Đạo nghĩa vợ chồng của cổ nhân
- An Hòa
- •
“Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng” chính là thể hiện của tính cương. “Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật” lại là thể hiện của tính nhu. “Trời đất yên bình” là sự kết hợp của cương và nhu, là trạng thái âm dương cân bằng. Đó kỳ thực cũng chính là Đạo chung sống giữa người vợ và người chồng trong lý niệm của cổ nhân.
Khái niệm âm dương trong văn hóa truyền thống được nhắc đến rất nhiều, ở mọi phương diện như trong Thái Cực, Chu Dịch… Hầu hết những gì thuộc về truyền thống đều lấy âm dương làm nền tảng lý luận. Trong lý luận âm dương thì âm dương hòa hợp, cương nhu kết hợp được cho là trạng thái tốt nhất. Điều này áp dụng vào quan hệ vợ chồng thì như thế nào?
Vợ chồng là hai người giữ vị trí chủ đạo trong gia đình. Họ bên trên thì phụng dưỡng cha mẹ, bên dưới thì dưỡng dục con cái. Nếu như mối quan hệ vợ chồng mà rạn nứt thì cha mẹ không được phụng dưỡng, con cái không được dưỡng dục, cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với anh em, gia đình sẽ tan vỡ.
Trong “Đằng văn công thượng”, Mạnh Tử viết: “Phu phụ hữu biệt”, ý nói vợ chồng có sự khác biệt, bất đồng. Chính là giữa nam và nữ, từ sinh lý đến tâm lý, từ tư duy đến tập quán, từ tính cách đến hành vi, thậm chí là trách nhiệm gánh vác đều là khác nhau. Nam và nữ có sự khác biệt cho nên vợ và chồng có sự khác biệt.
“Phu phụ hữu biệt” được ghi chép sớm nhất trong Dịch Kinh. Dịch Kinh viết: “Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã”, người vợ chủ nội, người chồng chủ ngoại, cả hai làm đúng phận sự, đây là đại nghĩa của thiên địa âm dương.
Dịch Kinh cũng viết: “Âm nhu là đức tốt đẹp, trợ giúp quân vương, không nhận sự thành công về mình. Đó là đạo lý của đất, là đạo lý của người làm vợ, là đạo lý của người bề tôi.” Trong gia đình, người chồng là dương, người vợ là âm, âm nên phụ giúp dương mà không nên áp chế dương để hiển lộ mình, nếu không sẽ là nghịch Thiên.
Âm dương ngũ hành là đại đạo vận hành của Trời đất, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại thuộc tính âm dương. Người và sự vật nếu như đều có thể thuận theo sự an bài thì mới có thể cân bằng, hài hòa và yên ổn. Còn nếu như âm át dương, dương không bảo hộ âm, thì sẽ sinh ra biến dị, nghiêng lệch, không hài hòa. Âm dương đảo ngược, âm thịnh dương suy… đều là để nói điều này.
Trong gia đình, người chồng cương trực, vững chãi, khoan dung, độ lượng, làm người bao bọc gia đình. Ngược lại, người vợ ôn nhu, nhún nhường, mềm mại, làm người quán xuyến mọi việc bên trong. Đây chính là sự an bài theo đặc tính của người nam và người nữ. Vợ chồng có chủ có phụ, có trong có ngoài, có ân có tình, cùng hỗ trợ cho nhau thì sẽ xây dựng được một gia đình hòa thuận, đầm ấm.
Trong lịch sử có ghi chép lại một điển cố nổi tiếng về quan hệ vợ chồng của người xưa như vậy.
Vào thời nhà Hán, gia đình họ Mạnh sinh được một cô con gái tên là Mạnh Quang. Cô gái từ khi sinh ra đã có tướng mạo xấu xí nhưng lại hiền thục, thông minh và hiểu biết lễ nghĩa.
Gia cảnh họ Mạnh rất giàu có, số người đến cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng mỗi lần có người đến cầu hôn, cô đều không ưng ý. Dung mạo của Mạnh Quang mặc dù xấu xí nhưng cô cũng không vì thế mà cảm thấy tự ti, cũng không vì giàu có mà kiêu ngạo. Cô không truy cầu một cuộc sống danh lợi phú quý, trong nội tâm chỉ một mực tu dưỡng đức hạnh. Mặc dù tuổi đã lớn vẫn chưa thành thân nhưng cô cũng không vì thế mà lo lắng, hàng ngày đều hiếu kính cha mẹ, an phận với cuộc sống.
Thấy con gái mỗi năm một nhiều tuổi hơn, cha mẹ sốt ruột hỏi ý cô. Mạnh Quang liền trả lời: “Con hy vọng chồng mình có tiết tháo như Lương Hồng”.
Lương Hồng vốn là một hiền sĩ thời Đông Hán. Từ nhỏ ông vốn hiếu học, gia cảnh bần hàn, cha mẹ sớm đã qua đời. Lúc ấy, Lương Hồng tuy tuổi còn trẻ nhưng rất kiên nghị, chăm chỉ học hành, thậm chí nhờ tài năng mà có thể đến kinh thành học tập. Bởi vì ông thông minh hiếu học, tinh thông kinh sử, lại có đức hạnh nên mọi người đều kính nể ông.
Sau này Lương Hồng trở về quê, tiếp tục trau dồi đạo đức. Nhiều người ngưỡng mộ muốn gả con gái cho ông, không thiếu những cô gái con nhà cao quý, giàu có và xinh đẹp, nhưng đều bị Lương Hồng khéo léo từ chối. Trong lòng Lương Hồng chỉ tôn sùng đức hạnh. Ông cũng hy vọng có thể tìm được một người cùng chung chí hướng.
Sau khi Lương Hồng biết về Mạnh Quang, ông đã đến cầu hôn. Mạnh Quang cũng ưng ý mà chấp thuận.
Họ Mạnh rất vui mừng, nên cố ý để Mạnh Quang mặc và trang điểm xinh đẹp trong ngày kết hôn. Nhưng vào ngày đó, ai nấy đều vô cùng bất ngờ và vui vẻ, duy chỉ có Lương Hồng lại không thèm nhìn ngắm vợ. Mạnh Quang về nhà rồi, Lương Hồng cũng rất lạnh nhạt, khiến Mạnh Quang hồ nghi, tự kiểm điểm thấy cũng không có gì thất lễ.
Khi Mạnh Quang hỏi, Lương Hồng bèn nói: “Nàng trước nay quen sống sung sướng, làm sao có thể sống cuộc đời ẩn cư được?”
Mạnh Quang hiểu ra, bèn quay trở lại phòng thay một bộ trang phục vải thô bước ra. Lương Hồng thấy vậy mừng rỡ nói: “Đây mới thực sự là vợ ta.”
Về sau, hai vợ chồng cùng nhau đến núi Bá Lăng ẩn cư. Lương Hồng hàng ngày ra ruộng cày cấy còn Mạnh Quang ở nhà dệt vải, làm nội trợ, rất chăm chỉ. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại cùng nhau đọc sách, đánh đàn. Cuộc sống của họ tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc.
Mỗi lần Lương Hồng trở về nhà, Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Mỗi lần mời chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi đầu và cung kính nhận lấy. Cả hai vợ chồng dùng lễ mà đối đãi với nhau.
Có một lần Cao Bá nhìn thấy cảnh này đã vô cùng cảm thán, đem kể với mọi người, cũng từ đó mà điển cố này được lưu truyền mãi. Đây chính là nguồn gốc của câu “cử án tề mi” (nâng mâm lên ngang lông mày), cũng là một minh họa điển hình của câu “tương kính như tân” (hai vợ chồng hiểu lễ nghĩa, coi nhau như khách quý mà đối đãi).
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đối nhân xử thế của người xưa đạo nghĩa vợ chồng hôn nhân truyền thống