Gia tộc nhiều đời chung sống hòa thuận nhờ “hiếu” và “nhẫn”
- An Hòa
- •
“Bách nhẫn ca” của tác giả Trương Công Nghệ đời Đường có viết rằng: “Cha con không nhẫn sẽ mất đi từ hiếu, anh em không nhẫn sẽ mất đi yêu kính, bạn bè không nhẫn sẽ mất đi nghĩa khí, vợ chồng không nhẫn sẽ nhiều tranh cãi”. Chính nhờ “Nhẫn” và “Hiếu” mà gia tộc họ Trương trở thành gia tộc nổi tiếng lịch sử có chín thế hệ với hơn chín trăm người sinh sống hòa thuận vui vẻ cùng nhau.
Sách “Cựu Đường thư” ghi chép rằng, ở vùng Thọ Trương, Vận Châu, tỉnh Sơn Đông có một ông lão tên Trương Công Nghệ, là hậu duệ đời thứ 26 của danh thần Trương Lương thời nhà Hán. Ông sinh năm 578 mất năm 676, thọ 99 tuổi, cuộc đời trải qua bốn triều đại là Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy, Đường, với gia tộc có chín thế hệ chung sống hòa thuận cùng nhau.
Trương Công Nghệ là một người dân thường. Tổ tiên của ông tuân thủ theo lý niệm “Nhẫn, Nghĩa, Lý, Nhượng” của Nho gia nên gia phong đời đời hiền đức, con cháu ngày càng đông đúc, các thế hệ sau không lập hộ riêng, cha nhân từ con hiếu thảo, anh gần gũi em cung kính, chị em dâu hòa hợp, lớn bé có trật tự.
Đến đời của Trương Công Nghệ, gia đình trên dưới đã có chín thế hệ với hơn chín trăm người sống chung một nhà, hòa thuận vui vẻ. Trong “Bát đức cố sự” viết:
Hoàng đế nhà Đường từng hỏi Trương Công Nghệ rằng làm thế nào mà có thể khiến cả nhà chung sống hòa thuận như vậy. Trương Công Nghệ đã thỉnh cầu giấy bút để trả lời. Khi có giấy bút trên tay, ông liên tiếp viết 100 chữ nhẫn (忍).
Trương Công nghệ cho rằng:
“Trong dòng họ sở dĩ không hòa thuận thông thường đều là do chuyện cơm áo của người trên hoặc có chỗ không công bằng, người bên dưới thì khuyết thiếu lễ tiết. Mọi người căn vặn nhau, oán trách nhau dẫn đến đủ loại tranh luận và bất hòa. Nếu mỗi người đều có thể nhẫn nhịn một chút thì trong nhà đương nhiên sẽ rất hòa thuận”.
Trương Công Nghệ thường khuyên mọi người trong gia đình rằng:
“Giữa cha với con mà không có nhẫn nhịn thì sẽ mất đi nhân từ của người cha và hiếu thảo của người con, giữa anh em mà không nhẫn nhịn với nhau thì sẽ không còn yêu thương kính trọng, giữa bạn bè mà không nhẫn nhịn lẫn nhau thì sẽ mất đi nghĩa khí, giữa vợ chồng mà không nhẫn nhịn lẫn nhau thì sẽ có nhiều tranh cãi… Mang một chữ Nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ, mang một chữ Nhẫn thì có thể kết được quảng giao. Nhẫn được đạm bạc có thể hàm dưỡng tinh thần. Nhẫn được cơ hàn có thể làm ra của cải. Nhẫn chịu khó khăn cần cù lao động sẽ được dư giả. Nhẫn được hoang dâm thì thân sẽ không có bệnh tật”.
Chính nhờ đặt chữ Nhẫn lên hàng đầu mà gia tộc họ Trương khiến ai nhìn thấy cũng phải tán thán. Hơn chín trăm người, mỗi ngày đến giờ ăn cơm thì gõ kẻng tập hợp quây quần bên nhau. Ghế trên dành cho người già, nam nữ có chỗ ngồi riêng biệt, trẻ nhỏ cũng có chỗ ngồi riêng. Mọi người tôn kính nhường nhịn lẫn nhau, kính già yêu trẻ. Người già nhân từ, người trẻ cung kính hiếu thảo, trong ngoài nhân ái chan hòa dùng lễ mà đối đãi nên gia đình luôn giữ được không khí vui vẻ hòa thuận.
“Gia hòa vạn sự hưng”, đức hạnh của Trương gia cao nên tài phúc cũng rất nhiều. Khi người ngoài đến vay tiền, mượn thóc, mượn gia súc, Trương gia đều để họ có thì trả, không có cũng không ép phải trả, lần kế tiếp lại đến mượn vẫn cho mượn, không tiếc tài vật giúp đỡ họ. Đôi lúc con cháu trong nhà cảm thấy không vừa lòng với cách làm này, Trương Công Nghệ bèn dạy rằng: “Nếu ai cũng đều được như chúng ta, cái gì cũng có, thì họ còn đến cầu cạnh chúng ta làm gì?”
Đạo lý nhân luân “cha nhân từ con hiếu thuận, anh hữu hảo em cung kính, chồng chính nghĩa vợ nhu thuận, mẹ chồng hiền đức con dâu vâng lời” của Trương gia đã khiến các thành viên trong gia đình thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau hành xử mọi việc một cách công bằng có lý. Mỗi người đối xử với cha mẹ người khác cũng đều giống như đối với cha mẹ của mình, quan tâm chăm sóc con cái của người khác cũng giống như chăm sóc con cái của chính mình.
Người xưa nói “tiếng lành đồn xa”, nghĩa cử đại thiện đại nhẫn này của Trương gia đã làm cảm động lòng người khắp thiên hạ gần xa, thậm chí chấn động đến cả triều đình.
Theo cuốn “Tư trị thông giám”, vào năm Lân Đức thứ hai triều nhà Đường, Hoàng đế Đường Cao Tông cùng Võ Tắc Thiên dẫn theo đại thần văn võ và các cung phi lên núi Thái Sơn cúng tế Trời đất. Khi xe ngựa đi qua đất Thọ Trương, nghe danh tiếng gia tộc họ Trương có 9 thế hệ sinh sống cùng nhau, nhiều đời đều được khen thưởng cho nên đã dừng lại hỏi thăm.
Hoàng đế hỏi Trương Công Nghệ làm thế nào để người nhiều thế hệ sinh sống hòa thuận cùng nhau. Trương Công Nghệ đáp: “Lão phu từ nhỏ tiếp thụ gia huấn của gia tộc, yêu thương khoan dung với mọi người, không có năng lực gì đặc biệt mà chỉ thành tâm đối với đãi mọi người bằng cách dùng một chữ Nhẫn mà thôi”. Nói rồi ông dùng bút viết 100 chữ nhẫn, làm thành “Bách nhẫn ca”. Hoàng đế liên tục khen ngợi, đồng thời ban tặng ông gấm lụa. Hoàng đế cũng đích thân viết bốn chữ “Bách nhẫn nghĩa môn” tặng cho Trương gia. Hoàng đế còn phong Trương Công Nghệ làm Túy hương hầu, phong cho người con cả của ông làm Tư nghi đại phu.
“Bách nhẫn ca” của Trương Công Nghệ chỉ rõ tính trọng yếu của nhẫn nhịn trong việc tu thân, xử thế. Nhẫn không phải là nuốt hận vào trong, không phân biệt thị phi, không có nguyên tắc, thiện ác không biện, mà trái lại, phải thanh tỉnh hiểu rõ được phải trái đúng sai. Nhẫn là khoan dung, là thông cảm, là lượng thứ cho nhau trong những việc không vi phạm nguyên tắc làm người.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi xảy ra những mâu thuẫn lục đục, hay tranh đoạt lợi ích, người khác nói lời xấu để được lợi hơn về mình thì nên nhẫn một chút, nhường một chút, lui một chút. Đó chính là cách giảm bớt phiền toái và ưu sầu. Tranh đoạt đến cuối cùng không giải quyết được mâu thuẫn mà còn gây ra oán thù, gieo mầm tai họa. Trong cuộc sống có rất nhiều tai họa đều là do không nhẫn được một lời nói, một hành động mà tạo ra. Lúc ấy, nước đổ khó hốt, hối hận cũng đã muộn. Bởi vậy, trong nhẫn chính là ẩn chứa đại trí huệ, đại tu dưỡng.
Gia tộc họ Trương lấy “Bách nhẫn” làm biểu tượng của dòng họ. Bài “Bách nhẫn ca” cũng trở thành tổ huấn của gia tộc họ Trương, lưu truyền đến nhiều đời sau. Sau khi Trương Công Nghệ qua đời, hậu nhân vì để tưởng nhớ ông, một người hiền nhân tài đức nên đã xây dựng “Bách nhẫn đường”. Ngày nay ở làng Kiều Bắc Trương, huyện Đài Tiền, thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam vẫn còn di chỉ của tòa nhà Bách nhẫn đường này.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tề gia trị quốc Nhẫn nhịn hòa thuận Lễ tiết