Nói về khoa bảng người xưa có câu “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót”, “nhất Mỗ” ở đây là ý chỉ làng Thiên Mỗ (nay là phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng về học vấn khoa bảng. Nơi đây có 10 người đỗ đại khoa, đặc biệt là dòng họ Nguyễn Quý có 2 đời làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), 1 đời làm Bồi tụng (chức quan chỉ dưới Tham tụng).

nha tho
Nhà thờ họ Nguyễn Quý thờ Tam vị Đại vương: Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính. (Ảnh: “Báo Giáo dục & Thời đại)

Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức

Vị Tể tướng đầu tiên của làng Thiên Mỗ là Nguyễn Quý Đức. Ông dù sinh ra trong gia đình nghèo khó, thuở nhỏ đi chăn trâu, nhưng khi đi học thì nổi tiếng là thần đồng.

Năm 15 tuổi, Nguyễn Quý Đức đã đỗ kỳ thi Hương. Năm 29 tuổi ông vượt qua kỳ thi Hội, rồi đỗ đầu kỳ thi Đình tức Thám hoa (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn)

Ông làm quan qua các chức vụ khác nhau, viết tiếp cuốn sử “Đại Việt sử ký bản tục biên” từ thời vua Lê Hy Tông.

Nguyễn Quý Đức làm quan 42 năm, trong đó có 10 năm giữ chức Tham tụng (tương đương Tể tướng). Ông làm quan thanh liêm, lo lắng cho dân chúng, giảm bớt nhiều điều luật phiền hà sách nhiễu dân chúng, lại chăm lo giáo dục tiến cử người tài.

Người dân khắp nơi đã lan truyền câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”. Tể tướng Lê Hy cổ nhân có nhiều đánh giá khen chê khác nhau, nhưng Tể tướng Quý Đức thì dân chúng khắp nơi đều tin tưởng yêu mến.

Nguyễn Quý Đức làm quan tài năng, khi về già ông xin nghỉ hưu nhưng không có ai thay thế được, nên không được ân chuẩn. Phải sau 3 lần xin, đến năm 72 tuổi, ông mới được ân chuẩn cho nghỉ hưu.

Ông để lại 10 mẫu ruộng cho làng, trong đó 4 mẫu để lập chợ Khánh Nguyên tức chợ Mỗ – đây là một chợ lớn trong vùng.

Năm 1720, Nguyễn Quý Đức mất, được tặng Thái tể, truy phong Đại vương và được dân chúng thờ làm Phúc thần.

Nguyễn Quý Ân

Nguyễn Quý Ân là con cả của Nguyễn Quý Đức. Quý Ân năm 21 tuổi đỗ kỳ thi Hương, năm 25 tuổi đỗ khoa Sĩ vọng và được tuyển vào làm Thị nội văn chức, 30 tuổi làm nội giảng ở Quốc Tử Giám.

Khoa thi năm 1715, Nguyễn Quý Ân là một trong hai người đỗ đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp), khoa thi này không lấy ai đỗ Đệ nhất giáp (tức tam khôi). Triều đình đã ban một thớt voi, hai cỗ ngựa cùng mũ áo, cờ xí đưa ông bái tổ vinh quy về làng.

Lúc này bút pháp văn chương của Nguyễn Quý Ân là hàng đầu, chúa Trịnh Cương giao ông làm Quốc sư dạy dỗ Thế tử.

Ông cùng Vũ Công Tể thực hiện việc cải cách, giúp dân khai khẩn ruộng hoang, trồng dâu nuôi tằm, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp. Ông làm quan đến chức Bồi tụng (chỉ sau chức Tham tụng).

Khi ông mất được truy tặng Thượng đẳng phúc thần, phong Đại vương, được các làng trong tổng Mỗ thờ là Thành hoàng.

nha tho 2
Nhà thờ họ Nguyễn Quý xây dựng năm 1721, hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật liên quan đến các nhà khoa bảng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Nguyễn Quý Kính

Nguyễn Quý Ân có người con trưởng là Nguyễn Quý Kính. Ông làm Thái học tự khanh dạy dỗ cho Trịnh Doanh (sau này lên ngôi Chúa), rồi được giữ chức Bồi tụng.

Lúc này chúa Trịnh Giang nghe theo hoạn quan khiến đám này lộng hành, hãm hại người trung lương, đưa Chúa vào con đường chơi bời, muôn dân thống khổ, khởi nghĩa khắp nơi.

Sau 10 năm ở ngôi, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý” – tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Hoạn quan Hoàng Công Phụ xây hầm cho Chúa ở gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm này không dám ra ngoài. Hoạn quan Hoàng Công Phụ càng được dịp tác oai tác quái. Đàng Ngoài hỗn loạn không còn kiểm soát được.

Trịnh Thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa em của Chúa là Trịnh Doanh lên ngôi, tuy nhiên Hoàng Công Phụ bức ép khiến không thể làm gì.

Nguyễn Quý Kính đã thực hiện kế hoạch nhằm áp chế đám hoạn quan hại dân hại nước, đưa Trịnh Doanh lên ngôi. Cuối cùng việc lớn thành công, ông có công lớn nên được phong chức Tham tụng tức Tể tướng đầu triều.

Ở ngôi Tể tướng trong cảnh Đàng Ngoài hỗn loạn, ông đỗ nỗ lực nhằm giúp dân chúng yên ổn.

Khi tuổi cao Nguyễn Quý Kính xin nghỉ hưu mấy lần nhưng không được. Đến năm 65 tuổi ông mới được Chúa ân chuẩn, nhưng một năm sau Chúa lại gọi ông vào Triều để cố vấn.

Năm 74 tuổi, Nguyễn Quý Kính mất, vua Lê và chúa Trịnh khóc thảm thiết trước linh cữu của ông, phong ông làm Đại vương, Thượng đẳng phúc thần, sắc cho các làng trong tổng Mỗ thờ làm Thành hoàng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: