Phố cổ Hội An: Ánh đèn lồng lấp lánh bên dòng sông Thu Bồn
- Thanh Phong
- •
Từng là một thương cảng sầm uất bậc nhất vùng Đông Nam Á, Hội An đã mở lòng đón nhận những nét văn hóa độc đáo của nhiều miền đất khác nhau. Và chính điều đó đã tạo nên một Hội An tuyệt mỹ…
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18.
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố là những công trình kiến trúc tôn giáo, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển với những thăng trầm. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn giao thoa văn hóa và được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Khu đô thị cổ Hội An nằm gần cửa sông Thu Bồn, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Dù vậy ngày nay, khoảng cách từ trung tâm thành phố đến cửa sông cũng không còn gần lắm. Hạ lưu sông Thu Bồn khi đổ ra biển Đông được chia thành nhiều nhánh. Nhánh tiếp xúc với khu phố cổ mang tên sông Hội An, còn dòng chảy giữa hai cồn Cẩm Nam và Cẩm Kim là dòng chính của sông Thu Bồn. Trên những bản đồ cổ thế kỷ 17, 18, Hội An nằm bên bờ Bắc của sông Thu Bồn, thông với biển Đông bẳng cửa Đại Chiêm, và một dòng sông nối với cửa Đại của Đà Nẵng, phía ngoài là một doi cát rộng.
Lịch sử của phố cổ Hội An
Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16, thời kỳ Việt Nam nằm dưới sự trị vì của nhà Lê. Sau bao thăng trầm biến động của lịch sử, Hội An được mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó.
Do đặc điểm các mặt hàng ở Trung Quốc thời đó vẫn bị cấm xuất khẩu sang những nước như Nhật Bản, nên những nước này bắt buộc phải giao thương qua nước thứ ba. Cảng Hội An là một trong những vị trí thích hợp để mua hàng từ Trung Quốc về. Vào năm 1567, triều đình nhà Minh của Trung Quốc từ bỏ chủ trương bế quan tỏa cảng, cho thuyền buôn vượt biển giao thương với các quốc gia vùng Đông Nam Á, những vẫn không buôn bán với Nhật.
Hội An phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17, đặc biệt là trong buôn báo giao thương với Trung Quốc, Nhật Bản. Các thuyền Nhật Bản và Trung Quốc giao lưu tấp nập mang những mặt hàng phong phú tới nơi đây.
Một đặc điểm nữa góp phần làm cho Hội An phồn thịnh là các thương nhân người Hoa. Khác với người Nhật, những người Hoa biết đến Hội An từ rất sớm, ngay từ thời vùng đất này còn thuộc về vương quốc Chăm Pa. Đến thời kỳ người Việt thay thế người Chăm, những thương nhân Trung Hoa vẫn tiếp tục tới buôn bán vì các tỉnh miền Nam của Trung Quốc rất cần các mặt hàng muối, vàng, quế… Mặc dù vậy, trong suốt thời kỳ tiền Hội An, người Hoa chỉ tới buôn bán rồi trở về, không ở lại định cư, lập phố xá. Sau thế kỷ 17, rất nhiều người Hoa di cư tới Trung Bộ Việt Nam và xây dựng nên nhiều cộng đồng Minh Hương Xã.
Năm 1695, sứ giả người Anh Thomas Bowyear của Công ty Đông Ấn Anh đến đàm phán với chúa Nguyễn về việc xây dựng một khu cư trú tại Hội An. Việc thương thảo tuy không thành, nhưng cũng đã để lại một ghi chép:
“Khu phố Faifo này có một con đường nằm sát với sông. Hai bên đường có khoảng 100 ngôi nhà xây dựng san sát nhau. Ngoại trừ khoảng bốn năm ngôi nhà là của người Nhật còn lại toàn bộ là của người Hoa. Trước kia, người Nhật đã từng là cư dân chủ yếu của khu phố này và là chủ nhân phần lớn của các hoạt động thông thương ở bến cảng Hội An. Bây giờ, vai trò thương nghiệp chính đã chuyển sang cho người Hoa. So với thời kỳ trước thì không được sầm uất, nhưng hàng năm ít nhất cũng có từ 10 đến 12 tàu của các nước Nhật Bản, Quảng Đông, Xiêm, Campuchia, Manila, và có cả tàu của Indonesia cũng đến cảng thị này”.
Xem thêm: Ninh Bình: Dấu ấn còn lại của nước Đại Cồ Việt xưa
Kiến trúc truyền thống độc đáo
Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thời gian, Hội An vẫn còn lưu giữ được khá nhiều công trình có giá trị nghệ thuật đặc sắc như nhà cổ, đền đài, miếu. Kiến trúc nơi đây là giao thoa của nhiều nền văn hóa: Trung, Pháp, Việt truyền thống.
Đô thị cổ Hội An ngày nay được xem như một tổ hợp công trình kiến trúc độc nhất vô nhị. Những ngôi nhà cổ trên 300 năm với kiến trúc xây dựng vào thế kỷ 16, 17 vẫn còn được nguyên vẹn. Bên cạnh đó, Hội An còn mang nét độc đáo của một thương cảng từng sầm uất bậc nhất vùng Đông Nam Á.
Kiểu nhà ở phổ biến ở Hội An chính là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khuôn viên trung bình của các ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4 đến 8 mét, chiều sâu khoảng 10 đến 40 mét. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Có thể nhận thấy đây là một sản phẩm kiến trúc mang tính văn hóa khu vực.
Bên cạnh những ngôi nhà cổ. Đường phố ở khu phố cổ này ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ.
Bên cạnh khu phố cổ, nhắc đến Hội An thì không thể không nhắc đến những công trình kiến trúc như: chùa, đền miếu, nhà thờ tộc, hội quán.
Hội An từng là một trung tâm của Phật giáo sớm với đa số các ngôi chùa theo dòng Tiểu thừa. Nhiều ngôi chùa ở đây có niên đại khởi dựng khá sớm, nhưng hầu hết kiến trúc gốc đã bị thay đổi, thậm chí mai một qua những biến thiên của lịch sử và những lần trùng tu.
Ngôi chùa sớm nhất được biết đến là chùa Chúc Thánh, tương truyền có gốc gác từ năm 1454, nằm cách trung tâm khu phố cổ khoảng 2 km về phía Bắc. Nơi đây vẫn lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký liên quan đến quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo. Ngoại ô khu phố cổ còn nhiều ngôi chùa khác như Phước Lâm, Vạn Đức, Kim Bửu, Viên Giác… mang niên đại muộn hơn.
Cũng như nhiều địa phương khác của Việt Nam, các dòng họ đều có nơi thờ cúng tổ tiên, được gọi là miếu tộc hay nhà thờ họ. Đây là một dạng kiến trúc nhà thờ đặc biệt của những dòng họ lớn có công lập làng dựng phố từ thời kỳ sơ khai của Hội An. Nhà thờ họ được truyền lại cho con cháu làm nơi thờ tự tổ tiên. Vì là nơi thờ tự nên nhà thờ họ được xây dựng theo dạng khuôn viên, có bố cục và kết cấu chặt chẽ, bao gồm cả sân vườn, cổng, tường rào, nhà phụ… Nhiều nhà thờ họ ở đây có quy mô và kiến trúc rất đẹp, như nhà thờ họ Trần, nhà thờ họ Trương, nhà thờ họ Nguyễn hay nhà thờ Tiền hiền Minh Hương.
Một trong những đặc tính nổi trội của người Hoa là bất cứ nơi cư trú nào của họ ở ngoại quốc đều có các hội quán. Đây là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng dựa trên cơ sở những người đồng hương. Tại Hội An ngày nay vẫn tồn tại 5 hội quán tương ứng với 5 bộ phận dân cư Hoa kiều lớn ở đây: Phúc Kiến, Trung Hoa, Triều Châu, Quỳnh Phủ và Quảng Đông. Các hội quán này có quy mô khá lớn, đều nằm trên trục phố Trần Phú và thống nhất hướng chính ra sông Thu Bồn.
Các hội quán đều được trang trí cầu kỳ, tỷ mỷ với bộ khung gỗ được chạm trổ, sơn son thếp vàng, phần mái tô điểm các con thú bằng sành tráng men nhiều màu. Ngày nay, các hội quán tuy đã bị thay đổi sửa chữa nhiều, nhưng bộ khung gỗ vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố gốc.
Một nét độc đáo khác ở Hội An là chiếc cầu cổ duy nhất còn lại mang tên Chùa cầu, hay còn gọi là cầu Nhật Bản. Cây cầu này dài khoảng 18 mét, bắc qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Theo sự tích kể lại thì cầu Nhật Bản được xây dựng vào năm 1593. Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ năm 1630, cái tên “Hội An kiều” và hình ảnh một cây cầu có mái đã xuất hiện. Nhà sư Thích Đại Sán cũng nhắc tới cái tên “Nhật Bản kiều” trong cuốn Hải ngoại ký sự năm 1695.Trải qua rất nhiều lần trùng tu, hình dáng cây cầu đã bị thay đổi nhiều, dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào thế kỷ 18 và 19. Những trang trí bằng mảnh sứ tráng men hay đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.
Ở mỗi đầu cầu, hai bên lối đi đều có hai bức tượng thú, một bên tượng khỉ, bên kia tượng chó. Các tượng đều được chạm bằng gỗ mít trong tư thế ngôi chầu, phía trước mỗi tượng có một bát nhang. Theo truyền thuyết, con thủy quái Mamazu có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân ở Việt Nam. Mỗi khi nó cựa mình sẽ gây ra động đất, thiên tai, lũ lụt. Vì vậy những người Nhật đã xây dựng cây cầu cùng tượng thần khỉ và thần chó để trấn yểm con quái vật. Một thuyết khác cho rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất. Cây cầu nhỏ này ngày nay đã trở thành biểu tượng của thành phố Hội An.
Đô thị cổ Hội An may mắn còn lưu giữ được một quần thể di tích kiến trúc hết sức phong phú và tuyệt mỹ. Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành địa điểm để du khách trong và ngoài nước tìm kiếm, khám phá và khơi nguồn sáng tạo.
Xem thêm: Nghề cổ đất Việt – Kỳ 2: Lụa Vạn Phúc: Rộn ràng tiếng thoi đưa
Văn hóa và tín ngưỡng
So với các đô thị khác của Việt Nam, Hội An có những đặc điểm lịch sử và địa lý nhân văn rất riêng biệt. Mảnh đất này là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa. Vậy nên đặc điểm đầu tiên có thể nhận thấy ở văn hóa Hội An chính là tính đa dạng. Những người Việt vào cư trú ở Hội An từ cuối thế kỷ 15 chung sống hòa bình với bộ phận người Chăm vẫn định cư rất lâu từ trước đó. Khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất, nơi đây đã tiếp nhận nhiều cư dân mới đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Tại Hội An, bên cạnh tục thờ cúng gia tiên, những người dân còn có tục thờ Ngũ tự gia đường. Phần đông ý kiến cho rằng Ngũ tự gia đường là năm vị thần trông coi cai quản và sắp đặt vận mệnh cho một gia đình, gồm thần Bếp, thần Giếng, thần Cổng, Tiên sư bổn mạng và Cửu thiên huyền. Về tôn giáo, có thể thấy ở Hội An tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo Rôma, Tin Lành… nhưng Phật giáo vẫn chiếm đa số nhất. Những vị Phật được thờ chủ yếu là Phật Thích Ca Mâu Ni và Quan Âm Bồ Tát. Một số gia đình còn thờ Tam thế Phật, là các vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong mỗi nhà, khám thờ Phật được đặt nơi trang nghiêm, thanh tịnh.
Lễ hội truyền thống cũng được lưu giữ nhiều ở Hội An như lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo. Vào dịp rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy hàng năm, những người dân vùng Hội An tổ chức lễ hội Long Chu tại các đình làng. Dịp tổ chức lễ hội chính là hai thời điểm chuyển từ mùa mưa sang mùa khô và ngược lại. Trong suy nghĩ của dân gian, các dịch bệnh do những thế lực thiên nhiên xấu xa mang tới, vì vậy tất cả mọi người trong làng, không trừ một ai, đều tham gia vào lễ hội để xua đuổi dịch bệnh. Sau nhiều nghi lễ cúng tế, buổi tối các tráng đinh đưa Long Chu đến những nơi cần yểm và sau đó mang đốt rồi thả ra biển.
Tại các làng chài ven sông, biển của Hội An, đua ghe là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Đua ghe thường diễn ra trong dịp xuân từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng. Theo quan niệm dân gian, đua ghe là dịp làm vui lòng các thánh thần thượng sơn hạ thủy và những vị đã phù hộ cho thôn xóm được bình yên. Trước đây, trong hội đua ghe, các yếu tố lễ, hội đều được xem trọng. Nhưng ngày nay, phần hội thường nổi trội hơn và đọng lại lâu trong tâm thức mọi người.
Dịp cầu ngư diễn ra vào rằm tháng Hai và cầu an vào khoảng trung tuần tháng Ba âm lịch. Vào dịp cầu ngư hàng năm, dân cư các làng chài Hội An còn tổ chức lễ tế cá Ông, tri ân cá Ông đã cứu giúp những người hoạn nạn trên biển.
Một hình thức diễn xướng dân gian có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân vùng biển Hội An là hát bả trạo. Đây là một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, miêu tả lại cảnh sinh hoạt, lao động trên sông nước. Trình tự một buổi biểu diễn bả trạo có kết cấu như một hoạt cảnh thể hiện những diễn biến từ khi con thuyền ra khơi cho đến khi cập bến an toàn. Bả trạo thuộc thể loại dân ca lễ nghi, có sự kết hợp với hình thức diễn tuồng, một loại hình sân khấu rất được người dân Quảng Nam yêu thích. Trong lễ hội nghinh Ông, hát bả trạo thể hiện sự thành kính tới cá Ông “Ngọc Lân Nam Hải”, vị thần cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn trên biển, đồng thời cũng thể hiện mong ước bình yên trước cảnh sóng nước mênh mông, bão tố rập rình.
Bên cạnh hát bả trạo còn có hát bài chòi Hội thường được tổ chức ở làng quê vào dịp tết Nguyên đán. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.
Về ẩm thực thì một trong những món ăn tiêu biểu của Hội An là món cao lầu. Nguồn gốc món ăn, cùng như cái tên cao lầu, ngày nay rất khó xác định. Những Hoa kiều ở Hội An cũng không công nhận đây là món ăn của họ. Để làm món cao lầu, người ta ngâm gạo và nước trong được lọc kỹ, sau đó xay thành nước bột. Bột được dùng vải bòng nhiều lần để khô, dẻo rồi cán thành miếng vừa cỡ và cắt thành con mỳ. Cao lầu không cần nước lèo, nước nhân, thay vào đó là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và để bớt béo người ta dùng kèm với giá trụng, rau sống. Khi bán, người ta trần mỳ, giá đổ ra bát và thêm mất lát thịt xíu hoặc thịt ba chỉ, đổ tép mỡ, thêm một muỗng mỡ heo rán sẵn ở lò bên.
Bên cạnh những món đặc sản mang tính phố thị như cao lầu, hoành thánh, bánh bao, bánh vạc, Hội An còn có nhiều món ăn dân dã hấp dẫn như bánh bèo, hến trộn, bánh xèo, bánh tráng… và đặc biệt là mìỳ Quảng. Đúng như tên gọi, món mỳ này có nguồn gốc xuất phát từ Quảng Nam.
Mỳ Quảng cũng như phở, bún đều được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị rất riêng biệt. Để làm mỳ, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xay thành bột nước mịn rồi pha thêm phèn sa để sợi mỳ giòn, cứng, đem tráng thành lá mỳ. Khi mỳ chín được vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ một lớp mỡ cho mỳ khỏi dính rồi cắt thành sợi. Nước nhân mỳ được làm bằng tôm, thịt lợn hoặc thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò. Nước nhân mỳ không cần nhiều màu mè, không nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt. Ở Hội An, mỳ Quảng được bán khắp nơi, từ các quán ăn thành thị đến những hàng quán ở thôn quê, đặc biệt là những quán mỳ trên hè phố.
Thanh Phong
Từ khóa Văn hóa vùng miền Hội An