Theo dòng lịch sử khoa bảng, họ Vũ có 166 người đỗ đại khoa, trong đó có nhiều nhân tài kiệt xuất. Khởi đầu là Vũ Vị Phủ đỗ khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông, kết thúc là Vũ Khắc Triển đỗ khoa thi năm 1919 – cũng khoa thi cuối cùng. Các nhân tài họ Vũ đã để lại nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương trong lịch sử.

khí tiết, Chuyện một nhà ba ông Trạng Toán, Trạng Chằm, Trạng Ăn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hai anh em trở thành Tể tướng trụ cột của nhà Trần

Người đỗ khai khoa cho họ Vũ làng Mộ Trạch là anh em Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông (Vũ Hán Bi), hai anh em cùng đỗ Thái học sinh khoa thi năm 1304 thời vua Trần Anh Tông.

Vũ Nghiêu Tá làm quan đến chức Nội thị hành khiển Tả bộc xạ (tức Tể tướng). Năm 1329, vua Trần Minh Tông lên làm Thượng Hoàng, đưa Trấn Hiến Tông lên ngôi khi mới 10 tuổi. Vì Vua con nhỏ tuổi nên Vũ Nghiêu Tá được tin tin tưởng làm Nhiếp chính cho Vua.

Đến cuối thời vua Trần Hiến Tông, Vũ Nông lại nối bước anh mình làm Nội thị hành khiển Tả bộc xạ. Hai anh em trở thành trụ cột của Triều đình nhà Trần.

Những nhân tài giúp nhà Lê thuở lập nước

Sau này, họ Vũ có Vũ Mộng Nguyên người làng Viên Khê huyện Đông Sơn (nay là thôn Vĩnh Khê huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Khoa thi năm 1400 thời nhà Hồ, cùng đỗ khoa thi này còn có Nguyễn Trãi.

Vũ Mộng Nguyên mới 20 tuổi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh, tuy nhiên ông không làm quan vì nhà Hồ mới cướp ngôi nhà Trần. Ông chọn về quê dạy học, đến thời nhà Lê mới ra làm quan giúp nước.

Ông giúp đào tạo rất nhiều trò giỏi, trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư. Ông để lại 36 tác phẩm trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

Khi nhà Lê mới thành lập, Triều đình chưa thể ổn định đất nước để tổ chức kỳ thi khoa bảng cỡ lớn, nên chỉ tổ chức các kỳ thi Minh kinh nhằm tìm người tài giúp nước. Trong kỳ thi Minh kinh đầu tiên tổ chức năm 1429, có một người họ Vũ thi đỗ là Vũ Vĩnh Trinh người huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Đại học sĩ quyền Lễ bộ Hữu thị lang, kiêm Bí thư giám, Tri kinh diên sự. Góp công lớn trong buổi đầu dựng nước của Triều đình nhà Lê.

Năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông, Triều đình tổ chức khoa thi lớn quy mô lớn đầu tiên, quan Hành khiển Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trãi và Vũ Mộng Nguyên chấm thi. Tại khoa thi này Vũ Lãm người làng Tiên Kiều huyện Kim Động (Nay là thôn Tiên Kiều xã Bảo Khê huyện Kim Thi) đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Hàn lâm viện trực học sĩ. Ông có 5 bài thơ được lưu lại trong “Toàn Việt thi lục”.

Trạng Toán

Thời vua Lê Thánh Tông nổi tiếng là thời thịnh trị nhờ “Vua sáng tôi hiền”, và họ Vũ đóng góp rất nhiều nhân tài kiệt xuất, đầu tiên là Vũ Hữu người làng Mộ Trạch.

Ngay từ thuở nhỏ Vũ Hữu đã nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm về tính toán, trong làng ai có tranh chấp phân chia ruộng đất đều nhờ cậu bé tính toán giúp. Tiếng đồn lan khắp cả vùng Đường An, trấn Hải Dương.

Năm 1460, vua Lê Thánh Tông lên ngôi và tổ chức khoa thi đầu tiên dưới thời của mình vào năm 1462. Sĩ tử dự thi có các thần đồng nổi tiếng từ nhỏ là Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Nguyễn Đức Trinh. Vũ Hữu cũng là thần đồng từ nhỏ nhưng chỉ về khả năng tính toán.

Khoa thi này Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp và được giao giữ chức Lang trung ở Khâm hình viện. Là người giỏi tính toán, ông được giao sửa chữa thành Thăng long, tính toán chính xác số vật liệu cần dùng, lượng nhân công cũng như số ngày để hoàn thành, cũng dự toán trước được kinh phí cần bỏ ra.

Vũ Hữu được biết đến là người rất giỏi toán, ông đã lập ra phép “đại thành toán pháp” nhằm giúp người dân đo đạc ruộng đất, nhà cửa. Dân chúng yêu quý ông, nên dù không phải Trạng nguyên, nhưng dân chúng vẫn gọi ông là Trạng Toán.

Trạng nguyên với bài Văn sách kiệt tác

Khoa thi năm 1472, họ Vũ có Vũ Kiệt đã vượt qua tất cả các sĩ tử khác để lên ngôi Trạng nguyên. Bài Văn sách của ông được xem là kiệt tác chống tham nhũng, được đánh giá là “tiếng trống thức tỉnh Triều đình”.

Vua Lê Thánh Tông tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho Bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng cho Bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương. Nhờ đó mà nạn tham nhũng bị dẹp bỏ, tạo nên thời kỳ Hồng đức thịnh trị bậc nhất trong lịch sử.

“Nước chảy đá mòn”: Trạng nguyên nhờ vợ

Khoa thi kế tiếp là khoa thi năm 1475, họ Vũ lại có một đại diện xuất sắc là Vũ Tuấn Chiêu trở thành Trạng nguyên với bài Văn sách nổi tiếng giúp dân giàu binh mạnh với những kiến giải rất sâu sắc.

Trạng Nguyên
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. (Ảnh: Hovuvovietnam.com)

Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu không thể đạt được thành tích này nếu không có người vợ tần tảo luôn động viên, giúp ông kiên trì học hành và đỗ đạt khi đã ngoài 50 tuổi.

Thuở trẻ Vũ Tuấn Chiêu mặt mày khôi ngô nhưng học hành lại tối dạ. Mười mấy năm đèn sách, ngày ngày đều đến thầy, nhưng không mấy tiến bộ. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì cố gắng, đến khi tuổi đã ngoài tứ tuần ông vẫn đến lớp học cùng đám hậu sinh tóc còn để chỏm.

Biết thế nhưng vợ ông là bà Trần Thị Chìa vẫn tần tảo hàng tháng đều đặn gánh gạo từ nhà ở làng Xuân Lôi (huyện Nam trực) đến Hạ Vũ (nay là thôn Vũ Lao, xã Nam Tân, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định) cho chồng, lại đưa thêm tiền chu cấp để ông yên tâm ăn học, lần nào cũng khuyên nhủ chồng cố sức học.

Thầy giáo rất chê Vũ Tuấn Chiêu, nói với bà Chìa rằng trò Chiêu lớn tuổi rồi mà học hành kém quá, nhắn bà đưa chồng về. Bà Chìa dù không đành lòng nhưng vẫn cùng chồng ra về. Đến đầu làng, hai vợ chồng dừng chân nghỉ bên chiếc cầu đá bắc qua nhánh sông nhỏ. Vũ Tuấn Chiêu nhìn thấy mấy cây cột đá chân cầu bị mòn vẹt mới hỏi vợ, bà Chìa đáp rằng:

“Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu! Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước thì mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn, cho nên làm việc gì nếu có chí, sự kiên trì, nhẫn nại tất sẽ thành”.

Lời người vợ hiền khiến Vũ Tuấn Chiêu bừng tỉnh, ông bảo vợ về nhà, còn mình mang quần áo sách vở trở lại để tiếp tục học, gặp thầy ông thưa rằng:

“Nước chảy đá mòn, thưa thầy việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì thế nào cũng sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày chiếm tên trên bảng vàng, trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau là đền đáp tấm lòng của vợ và cũng là để thỏa cái chí của con”.

Từ đó Vũ Tuấn Chiêu quyết chí học tập, đến khoa thi năm 1475, bài Văn sách với kiến giải sâu sắc đã đưa Vũ Tuấn Chiêu lên ngôi Trạng nguyên.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: