Danh ngôn nhân sinh: Sai một li, đi một dặm
- An Hòa
- •
“Sai một li, đi một dặm” là câu nói có nguồn gốc rất sâu xa và được lưu truyền rộng rãi từ xưa đến nay. Trong rất nhiều tư liệu lịch sử như “Sử ký”, “Lễ ký”, “Thuyết uyển” , “Cổ nghị tân thư” hay “Hán thư” đều có câu này, trong văn hóa truyền thống cũng nhắc nhiều đến câu nói này. Điều này cho thấy trong lịch sử, câu danh ngôn này rất được cổ nhân coi trọng.
“Thất chi hào li, soa dĩ thiên lí” hay “Soa chi hào li, mậu dĩ thiên lí” đều có ý nói một chút sai lệch lúc ban đầu có thể rất nhỏ, không dễ dàng phát hiện ra, cũng không phải là sự sai lệch rõ ràng, nhưng sau một thời gian đủ lâu thì kết quả sẽ xuất hiện sự sai biệt rất lớn. Như vậy, đối với một cá nhân, một sự việc hay lớn hơn là một quốc gia thì “sai một li” lâu dần rất có thể tạo thành hậu quả xấu vô cùng lớn, khó vãn hồi.
Trong “Sử ký. Thái sử công tự” có ghi chép đại ý là:
Đạo lý hưng suy thành bại của vạn sự vạn vật đều có thể tìm thấy được trong kinh Xuân Thu. Kinh Xuân Thu có ghi lại rất nhiều sử liệu, mà chuyện hành thích Vua có 36, mất nước có 52, chư hầu của các nước đã phải chạy sang các nước khác sống lang thang lưu lạc thì nhiều không đếm xuể. Nghiên cứu kỹ nguyên nhân trong các sử liệu này, tất cả đều là bởi vì đánh mất đi đạo nghĩa căn bản. Cho nên trong Kinh Dịch viết: “Thất chi hào li, soa dĩ thiên lí”, sai một li, đi một dặm.
Câu danh ngôn “Sai một li, đi một dặm” đã có từ lâu đời, được ghi chép trong Kinh Dịch. Mà Kinh Dịch cũng không phải là sáng tác của Khổng Tử, chỉ là ông tập hợp và ghi chép lại tinh hoa của văn minh cổ xưa mà thôi. Cả đời Khổng Tử thì Kinh Dịch chính là cuốn sách quan trọng nhất với ông, đến già ông vẫn còn than: “Nếu Trời để cho ta sống thêm mươi năm nữa thì ta sẽ đọc thông Kinh Dịch.” Từ đó có thể thấy “Sai một li, đi một dặm” không phải là câu danh ngôn nhân sinh trong một thời gian ngắn tạo thành, mà nó được đúc kết từ những kinh nghiệm tích lũy tháng ngày, dần dần mà thành.
Tư Mã Thiên trích dẫn câu này trong Sử Ký là vì muốn chính lại cái gốc của lễ nghĩa, mục đích là nhấn mạnh tác dụng dùng lịch sử làm gương. Đây cũng là điều Tư Mã Thiên mong mỏi khi viết Sử Ký. Đạo nghĩa là vô cùng trọng yếu đối với quốc gia xã tắc.
Đối với một cá nhân cũng là như vậy, khi một người bị mê lạc trong hồng trần, tham lam những lợi ích trước mắt mà đánh mất đi đạo nghĩa thì cuối cùng cũng đánh mất đi chỗ nương tựa của sinh mệnh. Đó chính là “sai một li, đi một dặm”. Đạo nghĩa là nền tảng, là căn bản của sinh mệnh, bởi vậy cổ nhân thường răn dạy mọi người sống phải giữ lấy đạo nghĩa.
Nói về vấn đề bảo toàn đạo nghĩa, tránh “sai một li, đi một dặm” thì sử quan các thời đại cũng là tấm gương tiêu biểu nhất. Tổ tiên của Tư Mã Thiên phụ trách việc thiên văn lịch pháp thời cổ đại. Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, làm Thái sử công thời Tây Hán. Sau khi cha mất, Tư Mã Thiên trở thành Thái sử công vào triều Hán, kế thừa các cuốn sử sách mà cha ông để lại, bắt tay vào chỉnh lý các tư liệu cho Sử Ký.
Vào năm đầu niên hiệu Thái Sơ, Tư Mã Thiên bắt đầu viết Sử Ký. Khoảng 7 năm sau, đại họa giáng xuống cuộc đời ông.
Năm 99 TCN, Lý Lăng với 5000 quân bị 3 vạn kỵ binh của Hung Nô vây chặt. Mặc dù Lý Lăng và binh sĩ đã ra sức chiến đấu, nhưng cuối cùng bại trận, chỉ có hơn 400 binh sĩ. Lý Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình, quần thần khiển trách Lý Lăng không nên tham sống sợ chết mà đầu hàng Hung Nô.
Khi Hoàng đế hỏi ý kiến quần thần. Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lý Lăng, cho rằng Lý Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lý Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lý. Lý Lăng đầu hàng cũng là việc bất đắc dĩ nhất thời.
Hoàng đế cho rằng Tư Mã Thiên đã nói đỡ cho Lý Lăng nên bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị “cung hình”, tức bị thiến. Giữa việc lựa chọn sống tủi nhục hay cái chết, Tư Mã Thiên đã nhẫn nại sống tiếp để hoàn thành tác phẩm lớn: “Thái sử công thư”, cuốn chính sử đầu tiên của Trung Hoa, lưu truyền ngàn năm, mở ra chuẩn mực cho các sử gia đời sau. Người đời sau gọi đây là Sử Ký Tư Mã Thiên.
Tư Mã Thiên sở dĩ có thể nhẫn nhục mà hoàn thành Sử Ký chủ yếu nhờ vào động lực tinh thần đến từ đạo nghĩa của người chép sử. Cả kinh Xuân Thu và Sử Ký đều thể hiện sự tồn tại của luân lý trong nhân gian, tinh thần đạo nghĩa trong Trời đất, đặc biệt là muốn để lại cho người đời sau một chiếc gương để hậu nhân có thể phân biệt thiện ác thị phi.
Văn hóa truyền thống, lịch sử các triều đại đều coi trọng tính chân thực. Sử quan của các triều đều bảo vệ chính sử hơn là quân vương hay triều đình. Họ cẩn trọng trong việc chép sử, tránh “sai một li, đi một dặm”, bởi sai sót đó sẽ ảnh hưởng đến ngàn năm sau. Lịch sử của các triều đại cũng vì thế mà được ghi chép không đứt đoạn.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Câu chuyện thành ngữ: Lời nói ngay thẳng thường khó nghe
- Trí tuệ cổ nhân: Lịch sử là tấm gương cho hậu thế
- Khí tiết người quân tử: Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành
Mời xem video:
Từ khóa Đạo nghĩa Sử Ký Tư Mã Thiên sử quan