Đọc sách cho trẻ em nghe
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong khi đọc sách cho trẻ nghe ở Nhật, Mỹ, châu Âu rất phổ biến và trở thành một mục từ trên wiki thì ở ta chỉ có một bộ phận dân cư tiếp nhận được lý thuyết và thực tiễn này. Nhiều nơi ngay cả giáo viên mầm non, tiểu học vẫn chưa biết đến nó. Đó là điều đáng tiếc và cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.
Đọc sách cho trẻ nghe (yomikikase) là hành vi vừa cho trẻ nhỏ (chủ yếu là từ thời kì ấu nhi đến độ tuổi học tiểu học) xem sách (chủ yếu là ehon) vừa đọc to cho trẻ nghe. Ở Nhật Bản người ta cho rằng hoạt động này bắt nguồn từ việc kể chuyện đồng thoại do Iwaya Sazanami tiến hành vào năm 1896 (năm Minh Trị thứ 29) ở trường tiểu học thuộc Kyoto. Ở nghĩa hẹp, cũng có trường hợp nó chỉ cuộc nói chuyện.
Người ta cho rằng việc đọc ehon cho trẻ em nghe có tác dụng giáo dục tình cảm và học tập chữ viết. Do nó có thể được sử dụng như là phương pháp huấn luyện trẻ biết lắng nghe tập trung và có hiệu quả dẫn dụ vào hoạt động đọc sách khi trẻ lớn lên cho nên nhiều giáo viên tiểu học đã sử dụng nó trong thời gian dành cho đọc sách và những trường thực hiện hoạt động này còn sử dụng các tình nguyện viên, nhân viên thư viện, PTA (Hội giáo viên – cha mẹ học sinh) cho hoạt động này. Cũng có cả các thư viện tiến hành hoạt động đọc cho độc giả nghe tùy theo độ tuổi như là thư viện thành phố Ibusuki (tỉnh Kagoshima). Hoạt động này được các độc giả khó đọc các chữ nhỏ đánh giá cao.
Lịch sử
Ở Nhật Bản với tư cách là hoạt động của công dân, người ta tiến hành cho trẻ em mượn sách từ các cơ sở của địa phương để trẻ làm quen và trải nghiệm niềm vui của việc đọc sách. Các cơ sở này được gọi là tủ sách và tương tự những gia đình có tiến hành hoạt động này tại nhà thì nơi đó được gọi là tủ sách gia đình.
Ishii Momoko (1907-2008), người đã phụng sự cả đời cho việc đọc sách của trẻ em sau khi từ Mĩ về nước đã cùng với Muraoka Hanako và Tsuchiya Shigeko lập ra “Hội nghiên cứu tủ sách gia đình”. Bà đã mở một phòng của nhà mình làm “tủ sách Katsura” làm thư viện cho trẻ em.
Cuốn sách “Thư viện trẻ em” viết về hoạt động này (Iwanami Shoten, 1965) đã có cống hiến lớn cho sự phổ cập của các tủ sách gia đình trên toàn quốc. Agawa Sawako cũng là một người đã từng tới “tủ sách Katsura”. Hoạt động đọc sách cho trẻ em đã diễn ra với tư cách là hoạt động tủ sách dành cho trẻ em.
Mặt khác, giáo dục kĩ năng đọc sách chủ yếu là nhiệm vụ của trường học và ở thư viện công cũng có dịch vụ phục vụ đối tượng theo độ tuổi từ trẻ nhũ nhi tới học sinh tiểu học.
Ngày nay đọc sách cho trẻ em nghe được cọi là một bộ phận của dịch vụ phục vụ trẻ em và nó là thứ được hình thành dựa trên triết lý về quyền trẻ em được quy định trong quyết nghị của Liên hợp quốc và cũng là kết quả của trào lưu “phong trào xúc tiến đọc sách” với mục đích khuyến khích đọc sách và xây dựng môi trường đọc sách khi lượng đọc sách của trẻ em giảm, năng lực đọc hiểu sa sút.
Bước ngoặt lịch sử là năm 2000 khi năm này được chọn là “Năm đọc sách của trẻ em”. Cùng năm, tổ chức OECD đã công bố kết quả PISA và sự suy giảm về năng lực đọc hiểu đã trở nên hiển hiện.
Năm 2001 bộ luật thực thi phương châm liên kết tất cả các tổ chức có liên quan đến việc tạo ra môi trường đọc sách cho trẻ em bao gồm các thư viện trường học và thư viện công đã được thực thi. Bộ luật này có tên “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”. Trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương được đặt ra và phần lớn các địa phương đã xây dựng được “kế hoạch xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em”. Ngoài ra năm 2005, “Luật chấn hưng văn hóa đọc” cũng được ban hành. Những nội dung cụ thể của nó là xây dựng một số lượng các thư viện công cần thiết, trợ giúp các đoàn thể dân sự, làm phong phú hệ thống thủ thư, giáo viên làm công tác thư viện ở trường học, trợ giúp dịch và xuất bản, trợ giúp cho các xuất bản phẩm học thuật.
Năm 1998, Tổ chức chấn hưng công nghiệp văn hóa xuất bản (JPIC) với mục đích xây dựng môi trường cho hoạt động đọc sách và khuyến khích đọc sách ra đời. JPIC đã tổ chức các diễn đàn phong phú nhằm đào tạo những tình nguyện viên đọc sách. Và từ đây, hoạt động đọc sách cho người khác nghe đã ra đời từ chính trong phong trào xúc tiến hoạt động đọc sách.
Hiệu quả
- Giáo dục năng lực nghe
- Giáo dục năng lực tưởng tượng bằng ngôn ngữ
- Giáo dục năng lực hiểu văn bản
- Giáo dục hứng thú đối với sách
- Giao lưu người đọc và người nghe
Địa điểm và đối tượng
- Đối tượng chủ yếu sẽ là trẻ em từ 0 tuổi đến học sinh trung học cơ sở.
- Gia đình: Cha mẹ – con cái, ông bà – các cháu.
- Nhà trẻ, trường mẫu giáo: phụ huynh – trẻ em
- Trường tiểu học: giáo viên (giáo viên làm công tác thư viện) – học sinh; tình nguyện viên của thư viện – học sinh.
- Thư viện: thủ thư – độc giả tới thư viện; tình nguyện viên của thư viện – độc giả tới thư viện.
Thời gian
- Buổi sáng, giờ nghỉ trưa, khi kết thúc giờ học.
- Trước giờ ngủ trưa ở gia đình hay trường mầm non.
Những điểm cần chú ý
Đừng đọc kiểu khoa trương mà hãy đọc thật bình thản. Đó là vì việc đưa vào tình cảm quá mức của người đọc sẽ làm cho sự tưởng tượng của người nghe hẹp đi và có thể tác động tới ấn tượng về nhân vật xuất hiện trong sách. Ngoài ra cần phải đọc rõ từng từ để giúp trẻ dễ nghe và bắt chước.
Nhưng cuốn sách được đọc mặc dù là những cuốn được lựa chọn cho phù hợp với hứng thú của người nghe nhưng phản ứng của người nghe cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự khác biệt của từng cá nhân vì thế việc lựa chọn được cuốn sách tất cả các trẻ yêu thích là việc rất khó khăn. Cuốn sách được lựa chọn sẽ gần như là quyết định chất lượng của việc đọc vì vậy công việc lựa chọn sách rất quan trọng. Trong trường hợp người nghe là trẻ nhỏ thì việc đọc cho trẻ nghe nhiều lần một cuốn sách sẽ làm cho trẻ có phản ứng tương tác.
Sau khi đọc xong vấn đề đặt ra là có nên hỏi cảm tưởng của người nghe không. Kết quả thí nghiệm cho thấy có hai xu hướng: nhóm được hỏi về cảm tưởng khi được kiểm tra về nội dung cuốn sách sẽ có ưu thế ở nội dung liên quan đến việc hiểu nội dung và nhóm không được hỏi về cảm tưởng lại có lợi thế liên quan đến năng lực tượng tượng. Vì vậy, người đọc cần căn cứ vào mục đích của mình để quyết định có nên hỏi cảm tưởng của người nghe hay không.
Nguyễn Quốc Vương
Dịch từ Wikipedia tiếng Nhật
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ để đặt mua sách
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc