Ngày trẻ em đọc sách ở Nhật Bản
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ngày trẻ em đọc sách và bộ luật khuyến đọc
Nước ta mới chỉ bắt đầu có “ngày sách Việt Nam” (21/4) kể từ năm 2014. Đây là kết quả có được từ hoạt động không mệt mỏi của những người yêu sách và thiết tha với văn hóa đọc. Tuy nhiên, để “Ngày sách Việt Nam” đi vào thực chất và có tác dụng khuyến đọc rộng rãi, sẽ cần đến sự cố gắng bền bỉ nhiều hơn nữa. Trong sự nghiệp khuyến đọc này, những kinh nghiệm của Nhật Bản là một tham khảo tốt.
Ở Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng với văn hóa đọc sách, cũng có một ngày lễ được đặt ra nhằm khuyến khích thói quen đọc sách. Đó là “Ngày trẻ em đọc sách” được quy định là ngày 23 tháng 4 hàng năm.
“Ngày trẻ em đọc sách” ở Nhật Bản được chính thức quy định trong “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em“ được công bố và thực thi từ 12/12/2001. Tuy nhiên, nguồn gốc của ngày này có lẽ bắt đầu từ việc ra đời của “Liên minh nghị viên suy ngẫm về tương lai của trẻ em” vào năm 2000, năm được chọn là “Năm trẻ em đọc sách” với sự tham gia của các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái trong quốc hội cùng chia sẻ mục tiêu xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em. Đến tháng 12 năm 2000, “Dự án xây dựng luật chấn hưng hoạt động đọc sách của trẻ em” được khởi động và kết quả là dẫn đến sự ra đời của “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” được trình ra trước quốc hội vào tháng 11 năm 2001, sau đó được công bố và thực thi từ 12/12 cùng năm.
Bộ luật này gồm 11 điều và một phụ lục. Điều 1 xác định mục đích ra đời của bộ luật là “xác lập triết lý cơ bản liên quan đến việc khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em, làm rõ nghĩa vụ của nhà nước và các chính quyền địa phương đồng thời bằng việc xác định các nội dung cần thiết liên quan đến khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em mà thúc đẩy có kế hoạch và có tính tổng hợp các cơ sở khuyến khích trẻ em đọc sách từ đó tạo nên sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em”.
“Ngày trẻ em đọc sách” được quy định ở điều 10 của bộ luật này. Điều luật này ghi rõ mục đích của việc đặt ra “Ngày trẻ em đọc sách” là “nhằm làm sâu sắc mối quan tâm, sự hiểu biết của quốc dân về hoạt động đọc sách của trẻ em đồng thời nhằm nâng cao lòng mong muốn đọc sách của trẻ em” đồng thời quy định rõ “Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực thực hiện các hoạt động thích hợp với ngày đọc sách của trẻ em”.
Trong ngày đọc sách của trẻ em, chính phủ, chính quyền địa phương và các đoàn thể dân sự sẽ tiến hành các hoạt động thích hợp để khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em. Cũng trong ngày này Bộ trưởng bộ văn hóa, giáo dục, thể thao, khoa học và công nghệ sẽ trao phần thưởng vinh danh các tổ chức, tập thể có cống hiến lớn trong việc khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em.
Theo thông tin từ báo Giáo dục Nhật Bản ngày 13/4, năm 2016, Bộ trưởng bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ trao phần thưởng cho 141 ngôi trường công lập và tư thục, 48 thư viện công và tư cùng 58 cá nhân và đoàn thể khác đã có cống hiến lớn trong việc khuyến khích trẻ em đọc sách. Lễ trao thưởng được tiến hành trong “Diễn đàn khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” được tổ chức vào ngày 23/4. Trong diễn đàn này cũng có bài giảng về chủ đề “Năng lực của Ehon” do nhà văn chuyên viết Ehon, Miyanishi Tatsuya trình bày.
Những hoạt động khuyến đọc trong thực tế
Những hoạt động khuyến khích trẻ em đọc sách ở Nhật không chỉ diễn ra ở tầm vĩ mô mà xét ở phạm vi nhỏ ở từng gia đình, trường học và các địa phương những hoạt động này cũng được xúc tiến mạnh mẽ và cụ thể. Hệ thống thư viện của các trường đại học và thư viện công lập luôn mở rộng cửa cho người dân tới đọc. Đọc sách trở thành một thói quen, một nhu cầu bình thường như nhu cầu ăn, mặc, đi lại trong cuộc sống hàng ngày.
Sống ở Nhật, gia đình tôi cũng có cơ hội được tiếp nhận văn hóa đọc của người Nhật. Khi con trai tôi đầy 3 tháng tuổi và đến khám sức khỏe miễn phí định kỳ tại trung tâm phúc lợi, ngoài phần khám, tư vấn về sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, trung tâm còn giới thiệu cho cha mẹ biết về tầm quan trọng của việc đọc sách và sự phát triển trí tuệ, tâm hồn ở trẻ. Trung tâm cũng tặng mỗi cháu nhỏ đến khám một cuốn Ehon để cha mẹ đọc cho con nghe cùng địa chỉ thư viện có thể mượn sách miễn phí đọc cho con nghe.
Ở trường mầm non, ngay khi vào nhập học khoảng một tuần lễ, cho dù là ở độ tuổi nào, nhà trường đều có thông tin gửi tới phụ huynh về thư viện trong trường. Ở trường con trai tôi học có tủ sách ở từng lớp phục vụ tùy theo độ tuổi. Mỗi gia đình có con gửi ở đây được mượn 2 cuốn sách trong hai tuần để đọc cho con nghe.
Ở các trường học từ mầm non tới đại học thường có các câu lạc bộ đọc sách hoặc các cuộc thi đọc sách, viết bình luận về cuốn sách mình đã đọc. Đấy là một cách làm cho việc đọc sách trở nên hấp dẫn và thẩm thấu vào cuộc sống thường ngày. Có lẽ nhờ văn hóa đọc mà nước Nhật có nếp sinh hoạt văn minh, đặc biệt là văn minh nơi công cộng đáng kính nể.
Nguyễn Quốc Vương
Nhật Bản, 4/2016
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc