Đạo làm người của cổ nhân: Giữ mình thanh sạch như hoa sen
- An Hòa
- •
Nhà Phật có cách nói: “Hoa khai kiến Phật tính”, hoa ở đây là chỉ hoa sen. Một người sống trong một xã hội phức tạp và hỗn loạn, đầy những cám dỗ và tội ác mà vẫn giữ được nội tâm thanh khiết như hoa sen thì trong tâm của người ấy sẽ tràn đầy Phật tính.
Đối với đạo Phật, hoa sen là loài hoa có địa vị rất cao, được tôn sùng, đại biểu cho cảnh giới của trí tuệ, cũng được coi là loài hoa Thần thánh. Tất nhiên loài hoa trong thế giới của Phật và hoa sen nơi nhân thế là khác nhau, tại một số ngôn ngữ cũng có từ riêng dành cho hai loài hoa này, nhưng về hình tượng là có liên hệ, cũng có thể cùng gọi là hoa sen.
Trong danh ngôn, thơ ca, hội họa của người xưa đều có nhắc nhiều đến vẻ đẹp và phẩm cách của loài hoa này. “Ái liên thuyết” (nói về lòng yêu thích hoa sen) của tác giả Chu Đôn Di thời nhà Tống có viết:
“Hoa của các loài cây cỏ mọc ở dưới nước ở trên bờ, loại đáng yêu rất nhiều. Đào Uyên Minh đời Tấn chỉ riêng yêu hoa cúc. Từ nhà Đường họ Lý đến nay, người đời rất yêu hoa mẫu đơn. Tôi chỉ riêng yêu hoa sen, mọc lên từ bùn lầy mà không vấy bẩn, tắm gội trong sóng nước trong mà không có vẻ lả lơi, trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan không đâm cành, mùi hương càng xa càng thanh khiết, dáng mọc lên dong dỏng cao, chỉ có thể từ xa ngắm nhìn chứ không thể đến gần mà nâng niu sờ mó.”
Chu Đôn Di là triết học gia nổi tiếng thời Bắc Tống, xây dựng nền lý học, phục hưng Nho đạo, lại cũng có đóng ghóp cho Dịch học và Đạo gia. Ông làm quan thanh liêm quang minh, không sợ quyền quý, rất được lòng dân. Về sau, vì lao lực thành bệnh nên ông đã cáo lão hồi hương. Ông ở Liên Hoa, Lư Sơn dưỡng bệnh. Xung quanh nơi ông ở là những đầm sen nối liền nhau, sông núi đẹp đẽ, nên ông đã viết tác phẩm “Ái liên thuyết” được người đời yêu thích.
Hoa sen “sống trong bùn mà không vấy bẩn, tắm gội trong nước sạch mà không lả lơi”, “đón nắng gắt mà không sợ hãi cúi đầu”, đây cũng giống như người quân tử phẩm đức cao thượng, giữ mình trong sạch, trọn vẹn tiết tháo, không chịu ô uế cùng thế tục. Cây sen trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan, không đâm cành, mùi hương thanh khiết thấm nhập tâm can, chính như người quân tử ý chí kiên định, không cam lòng thông đồng với kẻ xấu làm điều xằng bậy, ngay thẳng thật thà, không xu nịnh với đời, không xu phụ quyền thế.
Hoa sen không có màu rực rỡ cũng không có mùi hương nồng đượm như hoa hồng, thơm mà thoang thoảng dịu mát, đó là thể hiện của sự tường hòa, một lối sống đạm bạc, tự nhiên, không trọng danh lợi, giống như danh tiếng của người quân tử cứ tự nhiên mà vang xa.
Chu Đôn Di cho rằng làm người cũng cần giữ được phẩm đức thanh sạch cao thượng giống như hoa sen. Vô luận bên ngoài có bao nhiêu cám dỗ mê hoặc về danh lợi tình thì vẫn phải giữ gìn được tấm lòng trong sạch cho bản thân, không xốc nổi nôn nóng cũng không tham lam thèm muốn, buông bỏ nhiều hơn.
Hoa sen thánh khiết của nhà Phật được gọi là “Liên hoa”, còn hoa sen nơi nhân thế được gọi là “Hà hoa” hay “Hạm đạm”, “Phù cừ”. Trong đó, “hà” và “hòa” là đồng âm. Cổ ngữ có câu: “Dĩ hòa vi quý”, trong đối nhân xử thế, giữ được hòa khí là cát tường và cao quý. Bởi vậy đây là loài hoa cao quý, tường hòa.
Hoa sen còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thanh tịnh và cao nhã, còn được dùng để biểu trưng cho tình yêu đôi lứa mà không bị dục vọng làm mêm muội. Bởi vậy “Kinh thi” viết: “Bỉ trạch chi pha, hữu bồ dữ hà”, bên bờ đầm có cây cỏ bồ và cây hoa sen. Hoa sen được ví von với vẻ đẹp nữ tính. Hoa sen cùng cây hương bồ tượng trưng cho tình yêu nam nữ thuần khiết.
Hoa sen giữ mình thanh sạch, thơm mát cũng giống như những người tu thân trọng đức thời xưa. Giữ mình cũng chính là giữ phúc đức cho đời sau. Vào mùa thu, hoa sen tàn nhưng vẫn phơi mình trong sương gió, đài sen hướng xuống nước nhả hạt, mang theo hy vọng về sự tái sinh trong năm tới.
Làm người như hoa sen, chính là phải thủ vững sự cao quý trong sâu thẳm tâm linh, không hùa theo đám đông, không để bị lôi kéo bởi thói đời tham lam vô đạo đức, ở giữa cõi hồng trần mà thủ giữ một nội tâm thuần khiết. Điều này quả thực không dễ dàng, nhưng con người sống nơi thế gian, nhân phẩm là điều cao quý nhất. Một người có thể tu xuất ra sự cao nhã của hoa sen, tu xuất ra sự tiêu sái tự nhiên và cởi mở của hoa sen, tu xuất ra sự thanh khiết của hoa sen thì chính là đã có một tâm linh cao đẹp, một nhân cách cao quý rồi.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Chuyện cổ Phật gia: Đạo hạnh của người tu luyện
- Chuyện cổ Phật gia: Thứ khó được nhất trên đời
- Chuyện cổ Phật gia: Sinh mệnh đời người rốt cuộc dài bao lâu?
Mời nghe radio:
Từ khóa hoa sen Phật gia Nhân phẩm