“Thân phải cùng dưỡng, tâm phải phú dưỡng”
- An Hòa
- •
Nhà phê bình nghệ thuật người Anh, Ruskin từng nói: “Ngoại trừ một tâm linh chân thành, không có vẻ ngoài nào cao quý cả”. Hoa đẹp đến nhường nào mà không có rễ thì cũng khô héo, dòng nước trong đến đâu mà không có mạch nguồn rồi cũng cạn kiệt. Cho nên, tu dưỡng bản thân để mình trở thành người đẹp cả thân lẫn tâm là điều vô cùng quan trọng.
Một người muốn có cuộc đời tỏa hương thơm ngát thì thân tâm đều phải khỏe mạnh. Cổ nhân có câu: “Thân phải cùng dưỡng, tâm phải phú dưỡng”, tức là thân thể phải trải qua sự rèn luyện nghiêm khắc, tâm linh phải được nuôi dưỡng đủ đầy.
Thế nào là “Thân phải cùng dưỡng”? Nuôi dưỡng thân thể trong sự “nghèo khó” (cùng dưỡng) có nghĩa là thân thể con người phải trải qua sự rèn luyện nghiêm khắc. Thân thể trải qua rèn luyện nghiêm khắc thì người ta có khả năng kiểm soát bản thân trước dục vọng. Có mục tiêu, có ý chí, có ước mơ, những điều này có thể khiến con người tiến bộ, nhưng một khi dục vọng tăng lên, con người sẽ dễ bị mê hoặc, không còn nhìn rõ phương hướng mà đi vào con đường lầm lạc.
Trẻ nhỏ ngày nay thường được cha mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy, về mặt vật chất là không thiếu thứ gì. Điều này dẫn tới rất nhiều vấn đề về sức khỏe thân thể và sức khỏe tinh thần, ngoài ra còn khiến cho dục vọng vật chất của con người trở nên mạnh mẽ. Dục vọng mạnh mẽ rồi thì sẽ đòi hỏi nhiều hơn, trong khi đó ý chí lại thui chột mất, lòng người không thỏa mãn, sẽ cảm thấy mệt mỏi. Các bậc cha mẹ cần dạy con biết dừng, biết đủ, biết nghiêm khắc, như vậy đường đời mới có được hạnh phúc dài lâu. Đây cũng là đạo tu dưỡng sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời.
Một người cần phải cố gắng, nhưng không cần lần nào cũng phải ép bản thân xếp hàng đầu. Một người có thể coi trọng tiền bạc, nhưng đừng để lúc nào trong mắt cũng chỉ có tiền. Một người có thể cố gắng để đạt được điều gì đó, nhưng đừng coi thứ đó là mục tiêu duy nhất của đời người, bởi tiền tài danh vọng đều không thể bền lâu, khi sinh chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng chẳng quá ba bữa cơm.”
“Tâm phải phú dưỡng” là gì? Tâm là căn bản của con người, là suối nguồn của sinh mệnh và là gốc rễ của cuộc sống. Tâm phải nuôi dưỡng trong sự sung túc, phải nhân hậu, thiện lương. Lương thiện là bùa hộ thân tốt nhất của con người. Người mà tâm không thiện, nếu chịu sự kích động sẽ rất dễ đi sai đường. Nội tâm khoan dung lương thiện mới có thể khiến bản thân sống trong sự thoải mái vui vẻ. Bởi vậy, dưỡng tâm là vô cùng quan trọng.
Đại văn hào người Anh, Shakespeare từng nói: “Tâm địa thiện lương chính là vàng”. Nhà văn Pháp, Victor Hugo cũng từng nói: “Sự lương thiện là viên trân châu hiếm có trong lịch sử, người lương thiện dường như ưu tú hơn cả người vĩ đại”.
Người lương thiện trong tư tưởng đều chứa đựng những điều tốt đẹp, không đầu cơ trục lợi, không giở trò bịp bợm, luôn khắc ghi sự chân thành. Vì thế cho dù ở hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều vui vẻ giao thiệp và hợp tác với một người lương thiện phúc hậu. Vậy nên sự thiện lương sẽ mở rộng nhân duyên của con người, mang đến cho họ phúc báo.
Muốn “phú dưỡng” nội tâm thì phải thường xuyên học tập đạo lý, dùng tri thức làm phong phú bản thân, đọc sách của các bậc hiền nhân, từ đó tu dưỡng thành sự ung dung, bình thản mà đối mặt với mọi chuyện, không một chút hoang mang lo sợ. Thường xuyên thực hành, quan sát và suy ngẫm khiến cho người ta từng trải, hiểu biết sâu xa, suy nghĩ rộng mở, nội tâm cũng từ đó có được nhiều cảm ngộ và khai sáng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh tu dưỡng đạo đức dưỡng tâm