2, các chỉ huy quân Pháp họp bàn kế hoạch đánh thành. Nhận thấy pháo trong thành nạp đạn qua nòng và gắn chặt vào bệ nên không xoay chuyển được, mà số pháo này tập trung hỏa lực ở phía bắc và phía đông, quân Pháp cho một bộ phận tấn công vào phía bắc và phía đông của thành nơi có chiến lũy đê La Thành nhằm thu hút quân phòng thủ kéo đến đây. Trong khi đó, một cánh quân Pháp khác sẽ bí mật đánh vào phía tây của thành.
Quân Pháp tấn công vào phía bắc và phía đông của thành, quân Cờ Đen bị hút về hướng này, trong khi cánh quân khác của Pháp bí mật tiến đến thành theo phía tây.
Khi cánh quân tiến đánh từ phía tây đã đến sát phòng tuyến thứ hai, để đảm bảo quân Cờ Đen phải kéo hết sang phía bắc và phía đông, 9 giờ sáng ngày 16/12, quân Pháp tập trung hỏa lực bắn vào cửa bắc và cho quân tiến đánh chiến lũy La Thành.
Đến 11 giờ ngày 16/12, cánh tiến công chính của quân Pháp mới công phá phía tây, rồi cho quân nhanh chóng tấn công. Đến 17 giờ thì cửa tây của thành đã bị đại bác quân Pháp phá hủy.
Hồi ký của bác sĩ quân y Charles Edouard Hocquard ghi chép rằng: “Chúng tôi đi xem cửa Tây của thành Sơn Tây, đội quân Lê Dương đã qua cửa này trước tiên, cửa này gần như bị phá hủy hoàn toàn.”
Quân Pháp tràn qua cửa phía tây vào thành Sơn Tây. Các bệ pháo trong thành không xoay sang hướng tây để bắn được, nên Liên quân phải dùng súng bộ binh vốn thô sơ hơn quân Pháp, dù thế sự quyết tâm của quân thủ thành khiến quân Pháp phải chùng xuống.
Đích thân Courbet cùng đại tá Bichot, các Trung tá Berlin và Revillon xuất hiện động viên binh lính cùng tiến lên. Đại úy Mehi cùng một số binh lính Pháp trúng đạn tử trận, quân Pháp tiến dần vào phía trong thành Sơn Tây.
Lúc này quân thủ thành bị thiệt hại và thương vong nhiều, bản thân Lưu Vĩnh Phúc cũng bị thương ở tay. Nhận thấy nếu tiếp tục chống giữ thì thiệt mạng binh sĩ mà không thể giữ được thành, Lưu Vĩnh Phúc liền cho quân rút lui đến Hưng Hóa.
Phía Liên quân bị mất 1.000 quân, riêng trong thành Sơn Tây bị mất 873 quân (theo Việt sử tân biên).
- (Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa quân Pháp chiến tranh Việt Pháp lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn