Giờ học Địa lý ở tiểu học Việt Nam trong mắt người Nhật
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Cuối cùng, chúng ta hãy cùng xem xét giờ học Địa lý của học sinh lớp 5. Chủ đề của giờ học là “Sông ngòi Việt Nam”. Người dạy là nữ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy khoảng trên dưới 45 tuổi. Giáo viên này hầu như không thể hiện cảm xúc, có thể cách diễn đạt của tôi hơi xấu xí nhưng cô đứng trên bục giảng với nét mặt giống như mặt nạ trong kịch Nô.
Trước tiên, cô cho học sinh xem hai loại đất đã được chuẩn bị trên tấm kính trong suốt và đưa ra câu hỏi bắt đầu giờ học “Một bên là bùn và bên kia là cát. Các em có biết bùn và cát cô lấy ở đâu không?” Học sinh vừa xem bản đồ Việt Nam treo trên bảng vừa tìm những nơi có sông. Giáo viên gọi vài học sinh và từng học sinh lên bảng và yêu cầu chỉ những nơi có thể lấy cát và bùn ở trên bản đồ. Học sinh đầu tiên chỉ “sông Hồng” chảy qua khu vực Bắc Bộ trên lãnh thổ Việt Nam. Học sinh thứ hai chỉ “sông Mekong”, con sống lớn nhất Việt Nam tạo nên đồng bằng lớn ở Nam Bộ. Học sinh thứ 3 thứ 4 cũng chỉ “sông MeKong”. Trong suy nghĩ của tôi, tôi cho rằng ý đồ người dạy không phải là cho học sinh trả lời về sông ngòi mà là muốn học sinh nói ra những nơi như thượng lưu, trung lưu, hạ lưu của các con sông tuy nhiên đáng tiếc là phản ứng của học sinh đã hoàn toàn trệch ra xa khỏi ý đồ của giáo viên.
Cho dẫu vậy, giáo viên không một chút thay đổi sắc mặt và vẫn tiếp tục giờ học. Giáo viên vừa nói “Bây giờ, các em hãy ghi nhớ tên các sông chủ yếu” vừa lần lượt chỉ các con sông trên bản đồ. Khi giáo viên hỏi “Con sông này tên gì?”, học sinh đồng loạt giơ tay. Khi được chỉ định, một học sinh trả lời rất tự tin “sông Hồng ạ”. Thêm nữa, khi giáo viên chỉ con sông khác và hỏi “Sông này gọi là sông gì?”, một học sinh khác trả lời trôi chảy – “sông Mã”. Ở trong sách giáo khoa có viết vì thế học sinh đã nhìn vào sách để trả lời.
Tiếp theo, giáo viên viết trên bảng theo chiều dọc “Mùa mưa” và “Mùa khô”, viết theo chiều ngang bảng “Tình hình sông ngòi” và “Đời sống nhân dân và ảnh hưởng tới sản xuất” sau đó yêu cầu “Cả lớp chia thành các nhóm nhé. Cô sẽ phát cho giấy có bảng giống như cô vẽ trên bảng, các em hãy điều vào 4 chỗ còn trống”. Học sinh tạo thành nhóm 6 người ở xung quanh mình và bắt đầu thảo luận. Tuy nhiên, giống như ở các giờ học từ trước đến giờ tôi thấy chỉ có học sinh làm thư kí cắm cúi ghi chép những gì nhóm trưởng nói còn các học sinh khác thì thờ ơ quan sát.
Sau 10 phút, tất cả các nhóm đều hoàn thành bảng. Giáo viên cho từng nhóm phát biểu. Gần như câu trả lời nào cũng giống nhau. Ở phần “sông ngòi mùa mưa” câu trả lời là “nước dâng lên gây ra lụt lội”, ở cột “sông ngòi mùa khô” câu trả lời là “lượng nước giảm”, ở ô về ảnh hưởng của mùa mưa là “ảnh hưởng xấu tới giao thông đường thủy”, “gây hại cho cây trồng”, ở ô ảnh hưởng của mùa khô là “lượng nước ở các con đập giảm gây thiếu điện”, “Cây trồng khô héo”. Tất cả những điều này đều có viết trong sách giáo khoa.
Cuối cùng, giáo viên chỉ định 10 học sinh, những học sinh mà tôi nghĩ là có khả năng nhất tạo thành hai đội mỗi đội 5 người và cho đứng làm hai hàng trước bảng. Giáo viên giải thích về trò chơi dành cho hai đội “bây giờ mỗi thành viên của từng đội sẽ lần lượt viết lên bảng một điều về “vai trò của sông ngòi” mà em biết. Khi viết xong thì lùi về cuối hàng và chờ đến lượt mình. Đội nào viết xong trước thì giành phần thắng”.
Sau khi học sinh của các đội chuẩn bị xong thì giáo viên cho học sinh hát và vỗ tay cổ vũ “Nào, các em, hãy cổ vũ cho hai đội nào”. Học sinh bước ra liên tiếp viết các câu trả lời để mong đội bạn thua cuộc. Trên bảng ghi đầy các câu trả lời như “tạo ra đồng bằng”, “cung cấp nước”, “cung cấp tài nguyên để làm thủy điện”. Khi 8 câu trả lời được đưa ra thì trò chơi kết thúc. Cả hai đội gần như đều kết thúc đồng thời và thắng lợi được quyết định với sự chênh lệch rất nhỏ. Học sinh của đội thắng trở về chỗ ngồi với vẻ vui sướng. Giáo viên kiểm tra các câu trả lời ở trên bảng, khen “Các em trả lời rất tốt. Đội nào cũng trả lời đúng” và kết thúc giờ học.
Khi quan sát giờ học này, nói thẳng thắn tôi đã không thể theo kịp nhịp độ giờ học. Tôi, người đã không đọc kĩ trước nội dung sách giáo khoa, đã chỉ hiểu được những điểm cơ bản như giáo viên đang giải thích cái gì, đang tìm kiếm câu trả lời nào. Trái ngược với khuôn mặt ngơ ngác của tôi, học sinh đã làm theo yêu cầu của giáo viên trôi chảy như thể không gặp bất cứ vấn đề gì khi học.
Sự triển khai giờ học đã được tiến hành với dòng chảy gồm 4 bước: (1) Đưa ra bùn và cát; (2) Xác nhận tên gọi và vị trí của các con sông chính; (3) Tình hình và ảnh hưởng của sông trong mùa mưa và mùa khô; (4) Vai trò của sông ngòi. Tuy nhiên, không hề thấy sự liên quan giữa các nội dung trong giờ học. Đặc biệt, nếu chỉ dựa vào sự triển khai giờ học này thì rất khó có thể hiểu được việc cho học sinh xem cát và bùn ở đầu giờ có liên quan gì đến những nội dung tiếp theo. Theo suy đoán của tôi thì có lẽ giáo viên muốn nói rằng ở sông ngòi, do tác dụng của xâm thực mà qua nhiều năm đá bị bào mòn tạo thành cát và thành các hạt nhỏ giống như bùn. Từ đó, muốn làm cho học sinh hiểu được ở hạ lưu các con sông dài của Việt Nam như “sông Hồng”, “sông Mê Công” các hạt phù sa giống như bùn tích tụ lại, trái lại ở cửa các con sông ngắn ở khu vực miền trung thì lại tích tụ các hạt cát tương đối thô.
Việc chuyển từ “(2) Xác nhận tên gọi và vị trí các sông chính” sang “(3) Tình hình và ảnh hưởng của sông ngòi vào mùa mưa và mùa khô” cũng mang tính chất cưỡng chế mạnh. Cho dẫu thế, học sinh vẫn hoạt động nhóm, vẫn tìm được câu trả lời mà không hề có chút nghi ngờ. Điều này có nghĩa là học sinh đã biết trước mình nên trả lời gì và viết gì chăng? Thực ra hoạt động nhóm ở đây chỉ là viết vào bảng biểu những gì đã viết trong sách giáo khoa và nó hoàn toàn không cần đến sự thảo luận ý kiến giữa các thành viên hay phát hiện ra điều gì đó.
Ngoài ra, tôi cũng không hiểu trò chơi thắng thua của hai đội được tiến hành ở cuối giờ được tiến hành nhằm mục đích gì. Chỉ có thể suy ra rằng đây đơn giản chỉ là cho học sinh nhặt ra những gì viết trong sách giáo khoa liên quan đến “vai trò của sông” mà thôi.
Tác giả: Tanaka Yoshitaka, 2008
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời độc giả tham khảo tại đây hoặc liên hệ Nhà sách Vương Gia.
Tanaka Yoshitaka sinh năm 1964 tại Kyoto, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Shiga (Nhật Bản), lấy bằng thạc sĩ ngành Hành chính quốc tế tại Mĩ. Hiện tại ông là nghiên cứu viên chính của Trung tâm phát triển quốc tế, hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, chuyên nghiên cứu phát triển giáo dục, phát triển xã hội. Cho đến nay ông đã đến làm cố vấn giáo dục ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt nam, Indonesia…
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương