Thành ngữ cổ có câu: “Trượng nghĩa chấp ngôn”, vì chính nghĩa mà có gan đứng ra nói lời công đạo, lên tiếng bảo vệ lẽ phải, không vì danh lợi tình của bản thân mà lùi bước trước điều phi nghĩa. Đây cũng là tiết tháo của những người có đạo đức cao thượng, những vị quan can gián thời xưa. Tiễn Nhược Thủy, đại thần thời Bắc Tống, là một vị quan điển hình.

Chuyện xưa ngẫm lại: Làm quan "không hổ thẹn"
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Tiễn Nhược Thủy là người ngay thẳng chính trực lại có hiểu biết và tiết tháo. Trong “Tốc thủy kỉ văn” của Tư Mã Quang và “Hậu đức lục” của Lý Nguyên Cương triều Bắc Tống đều có ghi chép lại sự việc vào thời Tống Thái Tông, Tiễn Nhược Thủy vì bênh vực lẽ phải, kiên trì chân lý mà không sợ nguy hiểm tính mạng của mình.

Đương thời, danh tướng Lý Kế Long là họ hàng bên ngoại của Hoàng đế Tống Thái Tông. Lý Kế Long vì có oán thù với Chuyển vận sứ Lô Chi Hàn nên đã nảy ra ý định mưu hại ông ta. Lý Kế Long phát công văn đến Chuyển vận ti nói rằng quyết định tháng tám xuất chinh, mệnh lệnh cho họ phải đặt mua lương thảo đầy đủ để chuẩn bị.

Khi Chuyển vận ti vừa chuẩn bị đầy đủ lương thảo rồi thì Lý Kế Long lại phát công văn: “Quan chiêm bốc nói, tháng tám xuất binh là bất lợi lớn, phải đổi thành tháng mười”. Chuyển vận ti không còn cách nào khác đành phải gửi trả lại hết số lương thảo đã tập kết. 

Không ngờ, ngay sau đó, Lý Kế Long lại gửi một thông báo khác: “Trinh sát Bảo Tắc Quân báo cáo, quân địch sắp vào đến cửa ải, cần phải kịp thời xuất binh, lương thảo cần phải được chuyển đến ngay”.

Xe vận chuyển vừa mới giải tán, lương thực nhất thời khó có thể chuẩn bị đủ được. Chỉ chờ cơ hội ấy, Lý Kế Long lập tức dâng tấu lên Hoàng đế Tống Thái Tông là Chuyển vận ti không cung ứng quân nhu. Tống Thái Tông rất tức giận, lập tức triệu sứ thần, ra lệnh cho lấy đầu của Chuyển vận sứ Lô Chi Hàn, Đậu Đam và một người nữa.

Trong triều đình lúc ấy, Thừa tướng Lữ Đoan, Xu mật sứ Sài Vũ Tích đều không dám nói lời nào, duy chỉ có Xu mật phó sứ Tiễn Nhược Thủy là đứng ra nói: “Thỉnh xin thẩm vấn và kiểm tra chứng cứ trước. Nếu thực sự có chuyện như vậy thì sau đó chấp hành hình pháp cũng không muộn”. Nghe xong lời nói của Tiễn Nhược Thủy, Tống Thái Tông đứng dậy, giũ mạnh ống tay áo rồi tiến vào trong cung.

Lúc này, Thừa tướng, Xu mật sứ và các quan viên cấp dưới đều rút lui, chỉ có một mình Tiễn Nhược Thủy ở lại trên đại điện mà không rời đi.

Một lúc lâu sau, Tống Thái Tông phái người đi kiểm tra xem trong đại sảnh còn có người nào không. Người này trở về hồi báo lại rằng: Chỉ có một người vẫn còn đứng ở đó.”

Hoàng đế biết rõ đó là Tiễn Nhược Thủy nên đã ra chất vấn ông: “Khanh từ một quan nhỏ ở Thông Châu được trẫm thăng chức làm Xu mật phó sứ chỉ trong một thời gian ngắn. Trẫm cất nhắc khanh vào chức vị này là vì trẫm nghĩ khanh rất đức hạnh và tài năng, nhưng thật không ngờ khanh lại bất tài như vậy. Khanh còn chưa rời đi, ở lại đây chờ đợi cái gì?”

Tiễn Nhược Thủy đáp: “Bệ hạ không biết thần không có tài năng, cất nhắc thần đến Xu mật viện nhậm chức, thần cho dù phải chết cũng phải đem hết tài năng phụ tá giúp ích. Lý Kế Long là ngoại thích, quyền cao chức trọng không người nào có thể sánh bằng, nhưng Bệ hạ lại chỉ căn cứ vào một bản tấu chương mà muốn giết chết ba vị Chuyển vận sứ. Cho dù là ba người họ thật sự có tội, cứ như vậy mà xử tử thì người trong thiên hạ cũng không biết là họ đã phạm vào tội gì. Sau khi điều tra rõ ràng sự tình, bọn họ thực sự có tội thì xử tử họ, cũng không muộn. Lời gián ngôn này của thần, thần dù mạo hiểm mạng sống cũng phải thủ giữ, đây là bổn phận của thần. Thần còn chưa chết thì quyết không dễ dàng rút lui”.

Tống Thái Tông ngẫm nghĩ thấy lời của Tiễn Nhược Thủy nói cũng có lý nên đã triệu tập Thừa tướng Lữ Đoan và một số đại thần khác đến thảo luận. Thừa tướng Lữ Đoan và mọi người thỉnh cầu Hoàng đế hãy tiếp thu lời đề nghị của Tiễn Nhược Thủy, Hoàng đế đã đồng ý.

Sau khi điều tra rõ ràng chân tướng sự tình, ba người của Chuyển vận ti đã bị giáng chức xuống làm Hành quân phó sứ. Còn chuyện quân địch tiến vào cửa ải là tin tức giả do Lý Kế Long bịa đặt ra cho nên Lý Kế Long bị giáng xuống làm Chiêu thảo sứ, kiêm Tần Châu tri phủ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Mai
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: