Đạo trị quốc của cổ nhân: Dưỡng sức dân thì vận nước mới bền lâu
- Dũng Thư, Văn Tư Mẫn
- •
Thời cổ đại rất nhiều bậc đế vương đều hiểu được đạo lý dưỡng sức dân, yêu thương dân, trị vì quốc gia bằng lòng nhân ái, thì quốc vận sẽ bền lâu, quốc thái dân an, bách tính cũng được an cư lạc nghiệp. Nếu quân vương đi ngược lại những chuẩn tắc nhân nghĩa, dùng pháp luật nghiêm khắc, dùng cực hình, sưu cao thuế nặng, nô dịch bách tính, thì quốc gia rất nhanh chóng sẽ bị diệt vong. Bởi vì vua là thuyền, dân là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền, cho nên đạo trị quốc trước tiên nằm ở việc dưỡng sức dân. Cũng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói với vua Trần Anh Tông rằng: “Lấy khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được.”
Trong lịch sử Trung Hoa, hình mẫu nổi bật được sử dụng để so sánh cho tất cả các vương triều và các bậc quân chủ chính là Hoàng đế Đường Thái Tông và thời kỳ Trinh Quán chi trị. Đường Thái Tông đã mở đầu cho một thời kỳ Đại Đường thịnh thế chưa bao giờ xuất hiện trong sử sách. Về việc trị quốc, Đường Thái Tông cũng bàn luận rất nhiều, và rất xem trọng việc dưỡng sức dân.
Đường Thái Tông từng nói vào năm Trinh Quán thứ nhất:
“Ta thấy các bậc đế vương cổ đại, phàm lấy nhân nghĩa trị quốc, thì quốc vận sẽ bền lâu. Dùng hình nghiêm khắc thống trị người dân, dẫu có thể giải quyết những sự vụ cực đoan nhất thời, nhưng quốc gia rất nhanh sẽ bị diệt vong. Chúng ta đã nhìn thấy cách thành tựu sự nghiệp của bậc đế vương trước kia thì nên lấy đó làm gương cho bản thân.”
Năm Trinh Quán thứ 13, Đường Thái Tông nói với triều thần thân cận rằng:
“Rừng rậm rạp thì chim nghỉ chân, mặt nước rộng thì cá bơi lội. Nơi nhân nghĩa tích tụ, bách tính tự nhiên sẽ quy thuận. Con người đều biết sợ hãi, trốn tránh tai nạn, nhưng không biết rằng thực hành nhân nghĩa thì tai họa chẳng sinh. Cho nên người làm quan nên ghi nhớ trong tâm chuẩn tắc nhân nghĩa, thường tuân thủ mà thực hành. Nếu chỉ biếng nhác trong giây phút, thì cách tiêu chuẩn nhân nghĩa đã rất xa rồi. Điều này cũng ví như việc ăn uống có thể bổ dưỡng thân thể, thường khiến bụng no mới có thể bảo tồn được sinh mệnh.”
Năm Trinh Quán thứ 4, Phòng Huyền Linh bẩm tấu rằng: “Gần đây, thần kiểm tra áo giáp, vũ khí trong kho vũ khí đã vượt xa triều Tùy.” Đường Thái Tông lại nói:
“Sửa sang vũ khí, phòng chống xâm lăng, mặc dù là chuyện trọng yếu, nhưng ta yêu cầu trong tâm các khanh đều phải tồn chứa đạo trị quốc, nhất định phải dốc sức trung trinh, khiến bách tính được an cư lạc nghiệp. Đây chính là áo giáp và binh khí của ta. Lẽ nào Tùy Dạng Đế vì áo giáp, binh khí không đủ, mà bị diệt vong chăng? Chính là vì ông ta không tu nhân nghĩa, quần thần mới oán hận và phản bội ông ta. Các khanh nên minh bạch điểm này!”
Vương Khuê nghe xong, khấu đầu mà rằng: “Bệ hạ có thể hiểu được đạo lý này, thì bách tính trong thiên hạ quả thực quá hạnh phúc rồi!”
Bên cạnh tấm gương của Đường Thái Tông, hoàng đế Tống Quang Tông cũng cho rằng đạo trị quốc đứng đầu là việc dưỡng sức dân. Năm Thiệu Hi thứ 2, Tống Quang Tông hạ chiếu:
“Trẫm cho rằng đạo trị quốc, đứng đầu là dưỡng sức dân. Cho nên từ khi kế vị tới nay, đã giảm miễn sưu thuế, ban bố các điều lệ khoan hồng, hy vọng các nơi trong toàn quốc đều an khang, sung túc. Quan huyện tại các châu phủ địa phương là người gần gũi với người dân nhất, nếu thực sự có thể vỗ về, yêu mến và khoan hồng cho bách tính, đồng thời hồng dương đạo nhân chính, ắt có thể đạt được hiệu quả trị quốc trong sạch, sáng tỏ, nhờ vậy mà tranh chấp được dẹp yên.”
“Nhưng hiện giờ, theo phản ánh của mọi người, lại nghe nói quan lại thường thu thuế khóa trước, thu gom tài vật của dân, căn bản không hề suy xét tới khả năng gánh chịu của bách tính. Những người thu thuế ùn ùn kéo đến, liên tiếp chẳng dừng, quan lại tùy ý bóc lột, bức hại bách tính, căn bản không màng tới sự an nguy của người dân.”
“Ngoài việc quản lý tiền tài ra, trẫm chưa từng nghe các quan nói tới việc cai quản tốt đẹp, điều này rất không phù hợp với nguyện ý mà trẫm ủy thác cho các quan. Nguồn thu của quốc gia đã có lệ thường, sự ổn định của nó là việc quản lý, vận hành tốt đẹp, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào việc tham lam tích cóp tiền của của dân và đốc thúc một cách nghiêm khắc, nóng vội. Thông tỏ đạo lý sau trước, đây là yêu cầu quan trọng nhất và cơ bản nhất của trẫm đối với quan viên phụ trách các châu huyện! Từ nay về sau, các khanh đều phải thương yêu bách tính, coi việc quản lý, dưỡng dục bách tính là nhiệm vụ trọng yếu. Nếu có thể khiến bách tính an cư lạc nghiệp, trẫm sẽ thường xuyên ban thưởng.”
Trương Cư Chính, một danh thần thời nhà Minh cũng can gián Hoàng đế dưỡng sức dân, hậu đãi bách tính như sau:
“Tài phú mà thiên hạ sinh ra, nằm ở phủ quan hoặc tại dân gian, số lượng chỉ nhiều như vậy. Lấy con người làm ví dụ, thể chất bẩm sinh mạnh yếu khác nhau vốn đã là như vậy. Người giỏi giữ gìn, chỉ cần chú ý tiết chế và trân trọng thân thể, không gây tổn hại đến bản thân bởi những sở thích và ham muốn của mình, thì cũng đủ để ngăn ngừa bệnh tật và kéo dài thọ mệnh.”
“Trước kia, Hán Chiêu Đế kế vị sau khi Hán Vũ Đế nhiều năm chinh chiến liên tiếp. Lúc đó tài lực trong nước trống rỗng. Sau này, Hoắc Quang phò tá chính sự, tiết kiệm chi dùng, khiến bách tính được nghỉ ngơi dưỡng sức, vài năm như vậy, cuộc sống của người dân đã trở nên giàu có và an định. Nhờ vậy tài lực của quốc gia cũng đủ đầy.”
“Cho nên, so với việc tìm trăm phương ngàn kế trưng thu sưu thuế, không ngừng bòn rút từ nguồn tài phú hữu hạn, gây tổn hại cho bách tính, chi bằng hãy chú ý tiết kiệm, lấy từ nguồn của cải tự túc tự cấp còn dư, mà hậu đãi bách tính. Hy vọng hoàng thượng thương xót cho bách tính lầm than, gia ân cho họ. Phàm là những công trình không gấp rút, hay chuyện phu dịch vô ích, nhất loạt nên dừng miễn. Tôn sùng đức tính tiết kiệm, chất phác, làm gương cho người trong thiên hạ.”
Đạo trị quốc của cổ nhân dùng đức để cảm hóa lòng người. Bậc quân chủ tài đức vẹn toàn, thương dân như con, mới xứng với danh xưng “Thiên tử”, thay Trời vỗ về, làm lợi cho dân, cũng là tránh được tai họa cho bản thân mình, duy trì vận nước. Muốn biết vận nước ra sao, cứ nhìn vào việc quốc gia ấy dưỡng sức dân như thế nào là có thể đoán định được.
Theo Sound of Hope
Dũng Thư, Văn Tư Mẫn
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo:
- “Luận Nhân nghĩa – Trinh quan chính yếu”
- “Thực hóa chí – Tống Sử”
- “Trần Lục sự sơ – Trương Văn Trung Công toàn tập”
Mời xem video:
Từ khóa Đường Thái Tông đạo trị quốc dưỡng sức dân