Tản mạn về loại người chắc chắn phải chết trong Thủy Hử
- Lê Quang
- •
Đọc Thủy Hử, chúng ta thấy tham quan vẫn có thể được tha, trộm cắp vẫn có thể được tha, thậm chí giết người cũng vẫn có thể được tha. Nhưng tà dâm, cưỡng ép con gái nhà lành, tư thông vợ người khác, đặc biệt nhiều kẻ đội lốt nhà sư, đạo sỹ để làm việc xằng bậy đó… thì 100% đều bị các vị “anh hùng hảo hán” trong truyện tống tiễn xuống suối vàng.
Tiểu thuyết Thủy Hử không chỉ đơn thuần dựa vào đánh giết mua vui mà có thể chiếm được một vị trí trong Tứ Đại Danh Tác của Trung Hoa. Xuyên suốt tác phẩm chính là một giá trị này: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”, trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu, là căn nguyên của tội lỗi.
Trong thời cổ xưa, việc đầu tiên người ta lo nghĩ là cha mẹ của mình. Giáo đầu Vương Tiến chẳng màng chuyện hôn nhân, nhưng mẹ già thì nhất quyết không bỏ bễ, đi trốn cũng phải chở mẹ theo cùng. Lý Quỳ khi được hưởng cuộc sống đầy đủ hơn, thì nghĩ ngay đến về nhà cõng mẹ lên hưởng cùng. Tống Giang cũng vì lo cho cha già mà chưa chịu làm phản.
Nói chung nền tảng đạo đức đã cắm rễ trong xã hội đến thế, kể cả vào lúc tao loạn, suy bại nhất, thì ngay cả phường đầu trộm đuôi cướp, thất phu lỗ mãng cũng vẫn còn hiểu biết được như vậy.
Còn nói riêng về chuyện “vạn ác dâm vi thủ”, có thể thấy tại thời cổ đại, biểu hiện của một nam nhi đại trượng phu là mạnh mẽ, mang chí lớn. Họ không màng sắc dục, dồn hết tinh lực để luyện võ mong chọc trời khuấy nước.
Đới Tung từng tán dương Lý Quỳ là “tịnh vô dâm dục tà tâm”, nghĩa là không hề có tà tâm dâm dục. Lý Quỳ là một hảo hán đặc biệt khinh thường nữ sắc, ví như khi trông thấy Tống Giang ngồi uống rượu với Lý Sư Sư, Lý Quỳ tức giận, trừng mắt đứng nhìn.
Hay như Tiều Cái, tuổi đã 36 – 37, là trưởng thôn Đông Khê, tới Tống Giang cũng phải gọi bằng anh, gia cảnh giàu có, nhưng không màng tới chuyện lập thê lập thất. Tới cuối đời, vị hảo hán này chỉ chăm chăm “đả ngao cân cốt”, tức là luyện tập võ nghệ để cường tráng gân cốt.
Trong Thủy Hử, Thi Nại Am thường dùng câu: “Tướng mạo đường đường cường tráng sĩ, vị xâm nữ sắc thiếu niên lang”, có nghĩa là người tráng sĩ có tướng mạo đường hoàng oai vệ, thiếu niên trẻ tuổi chưa vướng nữ sắc. Đây đều là để mô tả về những đấng nam nhi giữ một cuộc sống lành mạnh.
Lỗ Trí Thâm là người xuất gia, môn đệ của trưởng lão Trí Chân. Khi đã xuống tóc đi tu trên Ngũ Đài Sơn, ông ta vẫn thỏa thuê rượu thịt, đại náo Phật đường, đánh đổ hai tượng tả hữu môn thần, về sau giết người phóng hỏa. Vậy mà Trí Chân trưởng lão vẫn nói là ông ta có Phật tính, còn hơn cả đám chúng tăng không màng rượu thịt. Ấy là vì Trí Chân trưởng lão nhìn thấu đồ đệ mình không mang tà tâm dâm dục.
Tương truyền danh y Tuệ Tĩnh đã đúc kết về đời người:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Câu thơ này nói lên vấn đề rất rộng lớn, bao gồm thật nhiều khía cạnh, nhưng trong “bế tinh”, “thanh tâm”, “quả dục”, đều có một phần hàm nghĩa ám chỉ đến việc tránh dâm dục.
Thời Tống có Bao Hoành Trai, thân thể cường tráng, tinh lực hơn người, năm ông 85 tuổi còn được phong làm tể tướng. Giả Tự Đạo cho rằng ông ắt hẳn có diệu thuật dưỡng sinh nào đó, bèn tới thỉnh giáo ông, Bao Hoành Trai nói rằng: “Tôi có một bài thuốc hoàn tử, là bài thuốc bí truyền không truyền ra ngoài.” Giả Tự Đạo nóng lòng hỏi là thuốc hoàn tử gì, Bao Hoành Trai thong dong nói rằng: “Là do tôi may mắn uống viên ‘ngủ một mình’ đã 50 năm rồi!” Những người ngồi tại đó lúc bấy giờ đều cười sảng khoái.
Khổng Tử cũng nói: “Thiếu chi thời huyết khí vị định, giới chi tại sắc”, tức là thời niên thiếu khí huyết chưa đầy đủ, nên cấm kị nữ sắc.
Ngay cả phương Tây cũng có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc ở vậy suốt đời, như: Newton, Tesla, Cavendish, Nobel… lẽ nào chuyện tinh huyết là không có thật?
Nếu một người không thể buông bỏ những vấn đề về sắc dục, thì không xứng được gọi là chính nhân quân tử, thậm chí còn là một kẻ ác. Tiêu chuẩn đạo đức về phương diện này tại phương Đông, phương Tây đều rất nghiêm khắc.
Trong Cơ đốc giáo, Chúa Jesus giảng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
Trong 5 điều cấm kỵ lớn của Phật giáo, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có “giới tà dâm”.
Có thể nghiêm khắc tránh dâm dục hay không chính là tiêu chuẩn đạo đức của thời cổ đại.
Đọc Thủy Hử, có lẽ nhiều người cảm thấy hào hứng với sự ngang tàng tự do tự tại của các nhân vật, rất muốn bắt chước cử chỉ hành vi của họ… Chỉ xin lưu ý rằng, đó chẳng qua cũng chỉ là phường trộm cướp mà thôi. Nhưng quay lại mà nói, phường trộm cướp của Thủy Hử cũng có tiêu chuẩn làm người vô cùng cơ bản. Mà bước cơ bản này, những người muốn làm anh hùng thời nay, không khéo còn chưa qua được.
Lê Quang
Xem thêm cùng tác giả:
- Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam
- Sử thi và diễn ca thể hiện tín ngưỡng cổ xưa của con người
- Thương thánh Bạch Khuê và Đạo của người kinh doanh
Mời xem video:
Từ khóa sắc dục Thủy Hử vạn ác dâm vi thủ