Đạo lý ẩn chứa trong phần mở và kết của tứ đại danh tác Trung Hoa (P1)
- Thiên Cầm
- •
Có lẽ hầu hết chúng ta đều từng xem những bộ phim Trung Quốc chuyển thể lại tứ đại danh tác Trung Hoa: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.
HỒNG LÂU MỘNG
“Phong nguyệt tình trường, chung cứu mộng nhất trường”. Hồng Lâu là một giấc mộng, cuộc đời là một vở kịch. Mộng mê mộng tỉnh, kịch trong kịch ngoài, những lời thơ trong phần mở đầu và kết thúc của Hồng Lâu mang theo hai hàm nghĩa khác nhau như vậy. Chỉ đơn giản là chuyện cây tiên trả ơn linh thạch, nhưng khi xuống trần hạ thế nhập vai, diễn lên thì lại là một vở kịch khiến người ta mê đắm quên mất cả việc bản thân đang “diễn”…
Trong giấc mộng là sự hoang đường
Ngay trong cuốn tiểu thuyết những lời mở đầu được lấy từ bài “Dẫn tử”, 1 trong 14 khúc hát trong vở Hồng Lâu Mộng, được tiên cô đưa cho Giả Bảo Ngọc:
Khai tịch hồng mông, thùy vi tình chủng?
Đô chỉ vị phong nguyệt tình nùng
Nại hà thiên, thương hoài nhật,
Tịch liêu thì, thí khiển ngu trung
Nhân thử thượng, diễn xuất giá bi kim điệu ngọc “Hồng lâu” mộng.
Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng:
Mịt mùng khi mới mở toang,
Giống tình ai đã chịu mang vào mình
Chỉ vì tình lại gặp tình,
Gió trăng nồng đượm không đành xa nhau
Khi vắng vẻ, lúc buồn rầu
Thua trời nên dãi mối sầu thơ ngây
Mộng hồng lâu diễn khúc này
Thương vàng tiếc ngọc tỏ bày nỗi riêng!
Tào Tuyết Cần nói rằng, Hồng Lâu “đại chỉ đàm tình”, nghĩa là chủ yếu nói về cái tình. Hồng Lâu Mộng là một biển trời ân oán. Con người trên thế gian, mỗi người đều rất trọng tình, chỉ là có tấm chân tình và sự vong tình, có nhân tình và dục tình, lưu lạc cõi gió trăng nơi thế gian.
“Đàm tình” đó là nói về điều gì? Sự bất lực, nỗi đau thương, sự cô liêu và ước nguyện. Dẫu từng giàu sang nhung lụa nhưng cuối cùng lại chỉ còn lại nỗi hoài niệm và bi ai. Gió trăng tại nhân gian chỉ còn lại một cõi hư không. Đây chính là dư vị của cuộc đời. Ngẫm lại cuộc đời của bạn, đã có bao lần kết thúc và khép lại?
Vậy nên kết thúc của Hồng Lâu Mộng là sự tan tác chia ly. Khúc nhạc dứt người cũng tan, khiến con người phải thương cảm trước cảnh phồn hoa muôn vẻ, sinh tử mênh mang và nỗi cô đơn vô tận.
Khúc cuối trong 14 khúc hát được tiên cô đưa cho Giả Bảo Ngọc là “Phi điểu các đầu lâm”:
Phi điểu các đầu lâm
Vi quan đích, gia nghiệp điêu linh;
Phú quý đích, kim ngân tán tận;
Hữu ân đích, tử lý đào sinh;
Vô tình đích, phân minh báo ứng;
Khiếm mệnh đích, mệnh dĩ hoàn;
Khiếm lệ đích, lệ dĩ tận:
Oan oan tương báo tự phi khinh,
Phân ly tụ hiệp giai tiền định.
Dục tri mệnh đoản vấn tiền sinh,
Lão lai phú quý dã chân nghiêu hạnh.
Khán phá đích, độn nhập không môn;
Si mê đích, uổng tống liễu tính mệnh.
Hảo nhất tự thực tận điểu đầu lâm,
Lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân càn tịnh!
Bản dịch nhóm Nhóm Vũ Bội Hoàng:
Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.
Giữa chốn bách thái nhân sinh, dục vọng và con đường của con người cũng có ngàn vạn cảnh khác nhau. Nhưng kết cục dường như đều đi cùng hướng như một định mệnh: Cuối cùng đều sạch bong như bãi đất trống trải; như hoa trong gương trăng nơi đáy nước, tất cả đều về không, như bong bóng xà phòng trong ảo mộng thoáng qua như một giấc mộng.
Vây thì chúng ta còn phải tranh vì thứ gì? Vui vì thứ gì, khóc vì thứ gì, đau vì thứ gì, giành vì thứ gì, chẳng thể buông được thứ gì nữa đây?
Có lẽ cuối cùng đôi mắt vẫn phải nhìn thấu cảnh vận đổi sao trời, trong tâm cuối cùng cũng phải nếm tận mọi nỗi thê lương, thì một vài việc mới không mãi vương vấn trong tâm. Điều này có lẽ được gọi là hành đạo.
Kiếp người vốn như thế nào thì có lẽ chỉ có thể như thế nấy mà thôi. Nhưng chí ít thì trong tâm ta đã minh bạch.
Bên ngoài vở kịch là sự hoang tàn, thê lương
Hồng Lâu còn có một cách mở đầu và kết thúc khác. Mở đầu và kết thúc ấy chính là hoàn cảnh của tác giả, khiến câu chuyện trở nên càng chân thực và tàn nhẫn hơn. Bài đề từ của Hồng Lâu Mộng như sau:
Thập niên tân khổ
Phù sinh trác thậm khổ bôn mang
Thịnh tịch hoa diên chung tán trường
Bi hỉ thiên ban đồng ảo miễu
Cổ kim nhất mộng tận hoang đường
Mạn ngôn hồng tụ đề hằn trọng
Cánh hữu tình si bão hận bão
Tự tự khán lai giai thị huyết
Thập niên tân khổ bất tầm thường
Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương
Mười năm cay đắng
Phù sinh cùng cực nỗi long đong
Bữa tiệc phồn hoa vẫn cáo chung
Nghìn lối buồn vui tuồng ảo hóa
Mỗi trang kim cổ mộng bằng không
Chuyện chơi vẫn đọng khô dòng lệ
Tình đắm còn ôm hận cõi lòng
Chữ chữ xem ra đều rướm máu
Mười năm cay đắng lấy gì đong?!
Bài thơ mở đầu lại nói rằng:
Duyên khởi thi
Mãn chỉ hoang đường ngôn,
Nhất bả tân toan lệ!
Đô vân tác giả si,
Thuỳ giải kỳ trung vị?
Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng
Bài thơ bắt đầu duyên
Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhượng chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?
Bài thơ trong hồi cuối thì nói rằng:
Thuyết đáo tân toan xứ,
Hoang đường dũ khả bi.
Do lai đồng nhất mộng,
Hưu tiếu thế gian si!
Tạm dịch:
Nhắc tới nỗi thống khổ,
Hoang đường lại bi ai.
Từ chung một giấc mộng,
Ngẫm cười thế nhân si.
Từ những lời tự thuật này có thể thấy rằng người viết chuyện vẫn chẳng thể buông bỏ một biển trời ân oán, nên cuộc đời khó tránh khỏi canh cánh bên lòng.
Phần mở đầu của câu chuyện đã nói với chúng ta rằng đây chỉ là một giấc mộng hoang đường, khi câu chuyện kết thúc cũng nói với chúng ta rằng đây cuối cùng vẫn chỉ là một giấc mộng hoang đường. Nhưng còn nhiều điều hơn nữa là sự ngẩn ngơ và mong ước của tác giả. Giống như trong tâm mỗi người chúng ta đều có một vườn đào ảo mộng cho chính mình.
Nhà văn Trương Ái Linh cũng từng nói rằng: “Thời đại nặng nề như vậy, không cho phép chúng ta dễ dàng đại ngộ triệt để.” Hay một câu khác: “Thấu hiểu quá nhiều đạo lý nhưng vẫn sống một đời chẳng ra sao”. Đây chính là sự thực bất lực nhất trong kiếp người.
Nhưng câu chuyện trong Hồng Lâu Mộng vẫn mơ màng, như chợt tỉnh sau một giấc mộng dài, như những cảm ngộ sau một nỗi đau. Vậy là chúng ta vẫn có thể ôm giữ một tia hy vọng: Mọi nỗi khổ không phải là vô ích, những giọt nước mắt đều chẳng hề vô dụng, những nỗi giày vò sẽ tan biến vào hư không, chỉ đợi nước chảy thành dòng.
Điều nuối tiếc là ở chỗ 40 hồi sau của Hồng Lâu Mộng lại không phải Tào Tuyết Cần viết nên, khiến người ta ngẩn ngơ, không biết kết thúc thật sự của câu chuyện là gì. Cao Ngạc viết 40 hồi sau, cho Giả Bảo Ngọc hóa đá, Lâm Đại Ngọc uất ức mà chết, thật là đã cho linh thạch và cây tiên mê đắm chốn hồng trần rồi. Nhưng nếu Tào Tuyết Cần viết nốt, liệu ông có cho linh thạch và cây tiên ngộ đạo?
Hồng Lâu là mộng ảo, đời người có là mộng ảo hay chăng? Mộng trong, mộng ngoài, rốt cuộc vẫn chỉ là giấc mộng. Đại ngộ triệt để có lẽ là thứ quá xa xỉ. Nhưng vẫn có thể coi tất cả nỗi thống khổ, bi ai trong kiếp người như một vài món ăn giúp thế nhân thấu tỏ đạo trời.
(Còn nữa)
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tứ đại danh tác Hồng Lâu Mộng Tào Tuyết Cần