Duy vật biện chứng của ĐCSTQ: Vì sao mâu thuẫn với thực tế?
- Blogger Thuận Nhân
- •
Biện chứng là một phương pháp luận của cả nền triết học phương Đông và phương Tây cổ đại, và không phải là một điều gì mới mẻ như trong tuyên truyền về cái gọi là “duy vật biện chứng” của ĐCSTQ. Nó đã tồn tại từ rất lâu ở phương Đông thông qua các đạo lý cổ xưa. Khi sử dụng phương pháp biện chứng, người ta sẽ nhìn sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau, trong sự vận động của chỉnh thể xung quanh nó.
Một phương pháp biện chứng cổ xưa quen thuộc trong nền triết học phương Đông là thuyết âm dương thái cực, giảng rằng một tổng thể có hai mặt đối lập, nhưng lại vận động tương hỗ, bù đắp lẫn nhau; lại giảng cái này thịnh, thì cái kia suy; nhưng thịnh quá hay suy quá thì “vật cực tất phản” (cái gì quá thì sẽ đi về phía đối lập), v.v. Cũng từ đó, ẩn ý cho con người ta tìm kiếm đạo trung dung, cân bằng, biết đủ, dù không bằng người, nhưng không bao giờ suy bại. Tương tự như thế, lý âm dương cũng khiến con người ta biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách bình hòa, như hai mặt âm dương đối lập vẫn có thể tương hỗ bù đắp cho nhau.
ĐCSTQ thường tuyên truyền rằng dựa theo lý luận biện chứng, xã hội cũ là một xã hội bất bình đẳng, rằng mối quan hệ giữa chủ đất và nông dân, chủ xí nghiệp và công nhân là mối quan hệ cướp đoạt, nô lệ hóa. Theo sự vận động thì mối quan hệ đó sẽ bị thay thế. Đảng kích động người dân nghèo vùng lên đấu tranh giải phóng chính mình để thúc đẩy xã hội. Theo đó, chỉ khi người dân nghèo nắm quyền, thì mới không còn tầng lớp thống trị và bị trị, mới giải quyết được mâu thuẫn xã hội và đưa xã hội loài người lên đến đỉnh cao nhất.
Nhưng thực chất, suy luận này không hề biện chứng một chút nào. Cũng giống như lẽ âm dương, bất cứ mối quan hệ nào cũng có mặt cực đoan và mặt trung dung của nó. Ví dụ như chủ đất trải qua lao động hoặc kế thừa nhiều đời mới sở hữu được đất, để nông dân có nơi làm việc. Từ đó, nông dân làm ra giá trị, và giá trị đó được phân chia dựa theo một nguyên tắc giao ước từ trước. Chủ đất không chỉ cho thuê đất, họ có thể làm những công việc cứu chữa thiên tai, sửa chữa cơ sở vật chất trong làng, thậm chí mua sắm công cụ lao động, hay sửa sang hệ thống thủy lợi, v.v. Nếu biết trung dung, sự phân chia giữa chủ đất và nông dân sẽ là công bình. Nhưng nếu bất cứ bên nào quá tham lam (không chỉ là chủ đất), thì vật cực tất phản, mối quan hệ bị phá vỡ.
Nếu tuyên truyền đập bỏ quan hệ xã hội, thì tại sao ĐCSTQ lại cho người tư bản vào đảng? Tại sao đảng đồng ý cho sở hữu tư nhân, sở hữu đất đai? Tại sao đảng vẫn cho các xí nghiệp nhà máy hoạt động theo hình thức chủ – người làm thuê? Điều đó để nói lên một sự thật rằng: Điều mà ĐCSTQ tuyên truyền chẳng qua là để kích động người dân nhiệt tình đi theo bức tranh thiên đường mà đảng tô vẽ.
Việc ĐCSTQ kích động người dân nghèo đấu tranh, giết hại chủ đất, chủ xí nghiệp, chỉ là cách làm cực đoan, làm sụp đổ đạo đức và nhân tính của con người. Nó khiến những kẻ vô công rồi nghề trong xã hội Trung Quốc trở thành những kẻ lưu manh đi đầu hưởng ứng cuộc vận động. Nó khiến những người dân trong một làng, mới vừa an ổn nói chuyện với nhau buổi sáng, có thể nhẫn tâm giết hại nhau vào buổi chiều. Nó khiến những người bị gọi là “cường hào” dù có đạo đức, dù vẫn thường quan tâm giúp đỡ những dịp thiên tai, thậm chí sửa chữa trường học trong vùng, vẫn bị đấu tố đến chết… Cuộc cải cách ruộng đất của ĐCSTQ đáng nhẽ đã có thể làm một cách hòa bình như Chính phủ Quốc dân đã thực hiện ở Đài Loan… (Xem bài: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?)
Một cách giải quyết mâu thuẫn xã hội khác mà ĐCSTQ tuyên truyền là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, vẽ ra một thiên đường tươi đẹp, không có khổ sở cho người Trung Quốc theo đuổi. Kết quả là vật cực tất phản, chẳng ai muốn sáng tạo, chẳng ai muốn cố gắng, chẳng ai muốn mình phải làm nhiều hơn, nhưng tất nhiên, ít nhất là phải đòi chia phần cho được bình đẳng. Sự sụp đổ đạo đức con người ở một phương diện khác… Nạn đói lớn xảy ra… và rồi các hợp tác xã lại phải nhanh chóng quay trở về hình thức khoán. Tài nguyên được cướp từ một số người, công hữu hóa, rồi lại được chia cho những người khác – trong bộ máy của ĐCSTQ.
ĐCSTQ nói rằng đưa tầng lớp bị trị lên nắm quyền thì sẽ chấm dứt mâu thuẫn xã hội, đưa xã hội loài người lên đến đỉnh cao. Nhưng đó chỉ là một sự viển vông. Chưa nói đến việc vật cực tất phản, trong một xã hội có chính phủ, có ĐCSTQ ở trên, thì vẫn có mối quan hệ kẻ trị – người bị trị. Mối quan hệ đó tất sẽ có mâu thuẫn. Vậy nên ĐCSTQ rốt cuộc chỉ thay thế quan hệ trị – bị trị bằng một quan hệ trị – bị trị khác mà thôi, nào có cái gì xứng gọi là đỉnh cao, là biện chứng? Chỉ là bình mới, rượu cũ…
Lý thuyết của duy vật biện chứng của ĐCSTQ là lý thuyết cực đoan, không phải là biện chứng, cũng chẳng hề khoa học.
Blogger Thuận Nhân
Xem thêm:
- Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
- Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?
Mời xem video:
Từ khóa Đảng Cộng Sản Trung Quốc duy vật và duy tâm duy vật biện chứng