Góc tự học: Chú tâm
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Qua quá trình quan sát, lắng nghe, tương giao (trò chuyện, làm việc) với người khác thuộc đủ lứa tuổi, ngành nghề, giai tầng xã hội, mình nhận thấy có một điều rất nhiều người mắc phải, đó là: không chú tâm. Mình cũng mắc nhưng thường nhanh chóng nhận ra và lập tức trở lại với sự chú tâm trong mọi việc đang làm. Từ quan sát bản thân, mình nhận biết nguyên nhân vì sao một người không chú tâm, trạng thái, biểu hiện của một người có chú tâm và không chú tâm ra sao. Nhờ vậy nên mình mới nhận ra nhiều người không chú tâm, khi nào họ có chú tâm hay không.
Chú tâm (pay attention) nghĩa là để hết tâm trí vào một việc gì đó.
Ngắm một cảnh quan. Chiêm ngưỡng nét đẹp của người yêu. Quan sát một hiện tượng, sự việc. Nghe một khúc nhạc, tiếng động xung quanh, ai đó nói chuyện…
Hay làm việc kiếm sống, chuyên môn, yêu thích: kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, đầu bếp, bán hàng, nhân viên công chức, hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, thiện nguyện, diễn viên, nhạc sĩ, hoạ sĩ…
Cho đến ăn, ngủ, đi, đứng, nằm, ngồi, lau nhà, rửa chén…
Tất thảy đều cần chú tâm. Nói cách khác là tâm ở đó với việc đang làm, với điều đang diễn ra.
Chúng ta thường thấy nơi người xung quanh và ngay trong chính mình cảnh:
“Ờ, cảnh này đẹp hén!” Người ta nói sau vài giây nhìn lướt qua và ngay sau đó hướng sự chú ý sang điều khác, phần lớn là điều họ đang suy nghĩ trong đầu và thể hiện ra ngoài qua lời nói, hành động. “Chụp cái hình về đăng Facebook cho thiên hạ biết mình đã đến đây.” Và chạy đi kiếm chỗ đứng chụp hình. “Thôi thôi cảnh kia mới đẹp.” “Chụp kiểu này mới ngầu.” “Thôi đi kiếm gì ăn.”
Ngồi ăn nhưng trong đầu suy nghĩ về điều kế tiếp sẽ ăn gì, uống gì, sẽ làm gì đó.
Đi đứng nhưng đầu nghĩ ngợi lung tung miên man đủ thứ chuyện đã qua hoặc dự định tương lai, điều sắp diễn ra.
Ngồi với ai đó nhưng cắm mặt vào điện thoại. Nói chuyện với ai đó nhưng đầu nghĩ đến người khác, việc khác.
Đi vệ sinh nhưng vẫn cắm mặt vào điện thoại hoặc nghĩ ngợi đến bồ, đến một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.
Ngủ nhưng trong suy nghĩ vẫn lên kế hoạch giải quyết việc gì đó ngày mai.
Hầu hết thời gian và mọi hoạt động của nhiều người đều diễn ra trong vô thức, không có sự chú tâm. Chúng ta thường nghĩ những hoạt động hằng ngày là những hành động quen thuộc và đã có kinh nghiệm, đã biết, nên không cần chú tâm chỉ cần cứ thế mà làm. Chúng ta hoạt động theo kinh nghiệm quá khứ, theo cái đã biết của bản thân. Lặp đi lặp lại.
Nhưng cuộc sống liên tục chuyển động, do đó luôn mới mẻ mỗi khoảnh khắc, mới và nhanh đến mức không thể nắm bắt vì vừa nắm thì nó đã thành cũ. Khi chúng ta dùng kinh nghiệm, sự hiểu biết của quá khứ để ứng tác với những điều mới mẻ thì luôn có sự lệch pha, nên xảy ra những sai sót. Những sai sót nhỏ, nhưng liên tục và lặp đi lặp lại thì trở thành vấn đề lớn.
Khi không chú tâm thì làm bất cứ việc gì cũng đều không đến nơi đến chốn, không trọn vẹn, không đàng hoàng tử tế. Chúng ta thường chấp nhận kết quả tàm tạm và che lấp chi tiết sai sót, tự huyễn hoặc bản thân, che mắt bịt tai để không nhìn thấy hậu quả tác hại mà mình gây ra khi không chú tâm. Bởi nếu thấy thì đã giật mình và chú tâm rồi.
Làm bếp bị đứt tay. Học hành không vô. Làm tính sai con số. Nghe mà không hiểu. Đọc nhưng không nắm bắt được đủ ý của người viết. Rửa chén không sạch, nếu sạch thì hao nước, nếu vừa sạch vừa tiết kiệm nước thì tư thế đứng sai, nếu cả ba đều ổn thì lực tay không đúng,… kiểu gì cũng có điểm lệch. Chỉ cần nhìn thì thấy. Và chính điểm sai nhỏ xíu đó lại trở thành vấn đề theo thời gian. Mà khi hậu quả xảy ra thì rất nhiều người không hiểu tại sao và thường đổ thừa cho nguyên nhân khác.
Một người chú tâm thì làm bất cứ việc gì cũng đều kỹ lưỡng, chi tiết, chỉn chu, hiếm khi xảy ra sai sót. Không có nghĩa họ không phạm sai sót, nhưng họ nhanh chóng nhận ra và nhận thức sai sót xảy ra là do họ đã có khoảnh khắc không chú tâm, họ không đổ thừa ngoại cảnh hay ai khác. Đó mới là tính trách nhiệm cao nhất của một người đối với bản thân và mọi người mọi việc mọi thứ xung quanh.
Làm sao để có thể chú tâm trong mọi việc, mọi lúc?
Thở.
Sâu, chậm, nhẹ.
Bất cứ lúc nào nhận ra bản thân đang không chú tâm thì lập tức quay về chú ý vào hơi thở.
Sâu, chậm, nhẹ.
Nhận biết khoảnh khắc khi mình không chú tâm thì đã bỏ lỡ đã sai sót gì đó. Không bình luận về nó. Quay lại chú tâm vào bất cứ việc gì đang làm. Đang ăn, đang đi vệ sinh, đang chơi, đang làm việc… chỉ làm việc đó thôi.
Suy nghĩ đến rồi đi. Cảm xúc đến rồi đi. Cảm giác đến rồi đi. Kệ chúng. Việc của mình là đang ăn, ngủ, chơi, học, tập, đi, đứng, rửa chén, giặt đồ, nói chuyện với ai đó,… thì làm đúng việc đang làm. Thở. Sâu, chậm, nhẹ.
Chú tâm là một trạng thái tự nhiên của con người, không phải là một trạng thái do rèn luyện mà có, mà đạt thành. Chúng ta thường bị phân tâm là bởi thường để tâm chạy theo suy nghĩ (suy nghĩ liên tục chạy về quá khứ chứa những ký ức hoặc lên kế hoạch tương lai) hoặc cảm xúc cảm giác bất chợt. Khi chạy theo suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác thì chúng ta bị suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác sai xử, trở thành nô lệ cho chúng, không còn làm chủ và chắc chắn có sai sót trong việc đang thực hiện. Khi đó chúng ta bị phân tán năng lượng, không có đủ năng lượng cho việc đang làm.
Việc duy nhất một người cần làm là nhận biết các trạng thái của bản thân. Biết trạng thái chú tâm luôn ở đó và cách để vận hành là thở. Sâu, chậm, nhẹ.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Thị Bích Ngà