Ngheo kho 01
(Ảnh: Facebook Nguyễn Quốc Vương)

Đọc sách có… giàu không?

Lời bạt cho cuốn “Làm gì khi ta sinh ra và lớn lên trong nghèo khó”
VETT-NXB Dân trí, 2024

Cảm ơn các bạn đã đọc cuốn sách này tới những dòng cuối cùng.

Đây không phải là một cuốn sách dạy làm giàu dù tiêu đề của cuốn sách có thể làm cho bạn đọc ít nhiều liên tưởng tới điều đó. Tôi không đủ tư cách để viết về chuyện “làm giàu như thế nào”, việc ấy xin để các tỉ phú, các doanh nhân đã khởi nghiệp thành công, các nhà đầu tư có tài sản lớn lo.

Trong cuốn sách này tôi sẽ chỉ tập trung vào giải đáp nỗi niềm băn khoăn “làm gì khi sinh ra và lớn lên trong nghèo khó” của những bạn trẻ mà tôi gặp trong thực tế. Đấy không chỉ là một câu hỏi thuần túy khán giả đặt ra cho tôi trong các buổi giao lưu mà nó còn là nỗi ưu tư, băn khoăn, phiền muộn, là quá trình vật vã đầy dằn vặt để tìm kiếm cho mình một lẽ sống, một hướng đi giữa hiện thực ngổn ngang và nghiệt ngã.

Là một người sinh ra trong một gia đình nghèo, đã từng có quãng thời gian khá dài vật lộn với cuộc sống để tự lập tôi hiểu nghèo khó thực sự là một con quái vật, sống trong nghèo khó không phải là một điều dễ chịu và vượt qua nó không phải là chuyện dễ dàng. Nghèo khó không đẹp đẽ, lãng mạn như một số tác phẩm văn chương mô tả. Nó thực sự đã giết chết rất nhiều người và làm mòn mỏi, rã rời rất nhiều người khác. Trong thực tế cuộc sống không phải ai cũng vượt qua được nghèo khó để vươn lên, có được cuộc sống tốt đẹp. Rất nhiều người đã thực sự gục ngã. Những câu hỏi, những đề nghị đưa ra một lời khuyên của các bạn trẻ đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Những câu trả lời ngắn gọn tôi đưa ra khi ấy cho các bạn trẻ như “Hãy kiên nhẫn, nỗ lực trong học hỏi và lao động” làm cho chính tôi không cảm thấy thỏa mãn.

Cuốn sách này ra đời từ những chuỗi ngày tôi không ngừng suy ngẫm về câu hỏi ấy. Tôi hi vọng từ giờ về sau thay vì đưa ra vài lời khuyên ngắn gọn, chung chung, tôi có thể đưa cho các bạn cuốn sách này để các bạn có thể đọc và suy ngẫm thật sâu.

Có thể khi các bạn đọc cuốn sách này sẽ thấy ở đây chỉ đề cập đến các vấn đề mà “ai cũng biết cả rồi”. Rất có thể là như vậy. Nhưng tôi cho rằng, thực chất, trong thế giới chúng ta sống, những điều chúng ta được khuyên bảo, những điều chúng ta cần học hỏi, những vấn đề chúng ta đối mặt về cơ bản đã được đặt ra, được truyền đạt từ rất lâu trước đó và được lặp đi lặp lại. Những chân lý như phải kính hiếu cha mẹ, phải kính trọng thầy cô, phải biết ơn tổ tiên, phải chăm chỉ lao động, phải yêu thương đồng bào, đồng loại, không được trộm cướp, không được giết người, danh dự và phẩm giá cá nhân con người là cao quý… đã được truyền dạy từ rất lâu đời và được nhắc đi nhắc lại ở khắp nơi. Nhưng trên thực tế, bao nhiêu người giác ngộ sâu sắc chúng và sống với sự giác ngộ đó mỗi ngày?

Bởi khó khăn trong sự giác ngộ đó nên sự lặp đi lặp lại trong diễn đạt các chân lý có tính phổ quát hay căn bản ấy là dễ hiểu và tất yếu. Để nhận thức chân lý một cách sâu sắc và biến sự nhận thức, sự giác ngộ đó thành sức mạnh thì sự lặp lại luôn là cần thiết. Ai biết không ngừng suy ngẫm về các chân lý chung có tính phổ quát đó mỗi ngày, người đó sẽ có cơ hội giác ngộ và thay đổi bản thân. Hơn nữa, giác ngộ chân lý không thể chỉ dựa vào “ngôn ngữ thuần túy” tức là chỉ nghe và đọc một cách giản đơn. Bạn cần đọc rất nhiều cuốn sách được viết từ nhiều góc độ khác nhau chỉ để hiểu một câu ngắn gọn. Bạn cũng cần trải nghiệm, hành động trong thực tiễn để thấu hiểu điều đó bằng tất cả các giác quan, bằng cảm nhận của cơ thể và phát hiện ra mọi chiều kích của chân lý trong thế giới hiện tại. Một người chỉ đọc vài câu kiểu như “sức khỏe là quý nhất”, “sức khỏe là vàng” sẽ không thể nào nhận thức chân lý ấy sâu sắc bằng người đã đọc vài mươi cuốn sách về chủ đề sức khỏe, về những con người cụ thể, những tấm gương đã chiến đấu với bệnh tật, với bóng ma chiến tranh, nghèo đói để bảo vệ sự sống. Người đó cũng khó có thể có được nhận thức sâu sắc bằng những người đã chiến đấu với bệnh tật ngay từ lúc sinh ra để sống hữu ích và hạnh phúc.

Vậy nên, đọc sách là quan trọng và là công việc nền tảng để bạn thay đổi tư duy nhìn nhận vấn đề, có được minh triết trong cuộc sống nhưng bạn không thể chỉ nằm đọc sách mà thoát khỏi được nghèo khó. Bạn cần phải biến những gì đọc được đó thành sức mạnh của ý chí, thành ước mơ, thành phương pháp tư duy khoa học và giàu tính thực tiễn. Tiếp đến bạn phải hành động trong thực tiễn tức là phải học tập, rèn luyện thân thể, lao động một cách chăm chỉ, sáng tạo, bền bỉ không ngừng. Tức là bạn phải chuyển hóa những gì đọc được thành phẩm chất, năng lực, ý chí của bạn và “vật chất hóa” những thứ ấy thành hành động trong thực tiễn để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần.

Dũng cảm đối mặt với nghèo khó, thừa nhận sự hiện diện của nó, rồi nỗ lực nâng cao nhận thức, trui rèn ý chí và hành động hợp lý trong thực tiễn mới giúp bạn giải quyết được vấn đề. Tôi tin rằng tuy khó khăn và cần đến thời gian, cuối cùng, bạn cũng thoát khỏi nghèo khó và có thể tự lập. Có cuộc sống tự lập, không phải dựa dẫm vào ai, không bị thúc ép điên cuồng hàng ngày hàng giờ bởi chuyện cơm áo sẽ giúp bạn có cơ sở để sống một cuộc đời phong phú, hạnh phúc.

Quá trình viết cuốn sách này cũng là quá trình tôi hồi tưởng lại những trải nghiệm đã qua, những khó khăn mình đã đương đầu trong cả tâm hồn lẫn cuộc sống đời thường. Xin được bày tỏ ở đây lòng biết ơn đối với gia đình, thầy cô, bạn bè – những người đã luôn động viên, giúp đỡ tôi trong hành trình vượt khó để tự lập. Cảm ơn bạn đọc xa gần đã quan tâm và đọc những cuốn sách của tôi.

Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, 08/3/2024

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: