Trong lịch sử ngoài những bậc minh quân trị quốc ra, cũng có những người phụ nữ đức hạnh, được xưng tụng là bậc mẫu nghi của thiên hạ. Họ mặc dù là phụ nữ, nhưng lại có thể buông rèm nhiếp chính, nhưng hình thức không phải là chuyên quyền. Họ hoặc là được quần thần mời, hoặc được tiên đế phó thác, mới từ hậu cung bước lên đài chính trị. Hơn nữa, trong họ xuất phát từ tâm muốn phò tá ấu chúa, dẹp loạn an dân, đẩy lùi kẻ tiểu nhân, hoặc giả tránh xa ngoại thích, vì để giữ lại cơ nghiệp của tổ tiên, vì để bảo vệ giang sơn, do vậy có thể lưu danh muôn đời, danh lưu thiên cổ. Câu chuyện của Triệu Uy Hậu dưới đây cho thấy trí tuệ của bậc mẫu nghi thiên hạ trong việc trị quốc an dân.

Đạo trị quốc: Bậc mẫu nghi thiên hạ trị quốc an dân
(Tranh: Public Domain)

Triệu Uy Hậu, hay Triệu Uy Thái hậu là vương hậu của Triệu Huệ Văn Vương, được đánh giá là vị hoàng hậu tài đức sáng suốt bậc nhất thời kỳ Chiến Quốc. Bà là người nước Tề, là con gái của Tề Mẫn Vương. Khi Triệu Huệ Văn Vương tại vị được mười năm đã cưới bà về làm hoàng hậu của nước Triệu.

Năm 266 TCN, Triệu Huệ Văn Vương qua đời, Thái tử Đan lên kế vị, xưng hiệu là Triệu Hiếu Thành Vương. Bởi vì Triệu Hiếu Thành Vương lúc ấy còn rất nhỏ tuổi nên Triệu Uy Hậu là người nắm quyền nhiếp chính. Thời kỳ Triệu Uy Hậu nhiếp chính, sử sách có ghi lại nhiều câu chuyện sinh động về bà, trong đó có câu chuyện “Hỏi thấp hèn trước, hỏi tôn quý sau”.

Theo “Chiến Quốc Sách. Tề sách” ghi lại, Tề Tương Vương phái sứ giả đi sứ nước Triệu. Khi sứ giả nước Tề đến nước Triệu đã vào cung bái kiến Triệu Uy Hậu, cũng dâng lên lá thư thăm hỏi bà của Tề Vương. Thư còn chưa mở, Triệu Uy Hậu liền hỏi sứ giả: “Năm nay việc thu hoạch thóc lúa có tốt không? Đời sống của dân chúng có tốt không? Tề Vương cũng khỏe chứ?”

Vị sứ giả nghe xong trong lòng rất không vui nói: “Hạ thần phụng mệnh Tề Vương đi sứ đến quý quốc, đến bái kiến Thái hậu. Thái hậu không hỏi thăm Tề Vương trước mà lại hỏi việc thu hoạch thóc lúa, tình trạng của dân chúng. Như vậy chẳng phải là đem người ti tiện đặt lên trước còn đem người tôn quý đặt sau sao?”

Triệu Uy Hậu nói: “Ngài thử nghĩ xem, nếu việc thu hoạch thóc lúa không tốt thì dân chúng sao có thể sinh tồn được? Nếu đã không có dân chúng thì làm gì có quốc quân?”

Triệu Uy Hậu hiểu rất rõ đạo lý “Lấy dân làm gốc”, “Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền”. Bà xem dân chúng nước Tề còn quan trọng hơn vua nước Tề, bởi vì nếu như việc thu hoạch không tốt, lương thực khuyết thiếu thì dân chúng sẽ bị đói khát. Lúc ấy, bên trong quốc gia nhất định sẽ bất ổn, địa vị của quốc quân cũng không thể được đảm bảo.

Sứ giả nước Tề nghe xong thì không nói được lời nào.

Sau đó, Triệu Uy Hậu lại hỏi: “Nước Tề có một ẩn sĩ tên là Chung Ly Tử, rất có đức vọng và tài học, ông ấy có khoẻ không? Người này đối với những người có ăn hay không có ăn đều cho họ đồ để ăn, đối với người có hay không có quần áo đều cho họ quần áo để mặc. Ông ấy là người có thể giúp đỡ Tề Vương an ủi vỗ về dân chúng, tại sao hiện giờ còn chưa được tiến cử?”

Sứ giả nước Tề lặng im lắng nghe.

Triệu Uy Hậu hỏi tiếp: “Còn Diệp Dương Tử có khỏe không? Người này thường thường thương xót những người goá chồng goá vợ, giúp đỡ những người mồ côi hay người già không có con cái, cứu tế những người bần cùng khốn khổ, trợ giúp những người ăn mặc thiếu thốn. Người này có thể trợ giúp vua Tề dưỡng dục dân chúng. Tại sao đến giờ vẫn chưa được tiến cử?”

Triệu Uy Hậu còn hỏi về người con gái hiếu thảo của nước Tề, người này cả đời không lấy chồng, hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ mãi cho đến già. Đó là một người có thểlàm gương cho dân chúng, vua Tề nên phong người này là Mệnh phụ và mời vào triều yết kiến. 

Hai kẻ sĩ tài năng mà chưa thể thành tựu sự nghiệp, một người phụ nữ hiếu thảo lại không được tiếp kiến, như thế thì Tề Vương sao có thể trị vì nước Tề cho tốt đây?

Triệu Uy Hậu hiểu biết về người tài đức sáng suốt của nước Tề, đồng thời cũng hiểu biết về những người mê muội ngu ngốc của nước Tề. Bà nói với sứ giả về người tên là Tử Trọng Vu Lăng. Con người này, trên không quy phục là bề tôi với Tề Vương, dưới lại không quản lý được nhà mình, cũng không có thể giao hảo với những chư hầu khác. Người như thế là nên trừ bỏ.

Thông qua cuộc đối thoại giữa Triệu Uy Hậu và sứ giả nước Tề, có thể thấy Triệu Uy Hậu rất quan tâm đến cuộc sống của dân chúng, bận tâm đến người hiền tài và người hiếu thảo, phân biệt rõ người tài đức và người vô dụng. Bà cho rằng những người tài đức hiếu thảo có thể giúp sức trị vì đất nước, tuyên dương đạo đức tốt đẹp, còn người vô dụng thì không thể cất nhắc, trọng dụng vì sẽ làm bại hoại đất nước, bại hoại phong tục. Đây chính là phong thái của bậc mẫu nghi thiên hạ.

Qua câu chuyện này, chúng ta cũng có thể thấy rằng quân vương hay người nhiếp chính phải xem dân là tôn quý, bởi vì chỉ khi người dân được coi trọng và đặt lên hàng đầu thì thiên hạ mới hài hòa và đạt được hòa bình, ổn định lâu dài.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: