Dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần góp công với Xã Tắc
- Trần Hưng
- •
Họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần có 5 đời liên tục làm quan lớn, trong đó 3 đời liên tiếp đỗ đại khoa, góp công lờn giữ an dân, ổn định Xã Tắc, được dân chúng tôn kính thờ phụng.
Làng Trung Cần
Xã Trung Phúc Cường ở Nghệ An xưa kia vốn là 3 xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường. Thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng tử Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu Nghệ An đã khai phá đất đai lập thêm làng xóm, hình thành nên vùng đất mới gọi là Nam Hoa Thượng.
Việc khai phá đất đai vẫn tiếp tục khiến vùng đất mới Nam Hoa Thượng ngày càng rộng hơn. Vùng đất phía nam của Nam Hoa Thượng tách ra gọi là Nam Hoa Trung, sau gọi là Nam Thận, Trung Thận, cuối cùng gọi là làng Trung Cần.
Tên goi Trung Cần xuất phá từ câu “Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận” nghĩa là con trai quý ở siêng năng trung thực, con gái quý ở trinh tiết thuận thảo.
Người đỗ khai khoa: Nguyễn Trọng Thường
Làng Trung Cần có dòng họ Nguyễn Trọng sinh ra nhiều bậc nhân tài đỗ đạt phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc. Người đỗ khai khoa cho dòng hộ là Nguyễn Trọng Thường, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1712 thời vua Lê Dụ Tông.
Từ nhỏ Nguyễn Trọng Thường siêng năng học tập, năm 19 tuổi đã nhiều người biết tiếng về tài văn chương. Ông là người mở đầu cho con đường khoa bảng vẻ vang cho dòng họ.
Sau khi thi đỗ ông làm quan qua các vị trí khác nhau, năm 1730 thăng làm Hoằng tín đại Phu, Thượng bảo Tư Khanh, Tu thận doãn. Đến năm 1732, ông được thăng làm Trung trinh đại phu, hàn lâm viên Thừa chỉ, Khuông mỹ doãn. Đến năm 1734, ông được thăng làm Gia hạnh đại phu Hình bộ Hữu thị lang Tư Chính Khánh Hữu Thị lang hộ Bộ.
Trong hơn 20 năm làm quan ông trải qua nhiều vị trí và địa phương khác nhau, đem tài năng của mình phụng sự cho Xã Tắc, giữ yên dân chúng, có nhiều sắc phong của Triều đình khen ngợi ban thưởng cho ông, như sắc phong năm 1714 như sau:
“Sắc cho Cẩn lang Giám sát ngự sử, hạ liên của đạo Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Thường. Do nhậm chức làm tốt công việc, phụng chỉ của Đại nguyên soái thống quốc Chính Thượng sư An Vương, triều thần có nghị bàn, nên thăng chức Hiến sát sứ, đáng là Mậu lâm lang Thanh hiền hiến sát sứ ty Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, bậc hạ trật. Vậy nên ban sắc”.
Năm 1780, Nguyễn Trọng Thường được cử làm Đốc trấn Lạng Sơn, ông làm tốt công việc, giúp dân chúng nơi đây an cư lạc nghiệp. Ông được dân lập đền thờ khi còn đang sống, đền thờ có bức trướng ghi chép rằng:
“Phượng bút tế mỹ, khắc triều tiền nhân, quyết đức nhược công, đương tất hữu bảo thế nhi tư nhân giả hồ! Nghi hồ đình tiền quế thụ, bất cận tàm hòe ngũ quế kỷ dã. Hựu viết: Hạnh ngô công nhu viễn năng nhĩ , tri tứ phương chi dân, tụ tứ phương chi hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc sơ kỳ. Phi thị dân như tử, kiến công như kiến phụ mẫu dã.”
Nghĩa là:
Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân. Lại có câu: May được gặp ông khiến cho kẻ xa quỵ phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là ông coi dân như con, và dân gặp ông như gặp được mẹ vậy.
Lại có câu ca ngợi công đức của ông: “Danh vang Bắc Đẩu, đức trứ Nam Bang, cái Trung Châu bát dã” (nghĩa là: Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu) (Theo bản dịch của Bùi Văn Lịch trong “Thanh Chương Xưa và Nay” – Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội 2010).
Nguyễn Trọng Đang
Con trai Nguyễn Trọng Thường là Nguyễn Trọng Đang từ nhỏ đã thông minh lại ham học, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1769 đời vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu Thảo, Lạp Sơn bá, phụng sai Đốc đồng xứ kinh Bắc, Thị tham chính xứ Thanh Hoa. Trong thời kỳ làm quan, ông nổi tiếng là người thanh liêm chính trực, hết lòng vì dân.
Nguyễn Trọng Đường
Cháu nội Nguyễn Trọng Thường là Nguyễn Trọng Đường, từ nhỏ đã có tư chất thông minh, lớn lên thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1779 thời vua Lê Hiển Tông.
Ông được cử làm Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam, sau đó làm phó sứ sang bang giao với nhà Thanh. Ông hoàn thành nhiệm vụ, vua Càn Long rất mến và tặng ông 4 chữ “Nam giao bình hãn” (tức rường cột của cõi nam); đồng thời phong là Lưỡng quốc Hàn lâm cùng bức đại tự có 4 chữ “Tam Thế Sứ Hoa” thêu trên lá cờ bằng gấm.
Hoàn thành tốt việc đi sứ bang giao với nhà Thanh, khi về nước ông được phong làm Thị Chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá.
Sau này đất nước trải nhiều biến động. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, Nguyễn Trọng Đường được Triều đình mới tin tưởng mời làm Kinh Hoa điện Đại học sĩ, bổ chức Đốc học Trấn Sơn Nam Thượng, tước Thanh Ngọc hầu. Ộng lập nhiều công lao giúp nhà Nguyễn thuở ban đầu ổn định đất nước.
Nguyễn Trọng Vũ
Con trai của Trọng Đường là Nguyễn Trọng Vũ được Triều đình tin tưởng cử làm Đốc học, phụ trách việc học tập của cả thành Gia Định: “làm thầy dạy bảo cho điều lễ nhưỡng thì dễ hóa làm thiện mà thành tài cũng nhiều đó” (Đại Nam thực lục, tập 2).
Năm 1824 Nguyễn Trọng Vũ được cử làm phó sứ bang giao với nhà Thanh, hoàn thành nhiệm vụ trở về ông được thăng làm Thiên sự bộ Công.
Năm 1828 ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, khi trở về được thăng qua các vị trí khác nhau, đến năm 1833 thì giữ chức Binh bộ Hữu thị lang và Thự hữu Tham tri bộ binh.
Trong suốt cuộc đời làm quan Nguyễn Trọng Vũ hoàn thành tốt công việc được giao, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp.
*
Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần 5 đời liên tiếp làm quan, trong đó có 3 đời liên tiếp đỗ đại khoa, có công lớn với Xã Tắc, được dân chúng kính trọng tôn thờ. Dòng họ có nhiều lần đi sứ đều hoàn thành nhiệm vụ mà không làm nhục mệnh Vua, 4 đời liên tục có người đảm đương bảo vệ vùng biên giới đều giúp an dân, đóng góp công lớn cho Giang Sơn Xã Tắc.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dòng họ khoa bảng