Đà Nẵng: Thành phố bên sông Hàn
- Thanh Phong
- •
Đà Nẵng – thành phố dưới ánh đèn đêm nghiêng mình soi bóng bên dòng sông Hàn thơ mộng. Những cảnh đẹp nên thơ, những công trình tín ngưỡng, những lễ hội mang đậm nét văn hóa vùng miền, những con người xứ Quảng chân chất… đã làm nên một Đà Nẵng thật khó quên.
Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền Trung, trên trục đường bộ đường sắt Bắc – Nam. Phía Bắc giáp Thừa Thiên Huế, Phía Tây và Nam giáp Quảng Nam, Phía Đông giáp biển. Địa hình khu vực này cũng khá đa dạng. Phía Bắc là đèo Hải Vân. Phía Tây Bắc là vùng núi cao thuộc huyện Hòa Vang. Phía Đông là bán đảo Sơn Trà với những bãi tắm tuyệt đẹp chạy dài cho đến bãi biển Non Nước. Phía Nam có ngọn núi Ngũ Hành Sơn.
Địa danh đẹp của thành phố
Với địa hình được thiên nhiên ưu đãi, Đà Nẵng có nhiều cảnh đẹp sông núi, nước non hùng vĩ.
Sông Hàn vốn đẹp và nên thơ, lại càng đẹp khi đêm về, để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai. Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc mà người dân kéo đến sông Hàn đón gió từ khơi xa. Gió sông lồng lộng, phủ kín không gian, khiến người dân xứ Quảng quên đi cái nắng nóng của miền Trung.
Cây Cầu Hàn, cây cầu dây văng sừng sững là thế, mà đêm về mới mềm mại làm sao. Ánh đèn cao áp lung linh ánh nước càng làm cho sông Hàn duyên dáng, kỳ diệu.
Vào những đêm trăng sáng, sông Hàn óng ánh như được dát một lớp bạc trắng xóa. Ánh trăng chùm lên vạn vật mờ mờ tỏ tỏ. Những vật thân quen giờ bỗng trở nên xạ lạ trong ánh trăng khuya. Trong không gian yên tĩnh của trời đêm, nghe đâu đó vẳng vẳng tiếng mái chèo khua làn nước, tiếng nước vỗ nhẹ mạn thuyền.
Cuộc sống người dân nơi đây cũng nhẹ nhàng trôi đi êm đềm như dòng nước sông Hàn, vẫn chảy đều qua năm tháng…
Làng đá mỹ nghệ Non Nước được ông Huỳnh Bá Quát, người gốc Thanh Hóa tạo lập vào thể kỷ XVIII. Từ một khối đá, qua bàn tay tâm huyết của người nghệ nhân, trở thành một tác phẩm có hồn mang theo hơi thở của cuộc sống. Từ nhát đẽo của người nghệ nhân, đã tạo nên những con vật thân quen, những hình ảnh làng quê làm say đắm lòng người.
Làng cổ Phong Nam nằm ngay gần quốc lộ 1A, thuộc xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía Tây Nam khoảng chừng 10 km đường lái xe. Làng cổ Phong Nam hiện ra với khung cảnh đồng lúa xanh bát ngát trải dài thẳng cánh cò bay; những luỹ tre làng xanh mướt, toả bóng mát cho con đường đất mộc mạc. Những cây tre rì rào, vi vu trong gió như đang cất tiếng hát và luôn dẻo dai tràn đầy nghị lực sống như những người dân của vùng đất Miền Trung cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Phong Nam càng trở nên thanh bình với những ngôi nhà giản dị, đơn sơ. Tất cả những hình ảnh đó, đã làm nên một bức tranh làng cổ yên bình, mà cái hồn của nó chính là những nét đặc trưng không thể phai mờ của làng quê Việt Nam.
Hải Vân Quan còn có tên là Ải Vân. Đây là đoạn đèo uốn lượn trải dài theo sườn núi Hải Vân, dài trên 20km, từ vịnh Lăng Cô, Thừa Thiên Huế đến quận Linh Chiểu, Đà Nẵng. Hải Vân là ngọn đèn cao nhất Việt Nam. Hải Vân hiểm trở, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi non như một bức tường thành dựng đứng. Ngọn đèo này là bức tường thành quan trọng như một lá chắn, chắn gió từ phương Bắc thổi về. Nhờ vậy, Đà Nẵng quanh năm ấm áp và không bị ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc.
Ngũ Hành Sơn là cụm gồm 5 ngọn núi hoa cương cao, nằm sừng sững bên bờ Biển Đông, quanh năm lộng gió. Những ngọn núi này nằm sát bờ biển nên được người dân gọi là núi Non Nước.
Đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long du ngoạn qua đây, cảm phục trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa, nhà vua đã đặt tên cho cụm núi này là Ngũ Hành Sơn và đặt tên cho từng ngọn núi theo thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, ngọn núi đẹp nhất là núi Thủy Sơn với 108 bậc để lên đỉnh và ngắm nhìn dòng Trường Giang hiền hòa uốn lượn từ Vọng Giang Đài về biển.
Ngũ Hành Sơn cũng có nhiều hang động kỳ bí tạo nên những khung cảnh kỳ vĩ như: động Huyền Không, Hóa Nghiêm, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Quan Âm, Huyền Vi…. Trên đỉnh núi còn có những ngôi chùa cổ như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng gắn liền với những truyền thuyết linh hiển xa xưa.
Xem thêm: Phố cổ Hội An: Ánh đèn lồng lấp lánh bên dòng sông Thu Bồn
Động Huyền Không nằm bên phải, phía sau chùa Thiên Thai. Ở ngay cửa động có hai pho tượng ông Thiện và Ác đứng uy nghi.
Bãi biển Non Nước nằm liền kề với dãy Ngũ Hành Sơn, giáp bãi biển Bắc Mỹ An, phía Nam giáp biển Điện Ngọc. Bãi biển Non Nước với dải cát trắng mịn chạy dài, có dốc thoai thoải, sóng êm, bốn mùa nước trong xanh.
Núi Bà Nà, cùng với núi Ngũ Hành Sơn và núi Sơn Trà, là một trong những ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng. Ngọn núi này với diện tích 2,6 ha, thuộc huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng 38 km về phái Tây Nam. Trung tâm Bà Nà là đỉnh núi Chúa, với độ cao 1478 m so với mực nước biển. Bà Nà có những cánh rừng nguyên sinh, những hệ động thực vật phong phú. Đường đi quanh co gấp khúc, nhưng trên đỉnh bằng phẳng như một cao nguyên thu nhỏ.
Nói về Bà Nà có người cho rằng chữ “Bà” chỉ những thành tố to lớn, linh thiêng, chữ “Nà” chỉ khu đất rộng bằng phẳng trên đỉnh núi. Nhưng cũng có cách giải thích khác, Bà Nà chỉ tên gọi tắt của bà Pô Nagar tức là thiên y A na Thánh Mẫu. Như vậy Bà Nà có liên quan đến vùng đất xưa vốn thuộc về Chăm Pa.
Ở Bà Nà một ngày bạn cảm nhận được 4 mùa: sáng mùa Xuân, trưa mùa Hạ, chiều mùa Thu với những ánh nắng vàng óng, tối mùa Đông với tiết trời se lạnh. Bà Nà có những thắng cảnh rất đẹp, những đồi cây thông xanh ngắt, những dòng suối, thác cầu vồng, đồi Vọng Nguyệt và đặc biệt, đỉnh núi luôn được mây bao phủ trắng muốt.
Xem thêm: Cố đô Huế; Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt
Các công trình tín ngưỡng
Đà Nẵng có các ngôi chùa để trấn giữ bốn phương. Nói đến kiểu kiến trúc này thì cũng không chỉ có mình Đà Nẵng.
Hà Nội có “Thăng Long Tứ Trấn” gồm Đền Bạch Mã ở Phía Đông (thờ Thần Long Đỗ), Đền Voi Phục ở phía Tây (thờ Linh Lang Đại Vương), Đền Quán Thánh ở phía Bắc (thờ Thánh Trấn Vũ) và Đền Kim Liên ở phía Nam (thờ Cao Sơn Đại Vương).
Ninh Bình có “Hoa Lư tứ trấn” với Đền Thần Thiên Tôn ở phía Đông, Đền Thần Cao Sơn ở phía Tây, Đền Đức Thánh Nguyễn ở phía Bắc và Đền Thần Quý Minh ở phía Nam.
Đà Nẵng có “Đà Thành Tứ Trấn”, gồm 4 ngọn núi bao quanh tại 4 hướng. Trên các ngọn núi đều có các ngôi chùa, rất có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tâm linh. Thực tế, tạo hóa đã khéo xếp đặt cả 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc của Đà Nẵng đều là những bức tường thiên nhiên hùng vĩ bao bọc thành phố. Trấn Nam có Ngũ Hành Sơn là 5 ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trấn Đông có bán đảo Sơn Trà. Trấn Tây có núi Bà Nà. Trấn Bắc có đèo Hải Vân. Cùng với ý nghĩa “Mọi tâm nguyện đều được ứng nghiệm”, như một ước nguyện về một cuộc sống yên bình cho người dân Đà thành, cái tên Linh Ứng đã được lấy để đặt cho ba ngôi chùa tại Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà và núi Bà Nà. Trong đó, ngôi chùa Linh Ứng đầu tiên được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1780) tại Ngũ Hành Sơn. Một ngôi chùa khác đang được xây dựng ở chân đèo Hải Vân – được xem là “ẩn số” cuối cùng tại trấn Bắc.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác.
Phổ Đà Sơn là ngôi chùa duy nhất ở Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Cuối hòn Dương Hỏa Sơn, về phía Tây, ở lưng chừng núi có một cái hang được thông xuyên suốt từ sườn phía Bắc sang sườn phía Nam. Đó là hang Phổ Đà Sơn. Khi đứng đây bạn có thể quan sát được cả sườn Bắc và Nam. Tại đây, phong cảnh rất u tịch. Trong hang có một ngôi chùa nhỏ tên là Phổ Đà Sơn. Ngồi chùa được ẩn kín trong hang nên cũng không lớn lắm. Trong chùa, thờ Phật Thích Ca. Tượng Phật được tạc bằng đá, hai bên là hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.
Chùa Pháp Lâm nằm ở số 500, đường Ông Ích Khiêm. Chùa Pháp Lâm do một nhóm cư sĩ chi hội Đà Nẵng đứng ra xây dựng năm 1936, trên diện tích đất 3000 m2. Chùa xây dựng theo kiến trúc Á Đông. Năm 1970, chùa đã được trùng tu. Trước đây, chùa là cơ sở của chi hội An Nam Phật học tại Đà Nẵng. Từ năm 1975, chùa là trụ sở của tỉnh hội phật giáo Đà Nẵng.
Chùa Tam Bảo tọa lạc ở số 323 Phan Chu Trinh. Chùa được xây dựng từ năm 1953 đến 1963 và được trùng tu thành ngôi chùa lớn hơn vào năm 1990. Chùa có năm ngọn tháp cao vút do những người thợ tay nghề cao Đà Nẵng làm nên, tạo ra năm màu sắc biểu tượng của Phật giáo. Chùa chỉ thờ một vị phật tổ duy nhất. Ngoài ra, trong chùa còn có tủ để các loại kinh sách và bên dưới tháp chùa là nơi cất giữ xá lợi Phật.
Lễ hội Đà Nẵng
Đà Nẵng nằm trên vùng đất cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cách đây khoảng 3000 năm. Những cư dân ban đầu chính là người Chăm Pa. Họ đã dựng nên một nhà nước Chăm Pa phát triển rực rỡ và còn lưu lại nhiều nét văn hóa đặc sắc cho đến ngày nay. Một trong những nét văn hóa ấy phải kể đến là các lễ hội dân gian.
Lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức tại núi Ngũ Hành Sơn, có các nghi thức như rước ánh sáng, rước kiệu, dâng hoa, lễ cầu nguyện. Đây là lễ hội lớn để dân cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội cũng là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với trời đất, gìn giữ các giá trị đạo đức và khôi phục lại những nét văn hóa dân gian.
Lễ hội Cá Ông hay còn gọi là lễ tế cá Voi, đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân vùng ven biển Đà Nẵng. Thờ Cá Ông ở đây không chỉ thể hiện sự tôn kính với Thần linh mà còn cầu mong sự thịnh vượng của làng cá. Lễ hội cá Ông diễn ra hai ngày vào trung tuần tháng ba âm lịch. Ngày đầu, các nhà đều bày hương án để tế lễ. Lễ cầu an được tổ chức vào ban đêm tại làng. Sáng hôm sau, dân làng làm lễ rước trên biển, có dàn nhạc dân tộc trình diễn, hát bội. Trong hai ngày diễn ra lễ hội, các tàu bè đều tập trung về vùng biển để tham gia.
Ẩm thực
Nhắc tới Đà Nẵng, không thể không nói tới các món ăn nổi tiếng như mì Quảng, bún chả cá, bánh tráng thịt heo… Thực khách tới đây có thể cảm nhận mùi vị ẩm thực của người Đà Nẵng qua các món ăn đậm chất Quảng.
Mì Quảng: Khỏi phải nói thì ai cũng biết mì Quảng là món nổi danh bậc nhất của Đà thành. Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì. Đặc biệt, hầu hết các quán mì Quảng đều tự làm sợi mì ngay tại quán. Bán đến đâu làm đến đó. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn.
Thực khách trộn đều tất cả nguyên liệu vào một tô, ăn khô. Kèm theo là tô nước lèo, được ninh từ xương heo ngon cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu đẹp mắt. Mì Quảng ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí, bắp chuối thái mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.
Bún chả cá: Thực ra, cứ đến miền Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng thật đặc biệt. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh. Chỉ mới ngửi hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo đã khiến cho bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…
Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm dấm đường. Vị chua chua, ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay cay của ớt, tỏi khiến người ăn có những dư vị không thể nào quên.
Bánh tráng thịt heo: Đây cũng là món ăn nổi tiếng của Đã Nẵng. Không đòi hỏi chế biến cầu kì, nhưng những nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá đỗ, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát…
Tuyệt chiêu của món này phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm nêm. Một món ăn đơn giản mà hương vị hoàn hảo.
Đà Nẵng – thành phố bên dòng Hàn Giang hẳn sẽ mang đến những dư vị thật khó tả. Từng chút, từng chút một đi vào lòng người là những nét đẹp tĩnh lặng của dòng sông đêm, hùng vĩ của núi non, bình dị của làng quê cổ, bình an của những ngôi chùa linh thiêng và không kém phần thú vị của những món ngon không lẫn vào đâu được của người Đà thành.
Thanh Phong
Xem thêm:
Từ khóa Đà Nẵng Văn hóa vùng miền Chăm Pa